Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Luật Nhà giáo là công cụ để phát triển lực lượng nhà giáo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ông có niềm tin to lớn vào hiệu quả của Luật Nhà giáo khi đi vào cuộc sống vì luật đã được chắt lọc từ thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Chúng ta đang muốn một nền giáo dục tạo ra sự thay đổi cho đất nước thì không thể không phát triển lực lượng nhà giáo. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật, khẩu hiệu, tinh thần mà chúng tôi theo đuổi là xây dựng luật để phát triển lực lượng nhà giáo. Làm điều gì để phát triển lực lượng nhà giáo thì chúng tôi kiên quyết làm, cố gắng làm.”

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều nay, 17/7.

Dấu mốc đặc biệt

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo là một dấu mốc đặc biệt, không chỉ của ngành mà còn của cả đất nước, là niềm vui không chỉ của hơn 1 triệu nhà giáo mà còn là niềm vui chung của tất cả những người quan tâm đến giáo dục.

Cùng chia sẻ này, phát biểu tại hội nghị, ông Carlos Vargas - Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 cho rằng Luật Nhà giáo được ban hành là sự kiện mang tính chất lịch sử, tạo môi trường nhiều thuận lợi để giáo viên phát triển, khẳng định vai trò của nhà nước để hỗ trợ cho sự phát triển này, cả thời gian và tài chính.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình xây dựng Luật Nhà giáo được đơn vị này tiến hành từ lâu và bắt đầu có những bước tiến quan trọng từ năm 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mất 4 năm, từ 2018 đến 2021, nghiên cứu phục vụ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo; thêm gần 4 năm, từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2024 để lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Thời gian soạn thảo Luật và trình Quốc hội thông qua diễn ra nhanh chóng trong vòng 1 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc để thực hiện nhiệm vụ này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ đã tổ chức gần 100 hội thảo, hội nghị quy mô lớn để xin ý kiến; có khoảng 20 cuộc làm việc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; khoảng 30 cuộc họp giữa tổ thường trực với các chuyên gia và khoảng 150 cuộc họp của tổ thường trực. Luật Nhà giáo cũng nhận được sự tham gia góp ý của hơn 800.000 người, trong đó có hơn 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông; gần 7.000 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; gần 8.000 giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm.

 Giờ dạy của giáo viên Trường Trung học cơ sở Pom Lót, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Giờ dạy của giáo viên Trường Trung học cơ sở Pom Lót, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua đã khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín của nghề giáo. Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đồng thời có nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút với nhà giáo. Luật Nhà giáo cũng chuẩn hóa đội ngũ và trao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục – một điểm nghẽn chính sách đã tồn tại nhiều năm qua, góp phần quan trọng giải quyết bài toán thừa – thiếu giáo viên của ngành.

Cần vượt nhiều thách thức trong triển khai

Khẳng định Luật Nhà giáo ban hành là một bước ngoặt quan trọng nhưng các đại biểu tại hội nghị cũng bày tỏ lo ngại về việc từ văn bản Luật đến triển khai trong thực tiễn là một khoảng cách lớn và sẽ có nhiều thách thức.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng việc ban hành dự án Luật Nhà giáo là một thành công lớn nhưng để đưa luật này vào thực tiễn cuộc sống sẽ là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải sự phải có sự quyết tâm cao độ. Trong quá trình này phải có những đánh giá từ thực tiễn để có những điều chỉnh kịp thời, làm sao những chính sách tốt nhất, hợp lý nhất có thể đến được với các nhà giáo, giúp cho họ phát huy được một cách cao nhất vai trò, trách nhiệm để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Cùng chia sẻ này, từ kinh nghiệm thực tiễn biên soạn và triển khai các luật liên quan đến giáo dục trước đây, Giáo sư Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng giai đoạn xây dựng luật là giai đoạn “rất nhiều mộng mơ” nhưng triển khai sẽ là giai đoạn nhiều thách thức.

Ông Tiến đưa ví dụ về Luật Giáo dục Đại học, ban soạn thảo luật này mong muốn những điều tốt nhất cho giáo dục đại học nhưng khi đi vào thực tế nảy sinh rất nhiều khó khăn. “Thứ nhất là sự chồng chéo giữa các văn bản luật, như giữa Luật Giáo dục Đại học với Luật Đầu tư công, Luật Đất đai. Thứ hai là sự phối hợp lỏng lẻo với các bên liên quan. Vì vậy, nhiều điều của Luật giáo Đại học không được đưa vào cuộc sống,” ông Tiến cho hay.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện nhiệm vụ soạn thảo, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư để hướng dẫn thực hiện Luật Nhà giáo. Ông Tiến cho rằng việc xây dựng các văn bản dưới luật này cũng sẽ là một nhiệm vụ nhiều thách thức, nhiều cái khó khi sẽ có sự chồng chéo với các văn bản luật khác và về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

“Cần xác định vai trò của các bên để đưa luật vào cuộc sống, phải đảm bảo quyền quản lý thống nhất của ngành giáo dục với nhà giáo,” ông Tiến kiến nghị.

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ông có niềm tin to lớn vào hiệu quả của Luật Nhà giáo khi đi vào thực tiễn.

“Không phải chúng ta đưa luật vào cuộc sống mà luật chính từ cuộc sống. Từ cuộc sống, chúng ta chắt lọc ra luật chứ không phải từ thực thể bên ngoài đưa vào luật. Vì vậy, luật là công cụ sắc bén, là chỗ dựa chắc chắn để phát triển lực lượng nhà giáo,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-bo-gd-dt-luat-nha-giao-la-cong-cu-de-phat-trien-luc-luong-nha-giao-post1050211.vnp
Zalo