Nghiêm trị nạn đòi nợ thuê bất chấp pháp luật

Bất chấp dịch vụ 'đòi nợ thuê' đã bị khai tử, việc đòi nợ thuê vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức như nhóm cá nhân hay núp bóng doanh nghiệp, kể cả công ty luật...

Những khoản nợ khó đòi là sự sợ hãi đối với các chủ nợ nhưng lại là thị trường béo bở dưới góc nhìn kinh doanh của một số cá nhân, tổ chức. Và với quyết tâm đòi cho bằng được, không ít cá nhân, tổ chức đã sử dụng mọi biện pháp phi đạo đức, trái pháp luật, gây bức xúc trong dư luận…

Không ít chủ nợ rơi vào tình huống “lực bất tòng tâm” khi đã áp dụng mọi biện pháp mà con nợ vẫn cứ trơ trơ, không chịu trả nợ. Chấp nhận xóa nợ thì không đành, mà tiếp tục đòi nợ thì chỉ tốn thêm công sức vì nắm chắc phần thua. Trong những tình huống như thế, việc trông cậy vào những “người đòi nợ chuyên nghiệp” để thu hồi khoản nợ là phương án khả dĩ và công bằng mà nói, đó là nhu cầu chính đáng của các chủ nợ.

 Các bị cáo trong vụ 'núp bóng' Công ty Luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê trong phiên tòa sơ thẩm ngày 30-8-2024. Ảnh: Đông Hà

Các bị cáo trong vụ 'núp bóng' Công ty Luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê trong phiên tòa sơ thẩm ngày 30-8-2024. Ảnh: Đông Hà

Quy luật kinh tế cho thấy có cầu ắt sẽ có cung, vì thế không ít cá nhân, tổ chức đã nắm bắt thời cơ, xem đây là thị trường màu mỡ để cung cấp dịch vụ đòi nợ, trên nguyên tắc cộng sinh, đôi bên cùng có lợi.

Dưới góc độ pháp lý, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã sớm xuất hiện kể từ năm 2007 khi Chính phủ ban hành Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Nghị định này có một hệ thống các quy định về nguyên tắc, biện pháp và điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ… Đặc biệt là nghị định quy định về các hành bị nghiêm cấm, cùng hàng loạt chế tài xử phạt vi phạm hành chính kèm theo.

Khi Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành để thay thế Luật Đầu tư năm 2005 thì kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn được pháp luật công nhận và xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (số thứ tự 35, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014).

Tuy vậy, thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho thấy tồn tại rất nhiều bất cập. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ một cách hợp pháp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật vẫn có. Hoạt động của các doanh nghiệp này giúp chủ nợ thu hồi lại được một phần hoặc toàn bộ tài sản mà con nợ đã cố tình chây ỳ không chịu trả. Đồng thời, nó giúp doanh nghiệp tạo công ăn, việc làm cho nhân viên của mình.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp vì những khoản lợi nhuận béo bở, tỉ lệ ăn chia sau khi đòi được nợ rất cao, dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vi phạm nghiêm trọng quy định. Hiện tượng đòi nợ bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo lý vẫn xảy ra phổ biến. Không hiếm trường hợp các đối tượng đòi nợ bằng cách tung các hình ảnh, video cắt ghép nhằm mục đích làm nhục, vu khống, khủng bố tinh thần con nợ. Họ sử dụng các đối tượng là “dân anh chị, xã hội đen” để đòi nợ thuê bằng cách bắt giữ, đe dọa, thậm chí gây tổn hại đến cơ thể, có trường hợp dẫn đến án mạng đối với con nợ hoặc người thân của họ.

Hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”, sự lộng hành của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ biến tướng không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, quyền được đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của công dân, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.

Từ câu chuyện thực tiễn nói trên, vào ngày 17-6-2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư năm 2020, trong đó liệt kê kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh (điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020). Như vậy, kể từ ngày 1-1-2021 (ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực) hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã chính thức bị khai tử.

Việc khai tử hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, khi cân nhắc giữa mặt lợi và mặt hại của việc duy trì hoạt động kinh doanh này.

Tuy nhiên, dù đã bị cấm, việc đòi nợ thuê vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức như nhóm cá nhân hay núp bóng doanh nghiệp, kể cả công ty luật.

Để giải quyết vấn đề này, có thể thấy chính các chủ nợ cũng cần nắm bắt thông tin về tính hợp pháp của hoạt động này, nếu rơi vào trường hợp gặp phải con nợ chây ỳ, không thể đòi được nợ. Như thế, các chủ nợ sẽ tránh được việc bị lừa sử dụng các dịch vụ biến tướng, bất hợp pháp, tìm ẩn nguy cơ rủi ro pháp lý.

Về phía quản lý, để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố và xét xử một cách nghiêm minh đối với các đối tượng là những cá nhân đã thực hiện các hành vi dịch vụ đòi nợ phạm tội hình sự về các tội danh có liên quan. Đặc biệt, cơ quan tố tụng cần xử nghiêm những trường hợp phạm tội có tổ chức, người cầm đầu tổ chức với đường dây, quy mô hoạt động phức tạp, thu lợi lớn, xâm phạm sức khỏe, tính mạng con nợ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì trật tự an toàn xã hội.

Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghiem-tri-nan-doi-no-thue-bat-chap-phap-luat-post834579.html
Zalo