Nghịch lý thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm, Pharmacity doanh thu cao thứ 2 nhưng lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng
Doanh thu của Pharmacity trong năm 2023 cán mốc 5.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 thị trường nhưng lại lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng.
Pharmacity lỗ lớn
Pharmacity được thành lập từ tháng 11/2011 với vốn điều lệ ban đầu 7 tỷ đồng, đây được xem là thương hiệu tiên phong trong việc mở rộng của các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam. Pharmacity nổi bật với tốc độ phát triển nhanh chóng và tham vọng đạt 5,000 nhà thuốc vào năm 2025.
Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, chuỗi này gặp thách thức trong việc duy trì vị thế dẫn đầu. Cụ thể, chuỗi nhà thuốc Pharmacity được thành lập năm 2011, mục tiêu mở rộng lên 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025 và nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi liên tục mở rộng số lượng lên 1.041 nhà thuốc vào cuối năm 2022, Dược phẩm Pharmacity có động thái thu hẹp quy mô khi tháng 2/2023 giảm số lượng cửa hàng xuống 936 và tính tới cuối tháng 8/2024 còn 898 cửa hàng. Vị thế dẫn đầu của Pharmacity đã thuộc về tay chuỗi Long Châu. Đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh giá cả sản phẩm và đảm bảo lượng thuốc dự trữ đúng và đủ.
Không chỉ giảm số lượng cửa hàng thuốc, Dược phẩm Pharmacity có sự biến động ở vị trí lãnh đạo cấp cao: năm 2022, nhà sáng lập là ông Chris Blank rời vị trí Tổng giám đốc, người thay thế là bà Trần Tuệ Tri; sang 2023, Công ty có Tổng giám đốc mới là ông Deepanshu Madan.
Từ năm 2022, Pharmacity đã trải qua nhiều lần thay đổi vị trí Tổng giám đốc, điều này đã ít nhiều có ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động của chuỗi. Để khắc phục những hạn chế, Pharmacity đã tích cực điều chỉnh chiến lược giá và chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ thuốc kê đơn. Trải qua khủng hoảng kép từ nền kinh tế cho đến nội bộ doanh nghiệp, Pharmacity lại thêm một năm tài chính ảm đạm.
Theo Vietdata, trong năm 2022, doanh thu đã giảm đi khoảng 15% so với năm trước do chuỗi này đã đóng cửa gần 200 chi nhánh cho đến thời điểm báo cáo. Với hơn 900 nhà thuốc vào cuối 2023, trung bình mỗi nhà thuốc tạo ra doanh thu 450 triệu đồng/tháng.
Đáng nói, dữ liệu từ Vietdata cũng cho thấy, năm 2023, dù các chi nhánh không hiệu quả đã được loại bỏ song chuỗi này vẫn ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng.
Long Châu doanh thu tăng 67%
Long Châu, thuộc FPT Retail (FRT), là một trong những hệ thống bán lẻ dược phẩm lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Năm 2016, chuỗi này có 185 nhà thuốc và đã tăng gấp 10 lần sau 8 năm. Hiện tại, hệ thống đã mở rộng lên hơn 1,800 nhà thuốc và đặt mục tiêu đến mốc 2,500 - 3,000 nhà thuốc. Nhờ chiến lược phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, Long Châu luôn đạt được doanh số dẫn đầu.
Dù phải cạnh tranh gay gắt, Long Châu vẫn chiếm lĩnh thị phần nhờ đẩy mạnh kinh doanh biệt dược và thuốc kê đơn ngoài kênh OTC quen thuộc. Long Châu đã trở thành điểm đến quen thuộc ở các thành phố lớn.
Long Châu còn mở rộng sang dịch vụ Trung tâm tiêm chủng, kết hợp tốt với mô hình nhà thuốc giúp tối ưu hiệu quả hoạt động. Hiện tại, Long Châu sở hữu 124 trung tâm tiêm chủng trên cả nước.
FRT kỳ vọng phát triển FPT Long Châu thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Để thực hiện điều này, FRT dự định huy động vốn thông qua chào bán riêng lẻ 10% cổ phần Long Châu.
Theo BCTC Hợp nhất Q3/2024 do FRT công bố, chuỗi dược phẩm Long Châu ghi nhận doanh thu lũy kế đến hết quý III/2024 đạt 18,006 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 63% doanh thu cho công ty mẹ.
Hiện tại, Long Châu sở hữu hơn hệ thống hơn 1,800 nhà thuốc, với doanh thu trung bình 1.1 tỷ đồng/tháng/nhà thuốc, con số này cải thiện đáng kể so với cuối năm 2023.
Về kết quả kinh doanh, Vietdata đánh giá, Long Châu ngày càng bộc lộ hiệu quả của một chuỗi nhà thuốc đầu ngành. Năm 2023 khả quan với doanh thu tăng 67% so với cùng kỳ, chạm mốc 16,000 tỷ đồng. Theo đó, trung bình mỗi nhà thuốc đem về 0.9 tỷ đồng/tháng với hệ thống 1,500 nhà thuốc vào cuối năm 2023.
Bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, chuỗi này vẫn tăng trưởng tốt. Lợi nhuận đã tăng gấp đôi so với năm trước và đứng đầu ngành. Kết quả kinh doanh này cho thấy mô hình kinh doanh của Long Châu rất hữu hiệu, dù chi phí tăng do mở nhiều chi nhánh song vẫn lãi đậm.
An Khang dự báo vẫn lỗ trong 2 năm tới
An Khang là chuỗi nhà thuốc được Thế Giới Di Động mua lại từ năm 2017 và sở hữu hoàn toàn vào năm 2021.Trước đây, MWG từng đặt mục tiêu mở rộng An Khang lên 2,000 nhà thuốc, nhưng kế hoạch này khó khả thi khi số lượng chi nhánh đang giảm dần.
Kể từ đầu năm 2024, An Khang đã đóng cửa 200 chi nhánh, chỉ còn 326 nhà thuốc hoạt động. Dự kiến, chuỗi này sẽ thu hẹp xuống còn 300 nhà thuốc.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, Công ty CP Dược phẩm An Khang, đơn vị chủ quản của chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn lỗ sau thuế 321 tỷ đồng 9 tháng, nâng tổng lỗ lũy kế tính tới cuối quý III lên 982 tỷ đồng.
Tính cả việc đóng cửa các cửa hàng An Khang, SSI Research ước tính doanh thu năm 2024 của chuỗi nhà thuốc này vào khoảng 2.500 tỷ đồng (tăng 16% so với năm ngoái). Nhưng doanh thu năm 2025 có thể giảm 21% so với năm nay, còn 2.000 tỷ đồng.
"MWG vẫn đang gặp khó khăn với mô hình kinh doanh nhà thuốc. Do đó, chúng tôi dự báo rằng An Khang có thể vẫn chịu lỗ 369 tỷ đồng và 232 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025", SSI Research nêu ước tính.
Về ước tính lợi nhuận chung của MWG, SSI Research điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 từ mức 4.300 tỷ đồng xuống 4.000 tỷ đồng (tương đương từ mức tăng 2.459% xuống 2.259% so với năm 2023) chủ yếu do chi phí bất thường cao hơn dự kiến.
Theo SSI Research, MWG có thể vẫn phải trích chi phí khấu hao lợi thế thương mại (107 tỷ đồng) trong quý IV/2024. Tuy nhiên, quý IV là mùa cao điểm, nên chi phí bất thường có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận như trong quý III/2024.
Sang năm 2025, nhóm phân tích cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng của MWG từ 6.000 tỷ đồng xuống 5.700 tỷ đồng (tăng 46% so với năm 2024) do tiêu dùng không thiết yếu phục hồi chậm và việc mở rộng cửa hàng bách hóa tại các tỉnh mới có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Theo Vietdata, vị trí cửa hàng không hẳn là nguyên nhân khiến An Khang yếu thế vì bộ 3 An Khang - Long Châu - Pharmacity thường xuyên nằm trên cùng một tuyến đường. Các cửa hàng của An Khang chưa được tối ưu hóa cách thức bố trí cũng như diện tích hẹp, danh mục sản phẩm kém đa dạng khiến khách hàng khó dành sự ưu tiên hơn so với 2 chuỗi còn lại.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy công tác cắt giảm cửa hàng cho thấy hiệu quả kinh doanh của An Khang vẫn chưa khả quan. Trước đó doanh thu của An Khang vẫn còn khá khiêm tốn, đến năm 2023 mới được cải thiện với mức tăng 43% - chạm mốc 2,200 tỷ đồng. Trung bình mỗi nhà thuốc đem về cho An Khang khoảng 350 triệu đồng/tháng, dù cải thiện so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa giúp An Khang hòa vốn.
Doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn là điểm tối trong bức tranh tài chính của An Khang. Dù không mở mới nhà thuốc song chi tiêu nâng cấp danh mục, hình ảnh thương hiệu, hàng tồn kho, chi phí tiếp thị cũng đã ăn mòn hết lợi nhuận. Cuối năm 2023, chuỗi vẫn báo lỗ hơn 340 tỷ đồng. SSI dự báo An Khang sẽ còn thua lỗ trong ít nhất 2 năm nữa dù doanh thu sẽ có sự cải thiện.