Nghịch lý phim của Việt Hương

'Ma da' đã qua cột mốc doanh thu vàng 100 tỷ. Đây được xem là bất ngờ lớn của điện ảnh Việt năm 2024. Song, nguyên nhân của sự thành công này là một nghịch lý.

Vượt mọi dự đoán, Ma da đã chạm tới cột mốc doanh thu vàng 100 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày ra mắt, tạo nên cú hit phòng vé đầu tiên của điện ảnh nội địa sau một mùa hè đầy ảm đạm.

Nói vượt mọi dự đoán là bởi, Ma da trước đó vốn không nhận được nhiều sự chú ý từ giới mộ điệu. Phim được cầm trịch bởi Nguyễn Hữu Hoàng, người đứng sau Song song (2021) và Ống kính sát nhân (2018), cả hai phim đều không thành công về doanh thu.

Thêm nữa, Ma da cũng không sở hữu ngôi sao phòng vé. Cái tên nổi bật nhất là Việt Hương, song nữ diễn viên vốn không được đánh giá cao ở địa hạt điện ảnh. Phim cũng khá yên ắng trước thời điểm ra mắt, ít được thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội.

Vì lẽ đó, Ma da trở thành bất ngờ lớn của điện ảnh Việt trong năm 2024. Thế nhưng, nguyên nhân của sự thành công đó là điều vẫn có thể lý giải.

Sức hút từ câu chuyện kinh dị dân gian

Ma da của Việt Hương khai thác câu chuyện về ma da, một trong những ác linh đáng sợ và nổi tiếng nhất trong văn hóa dân gian Nam Bộ. Truyền thuyết kể lại rằng, chúng là linh hồn của những người chết đuối, chuyên kéo chân những ai ở ven sông, hồ, hoặc ao sâu. Tại những vùng sông nước, câu chuyện về ma da đã được lưu truyền suốt hàng thế kỷ, tạo nên nỗi ám ảnh và sự tò mò qua nhiều thế hệ.

Rõ ràng, bản thân truyền thuyết về ma da vốn đã là một câu chuyện có sức hút. Và khi nó được đưa trên màn ảnh, sự đón nhận của khán giả là điều không quá khó hiểu.

Người miền Tây có cuộc sống gắn liền với sông nước. Sông nước nuôi nấng họ, vỗ về họ, cho họ cái ăn, cái mặc, cho con cái họ được đến trường, cho cá tươi và trái ngọt. Nhưng đôi lúc, sông nước cũng dữ dội và tàn nhẫn khi lấy đi những người thân yêu của họ. Từ đó, nỗi sợ ma da không chỉ xuất phát từ tính chất siêu nhiên, mà còn phản ánh sự nguy hiểm của sông nước miền Tây.

 Những chi tiết mang màu sắc tâm linh của Ma da được tái hiện trọn vẹn, dễ kết nối với khán giả.

Những chi tiết mang màu sắc tâm linh của Ma da được tái hiện trọn vẹn, dễ kết nối với khán giả.

Nắm bắt điều này, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng cũng không có quá nhiều cải biên, thêm thắt. Anh “hình ảnh hóa” đúng những gì người ta biết về ma da, từ hình dạng, cách nó hoạt động, cho tới niềm tin của người Nam Bộ·về nó. Chính sự trung thành này đã giúp tác phẩm dễ dàng “chạm” đến khán giả, đặc biệt là những người từng nghe qua câu chuyện về ác linh sông nước.

Nỗi sợ ma da vốn đã có sẵn trong tâm thức của những người biết đến nó, và con số này thật sự không ít. Nguyễn Hữu Hoàng đã tận dụng chính nỗi sợ nguyên thủy này để làm chất liệu kinh dị cho tác phẩm. Nhờ đó, Ma da vẫn đem đến những giây phút ám ảnh, hồi hộp nhất định dù kỹ nghệ hù dọa của bộ phim không quá xuất sắc, đôi khi còn vụng về.

Một trường hợp tương tự Ma daQuỷ cẩu (2023) của đạo diễn Lưu Thành Luân. Cả hai bộ phim đều không được đánh giá cao trước khi ra mắt, đều không có ngôi sao phòng vé, và cũng đều khai thác những câu chuyện kinh dị dân gian.

Nếu như Ma da “hình ảnh hóa” nỗi sợ vùng sông nước của nhân dân Nam Bộ, thì Quỷ cẩu lại tái hiện câu thành ngữ “chó đội nón mê” vốn phổ biến ở miền Bắc. Và trong khi Quỷ cẩu đã chạm tới doanh thu vàng 100 tỷ đồng thì phía còn lại, Ma da cũng đã vượt qua con số này và đang hướng tới những cột mốc cao hơn.

 Quỷ cẩu cũng chạm tới cột một doanh thu 100 tỷ đầy bất ngờ nhờ khai thác chất liệu kinh dị tâm linh.

Quỷ cẩu cũng chạm tới cột một doanh thu 100 tỷ đầy bất ngờ nhờ khai thác chất liệu kinh dị tâm linh.

Một ví dụ khác về việc nhờ khai thác chất liệu kinh dị dân gian mà thành công là Bắc Kim Thang (2019). Không giống hai bộ phim trước, tác phẩm của Trần Hữu Tấn là một dự án tương đối chất lượng. Song, Bắc Kim Thang lại khai thác thể loại kinh dị tâm lý vốn kén người xem tại Việt Nam. Nhưng nhờ việc tận dụng tốt chất kinh dị từ bài đồng dao cùng tên, Bắc Kim Thang vẫn thu về 40 tỷ, một con số tương đối ấn tượng.

Thành công của Ma da và nhiều bộ phim khác đã cho thấy, chất liệu kinh dị dân gian đang là địa hạt màu mỡ, giàu tiềm năng khai thác. Đây dần trở thành điểm “ăn tiền”, giúp các đạo diễn Việt chinh phục khán giả, trong bối cảnh chất lượng các tác phẩm nội địa chưa thể sánh được với các cường quốc kinh dị như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Điểm yếu của phim kinh dị Việt

Dù đạt được mức doanh thu đáng mơ ước, song Ma da vấp phải không ít ý kiến trái chiều, đặc biệt là về chất lượng tác phẩm.

Ngôn ngữ điện ảnh và thủ pháp gây sợ hãi trong Ma da được đánh giá là không quá đặc sắc. Phim liên tục dùng âm thanh để dẫn dắt cảm xúc người xem. Các góc máy chưa cho thấy sự độc đáo, chủ yếu là việc hoán đổi điểm nhìn giữa nhân vật và khán giả để tạo cảm giác bất an.

Những cú jump-scare gần như là vũ khí duy nhất để đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng tạo ra sự sợ hãi. Cũng vì vậy, cách làm này được lặp đi lặp lại, dễ gây cảm giác nhàm chán. Đặc biệt, việc liên tục đẩy âm lượng lên mức lớn khiến người xem đặt dấu hỏi về gu thẩm mỹ của nam đạo diễn.

Về mặt nội dung, kịch bản của Ma da được xây dựng khá nông. Ngay từ đầu phim, background nhân vật được thuật lại hời hợt qua những dòng hồi tưởng, cách làm chỉ mang tính chất kể lể chứ không thể giúp khán giả cảm nhận được nỗi đau và những uất ức trong quá khứ của bà Lệ (Việt Hương).

Nhìn rộng ra, những cái chưa tốt của Ma da cũng là những điểm yếu chung của nhiều tác phẩm kinh dị Việt Nam gần đây.

Trước Ma da, Quỷ cẩu Kẻ ăn hồn (2023) là những dự án cực kỳ tiềm năng. Trong khi Quỷ cẩu được đón nhận vì khai thác câu chuyện dân gian thú vị thì Kẻ ăn hồn lại có màn chạy đà ấn tượng nhờ hậu truyện Tết ở làng địa ngục (2023) trước đó.

Song, cả hai dự án đều gây tiếc nuối bởi kịch bản có nhiều sạn, phần nào lãng phí những ý tưởng và chất liệu kinh dị vốn đầy triển vọng. Các mánh khóe hù dọa của hai tác phẩm trên cũng có phần đơn điệu, chưa quá ấn tượng và đi theo lối mòn thường thấy.

Cái kết của Quỷ cẩu, Kẻ ăn hồn và cả Ma da đều được lồng ghép những cú plot-twist lớn. Nhưng, cả ba màn “lật mặt” đó vẫn khá chưng hửng, khó thuyết phục và cũng khó để người xem tin vào những thông điệp mà các nhà làm phim muốn truyền tải.

Dù đạt được thành công về doanh thu song rõ ràng, các tác phẩm kể trên vẫn chưa thể chinh phục hoàn toàn khán giả. Còn với riêng Ma da, đứa con tinh thần của Nguyễn Hữu Hoàng còn khoảng cách rất xa để trở thành một bộ phim kinh dị có tầm vóc.

Tuy nhiên, sau hai tác phẩm thất bại về doanh thu, Ma da rõ ràng là dấu mốc lớn trong sự nghiệp của nam đạo diễn, tạo cơ hội cho anh tiếp tục chinh phục mảnh đất điện ảnh màu mỡ nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt.

Thuận Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghich-ly-phim-cua-viet-huong-post1494013.html
Zalo