Nghịch lý nước nông nghiệp nhưng khó sản xuất dầu diesel sinh học

Trong khi các quốc gia trong khu vực làm nhiên liệu diesel sinh học khá tốt, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng chưa sản xuất đại trà được loại nhiên liệu này.

Quyết định số 177 ngày 20-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" đặt mục tiêu tầm nhìn tới năm 2025, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội thảo Khoa học"Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho hay dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam thất bại trong sản xuất diesel sinh học.

Trao đổi thêm với Báo Người Lao Động, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho hay, diesel sinh học hay còn gọi là Bio-diesel. Loại nhiên liệu này được chiết xuất từ hạt có dầu như cây Jatropha, hướng dương, hạt cải cầu, dầu cọ.

Hơn 10 năm trước, Việt Nam đã định hướng sản xuất diesel sinh học từ cây Jatropha nhưng cuối cùng thất bại. "Sau 5 năm trồng nhưng cuối cùng phát hiện nhầm giống cây nên không có quả mà không có quả thì không có dầu" - ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, các nước trong khu vực làm nhiên liệu diesel sinh học khá tốt như Thái Lan, Indonesia. Họ sản xuất diesel sinh học làm từ dầu cọ, Jatropha.

Theo vị chuyên gia này, sản xuất diesel sinh học đem lại nhiều lợi ích như gia tăng thu nhập cho người nông dân, giảm phát thải khí nhà kính, chủ động nguồn nhiên liệu thay vì phải hút dầu từ mỏ lên.

Tất nhiên, giá thành loại nhiên liệu cao nên cần thêm chính sách hỗ trợ về quy hoạch vùng trồng, cam kết hỗ trợ đầu ra bền vững cho doanh nghiệp, người dân; cũng như có chính sách khuyến khích người dùng sử dụng loại nhiên liệu này.

Từ năm 2015, cả nước đã có 7 nhà máy bio-ethanol được đầu tư xây dựng với tổng năng lực sản xuất dự kiến khoảng 502 ngàn tấn/năm, đủ để pha chế 8,46 triệu tấn xăng sinh học (E5) khi các nhà máy này hoạt động đủ 100% công suất thiết kế.

Tuy nhiên, do diễn biến bất lợi của giá dầu thế giới, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa sử dụng nhiều loại nguyên liệu rẻ hơn, chưa tận dụng các phụ phẩm để hạ giá thành sản phẩm, cơ chế tài chính của nhiều dự án còn bất cập, cho nên giá thành xăng E5 chưa đủ hấp dẫn, khiến người dân không mặn mà, nhiều nhà máy bio-ethanol lần lượt rơi vào "cảnh đắp chiếu", không tiêu thụ được sản phẩm, hoạt động lay lắt, thậm chí buộc phải đóng cửa.

Với xăng E5 (nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống), khảo sát tại các thành phố lớn hiện nay nhiều trụ xăng E5 bỗng biến mất vì chủ cây xăng dầu cho biết tiêu thụ mặt hàng này khá chậm.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có đánh giá tổng về chính sách hỗ trợ và phát triển nhiên liệu sinh học hiện nay.

Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghich-ly-nuoc-nong-nghiep-nhung-kho-san-xuat-dau-diesel-sinh-hoc-196240811103500228.htm
Zalo