Nghịch lý người già Hàn Quốc làm nhiều nhưng hưởng ít

Người cao tuổi ở Hàn Quốc dù có tỷ lệ việc làm cao nhưng đa số chỉ tìm được những công việc lương thấp, thiếu ổn định. Họ phải tiếp tục làm việc vì thu nhập từ lương hưu không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Những người lớn tuổi tìm việc tại Hội chợ việc làm dành cho người cao tuổi tại Seoul. Ảnh: Yonhap

Những người lớn tuổi tìm việc tại Hội chợ việc làm dành cho người cao tuổi tại Seoul. Ảnh: Yonhap

Tỷ lệ việc làm cao nhưng không bền vững

Theo Korea Times, ông Kim, 65 tuổi, từng làm kế toán và quản lý tài chính trong gần 30 năm đã nghỉ hưu ba năm trước. Tuy nhiên, thay vì tận hưởng tuổi già, ông Kim gần đây phải nhận một công việc bán thời gian bốc vác tại siêu thị gần nhà.

Ông chia sẻ, dù từng kỳ vọng chuyên môn dày dặn của mình sẽ giúp ông dễ dàng tìm được một vị trí phù hợp, nhưng thực tế các công ty rất ít quan tâm đến việc tuyển dụng người cao tuổi.

Những vị trí dành cho người lớn tuổi thường giới hạn trong các công việc như bảo vệ, vệ sinh hoặc quản lý kho với mức lương thấp.

“Tôi nghĩ mình có thể dùng kinh nghiệm của mình một cách hữu ích, nhưng thực tế lại khác,” ông Kim nói. “Giờ đây tôi phải khuân vác hộp bốn giờ mỗi ngày với mức lương tối thiểu vì lương hưu không đủ trang trải cuộc sống.”

Câu chuyện của ông Kim không phải là cá biệt mà phản ánh thực trạng của nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc.

Theo báo cáo Pensions at a Glance 2023 của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), tỷ lệ nghèo đói ở người cao tuổi Hàn Quốc lên đến 40,4%, cao nhất trong số 38 quốc gia thành viên OECD, gần gấp ba lần mức trung bình 14,2% của tổ chức này.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là Hàn Quốc cũng có tỷ lệ việc làm của nhóm tuổi trên 65 cao nhất OECD, đạt 37,3% vào năm 2023, theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc (NABO). Mức này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 13,6% của các nước OECD khác.

Khi kinh nghiệm không thay thế tuổi tác

Dù tỷ lệ việc làm cao, nhưng chất lượng công việc của người lao động lớn tuổi vẫn còn nhiều vấn đề. Báo cáo của NABO cho thấy phần lớn người cao tuổi làm việc trong các vị trí không ổn định và thu nhập thấp.

Cụ thể, 61,2% người lao động trên 65 tuổi được tuyển dụng theo hợp đồng không cố định và gần một nửa (49,4%) làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ với dưới 10 nhân viên. Về loại hình công việc, lao động giản đơn chiếm tỷ lệ cao nhất (35,4%), tiếp đến là thợ vận hành máy (15%).

Điều này dẫn đến sự sụt giảm thu nhập đáng kể khi người cao tuổi quay trở lại làm việc. Mức lương trung bình hàng tháng của người lao động ở độ tuổi cuối 50 trước khi nghỉ hưu là 3,5 triệu won (khoảng 61 triệu đồng), nhưng khi quay lại làm việc sau nghỉ hưu ở độ tuổi đầu 60, con số này giảm còn 2,8 triệu won (khoảng 49 triệu đồng), tương đương giảm 20,5%.

Nguyên nhân chính là sự mất kết nối giữa kỹ năng tích lũy của người lao động lớn tuổi và vai trò công việc mới. Hơn một nửa (53,2%) số người lao động lớn tuổi cho biết công việc hiện tại của họ “hoàn toàn không” hoặc “chỉ liên quan một chút” đến nghề nghiệp trước đây.

Điều này không chỉ khiến họ không thể phát huy chuyên môn mà còn phải chấp nhận công việc ít đòi hỏi kỹ năng và lương thấp.

Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng các biện pháp toàn diện để hỗ trợ người cao tuổi chuyển đổi nghề nghiệp một cách bền vững.

Việc hỗ trợ giúp họ duy trì công việc trong lĩnh vực chuyên môn hoặc các lĩnh vực liên quan sẽ không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tận dụng được nguồn nhân lực quý giá từ kinh nghiệm dày dặn của họ.

“Người cao tuổi Hàn Quốc thể hiện mong muốn mạnh mẽ tiếp tục làm việc ngay cả sau khi nghỉ hưu. Nếu được hỗ trợ để duy trì công việc trong lĩnh vực quen thuộc hoặc liên quan, điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập khi về già và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội”, báo cáo của NABO nhấn mạnh.

N. THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/nghich-ly-nguoi-gia-han-quoc-lam-nhieu-nhung-huong-it-137724.html
Zalo