Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu

Giá ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã giảm cả trăm triệu đồng/chiếc từ đầu năm đến nay, song giá bán đến tay người tiêu dùng lại diễn biến ngược lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9-2024, cả nước nhập khẩu 15.227 ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tương đương 267 triệu USD, giá trung bình 20.000 USD/chiếc - giảm gần 4.000 USD/chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập rẻ, bán mắc

Lũy kế 9 tháng năm 2024, có 124.983 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia đạt 50.900 chiếc, trị giá 746 triệu USD; từ Thái Lan 47.580 chiếc, trị giá 923 triệu USD. Giá xe trung bình nhập từ Indonesia khoảng 14.656 USD/chiếc, còn xe Thái Lan có giá trung bình 19.398 USD/chiếc. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xe nhập khẩu từ thị trường này đều giảm gần 4.000 USD, tương đương gần 100 triệu đồng/chiếc.

Chiếc Honda CR-V đời 2024 tăng giá cả trăm triệu đồng mỗi chiếc dù giá nhập khẩu giảm mạnh

Chiếc Honda CR-V đời 2024 tăng giá cả trăm triệu đồng mỗi chiếc dù giá nhập khẩu giảm mạnh

Tuy giá ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giảm mạnh nhưng giá bán tại thị trường Việt Nam năm nay vẫn tương đương năm ngoái, thậm chí cao hơn. Chẳng hạn, Honda Việt Nam mở bán mẫu CR-V 2024 nhập khẩu từ Thái Lan với giá 1,1 - 1,3 tỉ đồng, cao hơn bản năm 2023 cả trăm triệu đồng. Tương tự, các mẫu Mazda 2, CX-3, CX-30 ghi nhận tăng giá nhẹ khoảng 10 triệu đồng/chiếc trong khi giá mẫu Hyundai Tucson tăng 30 triệu đồng và mẫu Hyundai Santa Fe tăng 60 triệu đồng/chiếc.

Ông Hoàng Anh Minh - chủ một salon ô tô tại quận Tân Bình, TP HCM - cho rằng giá xe nhập khẩu giảm đáng kể từ đầu năm đến nay nhưng đại lý bán ra không giảm giá tương ứng sẽ gây thiệt hại cho khách hàng, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Tối ưu lợi nhuận

Giải thích về nghịch lý nói trên, ông Trần Vĩnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Phát Motors, cho hay do thị trường ô tô thời gian qua có nhiều biến động ảnh hưởng đến sức mua nên các nhà nhập khẩu cố giữ giá bán để bù đắp doanh số sụt giảm. Giảm giá xe không phải là giải pháp kinh doanh hiệu quả trong thời điểm này bởi không giúp kéo được doanh số tăng mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. "Mảng xe tải năm nay cũng ghi nhận doanh số sụt giảm đáng kể so với năm trước, khoảng 30%, kéo theo giá giảm 20%-30%, khiến các doanh nghiệp đều lỗ. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh xe du lịch lại có lãi nhờ giữ được giá cao" - ông Hà so sánh.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng chỉ rõ giá xe bán ở thị trường Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%-30%, thậm chí 40%, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nguyên nhân là vì phần lớn xe nhập khẩu đều do chính hãng đưa về và phân phối cho nên gần như hãng độc quyền quyết định giá bán. Còn ở các nước khác, nhiều đơn vị được nhập khẩu ô tô nên có sự cạnh tranh về giá. "Giá xe nhập khẩu sắp tới có khả năng tiếp tục giảm vì những năm trước hãng đẩy giá lên quá cao, còn nay có chiến lược hạ giá để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam" - ông Đồng dự báo.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, nhìn nhận giá bán ô tô nhập khẩu ở mức cao là do thị trường có nhu cầu. Việc giữ hoặc tăng giá bán dù giá nhập thấp hoàn toàn là quyền của doanh nghiệp, ví vậy người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn những mẫu có giá hợp lý.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, xác nhận giá xe nhập khẩu thời gian qua có giảm nhưng chỉ tạm thời. Việc giảm giá ô tô là do nhà nhập khẩu và nhà sản xuất đàm phán nhằm có mức giá tốt nhất khi thị trường sụt giảm. Qua thời kỳ khó khăn, giá ô tô nhập nguyên chiếc sẽ tăng về như cũ.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghich-ly-gia-o-to-nhap-khau-196241102194954849.htm
Zalo