Nghĩa vụ quân sự: Trách nhiệm không của riêng ai! (Bài cuối) - Để phát huy trách nhiệm 'tròn khâu'

Để phát huy trách nhiệm 'tròn khâu' trong công tác tuyển quân không chỉ là yêu cầu mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo đảm công tác tuyển quân đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi khâu trong quy trình đều đóng vai trò quan trọng và cần được thực hiện chặt chẽ, trách nhiệm, nhằm góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, sau 8 năm Luật Nghĩa vụ Quân sự (NVQS) đi vào thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

Thanh niên phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) tham gia sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại trạm y tế phường. Ảnh: P.V

Thanh niên phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) tham gia sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại trạm y tế phường. Ảnh: P.V

Khó khăn trong việc tuyển chọn

Qua trao đổi với đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Thanh Hóa, các huyện Thiệu Hóa, Quảng Xương cũng như lãnh đạo các xã, phường đang tổ chức khám tuyển NVQS về việc triển khai, thi hành Luật NVQS, chúng tôi được biết, sau 8 năm thực hiện Luật NVQS 2015 ở cơ sở, còn một số khó khăn, như: số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS đông nhưng chất lượng nguồn có chiều hướng giảm; phần lớn công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc đi xuất khẩu lao động nên số công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ cũng nhiều; số thanh niên còn lại ở địa phương thì phần đông cũng đi làm công nhân.

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, Trung tá Lê Đình Trọng, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thiệu Hóa, cho biết: Khi đã có việc làm, thu nhập ổn định, nhất là đã có tay nghề thì hầu hết thanh niên không muốn thực hiện NVQS, viện đủ lý do xin miễn, hoãn; xăm hình, xăm chữ phản cảm lên cơ thể hoặc tìm cách gian dối làm sai lệch kết quả khám sức khỏe để trốn tránh thực hiện NVQS. Mặt khác, chất lượng sức khỏe công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS ngày càng thấp, như: tỷ lệ mắc các tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị), số người trẻ bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch ngày càng nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển quân hàng năm.

Công tác quản lý nguồn công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS còn hạn chế bất cập; thực tế công tác quản lý ở cấp cơ sở vẫn chưa chặt chẽ, nhiều công dân đi xuất khẩu lao động nhưng ở thôn, xã không nắm được. Theo quy định của luật: “Công dân đã đăng ký NVQS được gọi vào học tập ở các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đến cơ quan đăng ký NVQS làm thủ tục di chuyển NVQS đến cơ sở giáo dục; sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyển đăng ký NVQS về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới. Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký NVQS và chuyển đăng ký NVQS”. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, một số công dân không trở lại và cũng không chuyển đăng ký NVQS về địa phương”.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển quân cho quân đội và công an được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao riêng. Do vậy, chưa thực sự thống nhất nội dung các bước tuyển quân “tròn khâu” ở địa phương, như: chỉ tiêu tuyển quân của ngành nào do ngành đó tham mưu cho UBND cùng cấp, giao chỉ tiêu cho quân đội thường sớm hơn giao chỉ tiêu cho công an, dẫn đến phát sinh một số vướng mắc bất cập trong quá trình tham mưu triển khai thực hiện.

Một số quy định trong các văn bản hiện hành có những bất cập, như: tại Khoản 2, Điều 32, Luật Cư trú quy định: “Người trong độ tuổi làm NVQS, dự bị động viên đi khỏi quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên, có trách nhiệm khai báo tạm vắng”. Khoản 3, Điều 17, Luật NVQS năm 2015 ghi rõ: “Công dân đã đăng ký NVQS, nếu đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 3 tháng trở lên phải đến nơi đăng ký NVQS để đăng ký NVQS tạm vắng”. Lợi dụng quy định này, hàng năm cứ đến thời điểm địa phương, cơ sở tiến hành các bước tuyển quân là nhiều công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS đi khỏi địa phương, vắng mặt, gây khó khăn cho việc thực hiện các bước trong quy trình tuyển quân theo phương thức “tròn khâu” của địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã.

Vướng mắc, bất cập của luật

Luật NVQS là một trong những luật quan trọng có giá trị pháp lý, thể hiện tính nghiêm minh, quy định của pháp luật, Luật NVQS đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, góp phần tích cực vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Tuy nhiên, quá trình triển khai tổ chức thực hiện luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Thanh niên huyện Thiệu Hóa tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025. Ảnh: P.V

Thanh niên huyện Thiệu Hóa tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025. Ảnh: P.V

Thiếu tá Lê Ngọc Giáp, Phó Trưởng Ban Quân lực, Bộ CHQS tỉnh, chia sẻ: Theo quy định tại Điểm h, Khoản 2, Điều 24, Mục 2, Chương 3, Luật NVQS quy định về hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một: công dân hoàn thành nhiệm vụ tham gia công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên, thì được xếp vào hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một. Trong thực tế hiện nay thì lực lượng công an xã đã được thay thế bằng công an chính quy; nội dung quy định này không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật Việt Nam nói chung và Luật NVQS nói riêng không cấm công dân xăm hình, xăm chữ lên cơ thể; Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (Nghị định số 37/2022/NĐ-CP) cũng không quy định xăm hình, xăm chữ lên cơ thể là hành vi vi phạm Luật NVQS; trong khi đó, Thông tư liên tịch số 50/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong quân đội Nhân dân Việt Nam; Công văn số 4142/BQP-TM ngày 5/11/2020 của Bộ Quốc phòng về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021, quy định: Không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm dưới da (làm thay đổi sắc tố da, không thể tẩy xóa). Những quy định về nội dung hình xăm, chữ xăm trên cơ thể không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội là rất rộng. Lợi dụng quy định này, một số công dân sau khi trúng tuyển sức khỏe đã xăm hình, xăm chữ lên cơ thể nhằm mục đích trốn, tránh NVQS; nhưng, sau khi loại ra, các cơ quan chức năng không có cơ sở để xem xét xử phạt vi phạm hành chính những công dân này.

Một điều đáng chú ý, trước đây, hành vi không có mặt đúng thời gian tại địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện NVQS mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng (theo Điều 5, Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu). Tuy nhiên, theo Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, ngày 6/6/2022 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), thì quy định nêu trên đã được bãi bỏ. Việc bãi bỏ quy định này gây vướng mắc cho chính quyền cấp xã trong việc tập hợp công dân khám sơ tuyển NVQS. Thực tế hiện nay, khi công dân không có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy gọi sơ tuyển mà không có lý do chính đáng, chính quyền cấp xã không có căn cứ để xử phạt công dân vi phạm.

Thiếu tá Lê Ngọc Giáp, Phó Trưởng Ban Quân lực, Bộ CHQS tỉnh, nhấn mạnh: “Những khó khăn, vuớng mắc, bất cập nêu trên đã tác động, ảnh hưởng đến công tác tuyển quân trong những năm qua. Song, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các bước trong quy trình tuyển quân; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cơ sở thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất cao nên nhiệm vụ tuyển quân hoàn thành chỉ tiêu được giao hàng năm, bảo đảm chất lượng, an toàn, đúng luật. Trong đó, từ năm 2016 - 2023, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân cho 23 đầu mối đơn vị quân đội, chất lượng giao quân đảm bảo theo yêu cầu nhưng sau khi đơn vị khám phúc tra, địa phương vẫn phải bù đổi một số trường hợp do không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Để khắc phục những vấn đề đó, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về NVQS cho phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của đất nuớc".

Tô Dung - Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nghia-vu-quan-su-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-bai-cuoi-de-phat-huy-trach-nhiem-tron-khau-231712.htm
Zalo