Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên: Linh thiêng những ngày tháng Bảy
Tháng Bảy, giữa cái nắng oi nồng của vùng sơn cước, từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lại hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Tuyên Quang) không chỉ là nơi yên nghỉ của những anh hùng liệt sĩ, đã ngã xuống vì Tổ quốc, mà còn là “lớp học không bảng đen” thấm đẫm tinh thần yêu nước, nơi mỗi chuyến hành trình về nguồn của học sinh trở thành bài học sống động về lịch sử, lý tưởng và lòng biết ơn.
Sống bám đá đánh giặc…
Tháng Bảy, giữa cái nắng oi nồng của vùng sơn cước, từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lại hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Họ đến đây không chỉ để thắp nén hương thơm, mà còn mang theo tấm lòng tri ân sâu sắc gửi tới những người con ưu tú của đất nước đã nằm lại nơi rẻo cao biên cương trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc.
Dù là học sinh, thanh niên hay những mái đầu bạc của các cựu chiến binh, tất cả đều lặng lẽ bước qua từng phần mộ, cúi đầu trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Có người từng chiến đấu tại chính nơi đây. Có người chỉ biết đến Vị Xuyên qua trang sách lịch sử. Nhưng giữa chốn linh thiêng ấy, họ cùng chung một tấm lòng - lòng biết ơn, niềm tự hào và nỗi xúc động không thể gọi thành tên.
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989), Vị Xuyên là chiến trường ác liệt bậc nhất. Từ một địa bàn từng được đánh giá là thứ yếu, nơi đây trở thành điểm nóng với mật độ đạn, pháo dày đặc, đổ máu của hàng nghìn chiến sĩ. Theo thống kê, có 16 sư đoàn, 4 lữ đoàn cùng nhiều lực lượng địa phương được huy động tham gia chiến đấu. Những cái tên như: Điểm cao 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… mãi mãi in đậm trong ký ức những người lính cầm súng nơi đây.
Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, các chiến sĩ kiên cường bám trụ từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao bất chấp gian khổ và sự khốc liệt đến tột cùng. Mặt trận rộng hơn 20km², từng được ví như vùng đất lửa, với những địa danh nhuốm máu: “Đồi thịt băm”, “thác gọi hồn”, “lò vôi thế kỷ”, “ngã ba cửa tử”…
Những người lính Vị Xuyên một khi cầm chắc tay súng thì dù thịt nát xương tan vẫn quyết xông lên. Đỉnh điểm là trận đánh mở màn chiến dịch MB84 vào rạng sáng 12/7/1984 với quyết tâm giành lại các điểm cao chiến lược. Gần 600 chiến sĩ Sư đoàn 356 - Quân khu 2 đã anh dũng hy sinh. Kể từ đó, 12/7 trở thành “ngày giỗ trận” của các liệt sĩ Vị Xuyên, ngày mà mỗi cựu chiến binh đều muốn trở về để thắp nén tâm hương tưởng nhớ đồng đội.
Cuộc chiến ấy đã lùi xa, nhưng hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương này. Trên mảnh đất Vị Xuyên hôm nay, những ký ức chưa nguôi vẫn vọng lên trong tiếng gió rừng, trong bước chân những người trở về nguồn, và trong trái tim thế hệ trẻ.

Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
…chết hóa đá bất tử
Nhà báo Nguyễn Đức Tuyền, một người con của mảnh đất Vị Xuyên, nhớ như in những ngày tháng khỏi lửa đó, vì mỗi tấc đất thiêng liêng tiền tiêu, biết bao người đã anh dũng hy sinh.
Ngôi trường nhỏ nơi anh theo học, chếch lên phía trái theo hướng đường biên là một quả đồi xanh cây. Để có chỗ yên nghỉ cho những người lính hy sinh vì nước, đồi ấy được khoanh vùng và trở thành nơi an táng, nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đồng thời trở thành nhân chứng lịch sử Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Nghĩa trang được khởi công xây dựng từ năm 1990, ngay sau khi cuộc chiến kết thúc. Đây là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ và 1 mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh tại Hang Sập, bình độ 400 trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó, có hơn 400 ngôi mộ liệt sĩ chưa thể xác định được thông tin.
Tất cả đều được chăm sóc chu đáo, nhang khói đều đặn. Nghĩa trang nằm cạnh QL2, cách thành phố Hà Giang (cũ) khoảng 18km. Địa thế xây dựng cũng được lựa chọn rất kỹ: Lưng tựa vào dãy núi Tây Côn Lĩnh huyền thoại, hướng ra phía trước là dòng sông Lô lịch sử.
Sau 35 năm xây dựng và trải qua một số lần trùng tu, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện mang diện mạo mới. Diện tích trên 11ha, gấp hơn 10 lần ban đầu. Nghĩa trang hiện đã đáp ứng việc quy tập thêm gần 3.000 phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang (cũ).
Ông Nguyễn Ngọc Bài, nguyên Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên (cũ), người gắn bó với mảnh đất này gần nửa thế kỷ, nhiều năm giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên vẫn không khỏi bồi hồi xúc động khi tưởng nhớ về các anh hùng liệt sĩ.
Theo ông, chiến tranh đã đi qua, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi. Hiện tại, vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ còn nằm rải rác đâu đó trong khe đá, thung sâu chưa được tìm thấy và quy tập. Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn được cơ quan chức năng thực hiện liên tục, tích cực “chạy đua với thời gian” để đưa các anh về an nghỉ tại nghĩa trang.
“Tôi không thể quên được hình ảnh những người lính già tóc đã bạc trắng dừng lại hàng giờ trước mộ phần của đồng đội mình, có người mang đàn lên hát, có người khóc, có người chỉ lẳng lặng đứng nhìn”, ông Bài nghẹn ngào.
Ông Trần Thanh Tuấn - Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, cho biết, mỗi năm nghĩa trang đón khoảng 100 nghìn lượt người đến thăm viếng. Tháng Hai và tháng Bảy là thời điểm dòng người về nghĩa trang thăm viếng đông nhất. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến thăm viếng. Cao điểm như ngày 12/7 (ngày Giỗ trận Vị Xuyên) hay gần ngày 27/7 có tới hơn 6.000 lượt người.
“Không kể ngày hay đêm, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm với các anh hùng, liệt sĩ, chăm lo chu đáo nơi yên nghỉ của họ, tận tình hướng dẫn và phục vụ thân nhân và các đoàn khách từ các địa phương khác đến viếng tại nghĩa trang. Nhìn thấy khuôn viên sạch sẽ, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ được thắp hương chu đáo, người thân liệt sĩ cũng sẽ thấy ấm lòng hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Học viên tham dự 'Học kỳ quân đội' dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Học sinh Trường Tiểu học Việt Lâm thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống
Biên cương đã ngừng chiến trận từ lâu, màu xanh cuộc sống hồi sinh trên vùng chiến địa ác liệt năm nào. Bản hùng ca về một Vị Xuyên bất khuất, anh dũng, kiên cường và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ luôn vang mãi trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam.
Sau hơn 40 năm, vùng đất phên dậu Vị Xuyên hồi sinh, chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, lớp lớp màu xanh mọc lên khắp mặt đất như các lớp thế hệ trẻ đang đứng dậy. Sự sống đã nảy mầm trên những hố pháo, no ấm dần phủ xanh khắp các thôn làng.
Nhưng với bà con nơi đây, câu chuyện về những người lính từng sống, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này và cả những mất mát của một thời chiến tranh đau thương mà anh dũng vẫn còn được người dân kể mãi.
Bà Lê Thị Thuận - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Vị Xuyên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Xuyên (cũ), cho biết: Xác định, giáo dục truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để thế hệ trẻ hiểu, nắm chắc các kiến thức lịch sử của dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng biết ơn, tri ân các anh hùng của dân tộc, hàng năm các cấp bộ Đoàn, Hội của địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thăm viếng, hành trình về nguồn thăm các “địa chỉ đỏ”.
Trong đó Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên được chọn là nơi tổ chức các hoạt động về nguồn của đoàn viên thanh niên, sinh hoạt ngoại khóa của học sinh; qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh, làm sống lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Trường Tiểu học thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên, Tuyên Quang) được đánh giá là lá cờ đầu trong công tác giáo dục ngoại khóa của địa phương. Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương, nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên...
Qua mỗi lần tham quan, nhà trường đều cho học sinh viết bài cảm nhận về giá trị lịch sử của di tích cũng như ý nghĩa bài học cho bản thân các em. “Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thông qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh nhà trường”, bà Trần Thị Hương nói.
Em Nguyễn Chu Ngọc Diệp - lớp 5A1 Trường Tiểu học thị trấn Việt Lâm, chia sẻ: Mỗi lần nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nghe thuyết trình của cán bộ hướng dẫn viên tại nghĩa trang, em cảm thấy lịch sử không chỉ nằm trong sách vở, mà còn hiện diện ngay nơi đây, trong từng viên gạch đỏ, ngọn cây.
Thế hệ chúng em hôm nay cảm thấy tự hào vì được kế thừa truyền thống bất khuất ấy, đồng thời cũng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của hòa bình.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên có một bia đá khắc 9 chữ vàng: Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử. Dòng chữ này đã được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ (cũ) và cũng là lời thề của thế hệ những người lính đã sống, chiến đấu và hy sinh can trường trên mảnh đất này.