Nghĩa tình - trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam

Trong nhiều lần đến bàn giao nhà hay tặng quà hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Sóc Trăng nhắc đi, nhắc lại câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: 'NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ'. Cũng chính vì điều đó mà trước sau như một, Ban Chấp hành Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Sóc Trăng không ngừng khắc phục khó khăn để đến với NNCĐDC, giúp đỡ, chăm sóc họ vượt qua nỗi đau da cam, vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Nỗi đau khôn nguôi mang tên “da cam”

Trong căn nhà nhỏ, hơn 20 năm nay, chị Trương Thị Lớn, ấp Phạm Thành Hơn A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn cặm cụi chăm sóc con trai Phạm Mạnh Khang. Nhìn con, chị rơm rớm nước mắt: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con. Con trai lớn thì phát triển bình thường nhưng sanh đứa thứ 2 thì cháu bị dị tật bẩm sinh, nguyên do là di chứng chất độc da cam. Vợ chồng tôi vốn không khá giả nên khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Một người đi làm thì phải có một người chăm con. Sơ sẩy chút xíu là nó té. Nhìn con mà xót”.

Gia đình anh chị chỉ có 1 công đất, cả hai cũng đào ao nuôi cá. Anh và con trai lớn đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Mái nhà đã mục nát, hai vợ chồng chỉ biết mua cao su che tạm. Nhiều đêm chị Lớn thức trắng trông con, nhìn con mà chị rớt nước mắt. Phần thương con, phần vì thấy kinh tế quá khó khăn, không lo cho con được đầy đủ.

Lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Sóc Trăng và Hội NNCĐDC/dioxin huyện Cù Lao Dung đến thăm, động viên gia đình ông Lê Văn Út (ngồi giữa) ở ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: NGỌC HẢI

Đồng cảnh ngộ với gia đình chị Lớn, 27 năm nay, vợ chồng ông Lê Văn Út ở ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2 không tìm thấy được niềm vui trọn vẹn khi người con gái út vừa lọt lòng mẹ không bao lâu, bác sĩ chẩn đoán là nhiễm chất độc hóa học, mang dị tật suốt đời. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, ông Út kể lại: “Trước đây, tôi có tham gia kháng chiến chống Mỹ tại xã nhà. Tôi cũng không biết mình bị nhiễm chất độc da cam khi nào. Khi lập gia đình, vợ tôi sinh 3 người con vẫn khỏe mạnh, bình thường. Vậy mà đến con gái út thì lại…”. Nói đến đây, ông im lặng, chép miệng rồi bật lên từ “chiến tranh”.

Ông Huỳnh Lương Thiện, cựu chiến binh ấp Bình Du A tiếp lời: “Thời chiến bọn địch rải chất độc hóa học mà ngày xưa người ta quen miệng gọi là thuốc khai hoang. Cái xứ An Thạnh Nam coi nhưng tan hoang, cây bần cũng khô héo vì chất độc. Anh Út có người con bị nhiễm chất độc hóa học, hai vợ chồng anh cực với cháu lắm”.

Nói về chất độc da cam/dioxin, ông Nguyễn Hùng thông tin: “Chất này không có màu và được chứa trong các thùng màu da cam nên hay được gọi là chất độc màu da cam. Khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366kg dioxin do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Chất da cam phát tán qua không khí và nước nên nó lan rộng rất nhanh, nên ai cũng dễ nhiễm chất độc nếu có mặt ở khu vực bị rải độc. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc hóa học, khoảng 3 triệu người là NNCĐDC, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã tăng cường, đẩy mạnh vận động sự đóng góp của các cá nhân, cơ quan, đơn vị giúp NNCĐDC/dioxin cải thiện đời sống, vơi bớt phần nào khó khăn. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2024, hội đã vận động tiền và hiện vật gần 10 tỷ đồng hỗ trợ NNCĐDC, người khuyết tật. Trong đó, Tỉnh hội, các câu lạc bộ trực thuộc vận động trên 2 tỷ đồng; huyện, thị, thành hội vận động gần 8 tỷ đồng. Theo đó, hội đã xét trao hỗ trợ xây nhà tình thương cho 22 hộ gia đình NNCĐDC với tổng chi phí gần 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Lê Minh Châu B, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) xúc động khi được lãnh đạo Tỉnh hội, Huyện hội đến thăm và tặng quà nhân kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024). Ảnh: NGỌC HẢI

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ, ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) rất khó khăn. Con gái chị mắc bệnh ung thư máu, căn bệnh quái ác này do di chứng chất độc hóa học gây ra. Hai vợ chồng chị chạy ngược, chạy xuôi trị bệnh cho con nên kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, nhà cửa cũng đã xuống cấp nhiều năm nhưng chưa xây dựng được. Nhờ được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã vận động nguồn tài trợ từ Việt kiều Pháp 60 triệu đồng, mà giờ đây gia đình chị đã xây dựng được nhà ở khang trang.

Bên cạnh đó, Tỉnh hội, các câu lạc bộ trực thuộc, các huyện, thị, thành hội vận động các cá nhân, đơn vị tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho NNCĐDC, người khuyết tật. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, hội vận động tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho gần 4.000 lượt người; tặng 6 xe lắc, 33 xe lăn; tặng gần 17.000 suất quà… và còn hỗ trợ nuôi dưỡng tại nhà 429 trường hợp; hỗ trợ 29 trường hợp là NNCĐDC, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn điều trị bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Lê Minh Châu B, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung vô cùng xúc động khi được lãnh đạo Tỉnh hội, Huyện hội đến thăm và tặng quà nhân kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024). Ông Hoàng chia sẻ: “Chất độc da cam xâm nhập vào cơ thể tôi, nó bào mòn sức khỏe tôi rất nhiều. Khi mới nhiễm, tôi bệnh nhiều lắm, tưởng đâu không qua được. Giờ ổn lại nhưng lưng tôi vẫn đau nhức lắm, tôi đi đứng không thẳng lưng được đã hơn 40 năm nay. Được cán bộ Hội NNCĐDC tỉnh, huyện đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, tôi rất vui mừng”.

Được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Sóc Trăng cho vay vốn sinh kế, anh Phạm Văn Thưởng (thứ 2 bên trái), ấp Phạm Thành Hơn A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) mua cá tra về nuôi ở ao nhà. Ảnh: NGỌC HẢI

Được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Sóc Trăng cho vay vốn sinh kế, anh Phạm Văn Thưởng (thứ 2 bên trái), ấp Phạm Thành Hơn A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) mua cá tra về nuôi ở ao nhà. Ảnh: NGỌC HẢI

Bên cạnh đó, Tỉnh hội còn có 3 nguồn vốn hỗ trợ sinh kế cho gia đình NNCĐDC. Ông Nguyễn Hùng cho biết: “Trong 3 nguồn vốn hỗ trợ này, có 2 nguồn vốn không hoàn lại gồm: vốn sinh kế theo Kế hoạch số 77/KH-UBND, ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về triển khai thực hiện Quyết định số 1190/QĐ/TTg, ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 (mỗi suất 5 triệu đồng); nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho gia đình NNCĐDC. Còn 1 nguồn vốn hoàn lại (vốn từ quỹ vận động của hội) để xoay vòng cho gia đình NNCĐDC vay 5 triệu đồng/lần/hộ để làm kinh tế. Tuy số vốn không nhiều nhưng phần nào “tiếp sức” giúp nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi hay buôn bán”.

Nhờ tiếp cận vốn vay 5 triệu đồng từ Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh mà anh Phạm Văn Thưởng, ấp Phạm Thành Hơn A, xã An Thạnh 2 (cha của em Phạm Mạnh Khang) có tiền mua 1.000 con cá tra giống về nuôi. Ao cá tuy chưa sinh lời nhiều nhưng là “cái ống heo” giúp hai vợ chồng tích góp được số tiền kha khá sau khi thu hoạch để xoay xở chi tiêu trong nhà. “Mỗi lần thu hoạch cá, bán lời cũng được 15 triệu đồng, vợ chồng tôi tích góp để lo cho con”, anh Thưởng cho hay.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai! Chung tay xoa dịu nỗi đau là trách nhiệm của cả cộng đồng. Kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024), Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh triển khai đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; chăm lo về vật chất, tinh thần cho nạn nhân và gia đình NNCĐDC. Với sự chung tay của cả cộng đồng sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau của nạn nhân, gia đình NNCĐDC.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/nghia-tinh-trach-nhiem-voi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-75306.html
Zalo