Nghĩa tình đồng đội nơi nhà giàn DK1
Với những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang công tác tại các nhà giàn DK1, Tết bắt đầu khi những chuyến hàng, quà Tết từ đất liền được đồng đội chuyển đến. Tết càng rộn ràng hơn khi sóng yên biển lặng, đoàn công tác từ đất liền có thể tiếp cận để lên nhà giàn, tận tay trao những món quà Tết…
Có được những giây phút đó, đồng đội của họ, các CBCS thuộc Vùng 2 Hải quân đã phải vượt sóng, vượt gió, không quản ngại khó khăn, vất vả và cả những nguy hiểm để mang hơi ấm của đất liền, mang Tết đến nhà giàn DK1.
Hành trình gian nan
Đã thành thông lệ, hàng năm, Vùng 2 Hải quân lại tổ chức đoàn thăm, chúc Tết CBCS đang công tác tại các nhà giàn DK1. Đoàn công tác gồm lãnh đạo Vùng 2 Hải quân, CBCS của các đơn vị thuộc Vùng 2 Hải quân và sự tham gia của phóng viên các cơ quan báo chí trên cả nước.
Năm nay, 2 đoàn công tác xuất phát đi thăm CBCS nhà giàn DK1 vào ngày 1-1. Đoàn công tác số 1 do Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân, đại tá Đỗ Hồng Duyên làm trưởng đoàn, phụ trách thăm, tặng quà Tết 5 nhà giàn tại Cụm Tư Chính, Cụm Phúc Nguyên, Nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau), trạm ra đa và các cơ quan Dân chính Đảng tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đoàn công tác số 2 do Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, thượng tá Triệu Thanh Tùng làm trưởng đoàn, phụ trách thăm, tặng quà 10 nhà giàn tại Cụm Ba Kè, Quế Đường, Huyền Trần, Phúc Tần.
Chuyến hải trình kéo dài 16 ngày, trong đó có nhiều ngày biển động, sóng to, gió lớn. Những người từng tham gia đoàn chúc Tết nhiều năm đều biết trước rằng, cơ hội để lên được các nhà giàn là không nhiều. Vì vậy, nhiều phương án cấp quà, chúc Tết được đưa ra và tùy theo tình hình thời tiết để thực hiện.
Để đưa được mỗi chuyến quà Tết đến tay đồng đội, các thành viên tham gia đoàn công tác phân công rõ nhiệm vụ, mỗi người một việc. Ngoài lực lượng làm công tác điều hành, còn có các tổ: tổ quà, tổ xuồng, tổ phục vụ. Khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ thì việc ai nấy làm, phối hợp chặt chẽ, ăn ý để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Chuyển quà bằng xuồng là phương án nhanh nhất, nhẹ nhàng nhất, nhưng chỉ có thể thực hiện trong điều kiện sóng không quá lớn. Mỗi tổ xuồng gồm 4 thành viên, cùng hỗ trợ nhau làm việc. Mỗi lần cẩu xuồng từ tàu xuống biển đều cần tập trung tối đa. Cả trưởng đoàn, thuyền trưởng, chỉ huy hành quân cùng quan sát, chỉ đạo, chú ý từng chi tiết, từng góc để đảm bảo an toàn nhất cho cả người và hàng. Vì chỉ cần một sơ suất nhỏ gây mất an toàn là có thể bị thương, thậm chí ảnh hưởng đến an toàn tính mạng.
Giữa biển khơi mênh mông, con xuồng có khi cưỡi trên ngọn sóng, có lúc tưởng chừng như bị sóng nuốt chửng, mất hút trong tầm mắt của mọi người, rồi lại hiện ra. Mỗi chuyến đưa hàng ra nhà giàn, các thành viên trong đoàn công tác lại hồi hộp theo dõi, từ lúc xuồng được cẩu xuống khỏi tàu cho đến khi từng phần quà được kéo thành công lên nhà giàn, đến khi xuồng quay lại tàu, tổ xuồng lên tàu an toàn.
Thượng úy Nguyễn Minh Quang, Phó thuyền trưởng Tàu Trường Sa 21 (Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), phụ trách tổ xuồng, chia sẻ: “Trong chuyến công tác này, độ cao sóng biển trung bình khoảng 3-4m, có những ngày lên đến 6m. Sóng cao quá phải sử dụng phương án chuyển quà qua dây. Trong điều kiện vẫn có thể chuyển quà bằng xuồng thì anh em tổ xuồng quyết tâm vượt sóng, vượt gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi chuyển quà lên nhà giàn thành công, chúng tôi ai cũng vui và hạnh phúc vì đưa được quà cho đồng đội của mình”.
Xuất phát từ vị trí chiến lược của vùng biển, thềm lục địa phía Nam, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra chỉ thị về việc thành lập Cụm Kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là DK1) tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 35 năm nơi đầu sóng, ngọn gió, mỗi nhà giàn DK1 như một cột mốc chủ quyền, đôi mắt thần trên biển, ngày đêm phối hợp cùng các lực lượng quan sát, theo dõi, nắm chắc mọi tình hình. CBCS DK1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và cả những mất mát, hy sinh, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây
Những người đã gắn bó nhiều năm với nhà giàn DK1 đều hiểu rằng, trong điều kiện thời tiết cuối năm thì phương án “chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây” thường sẽ được sử dụng. Với phương án này, tàu sẽ tiếp cận nhà giàn gần nhất có thể. Các CBCS trên nhà giàn sẽ thả dây phao (thường có độ dài 30-40m) xuống biển, lái tàu phải lựa theo điều kiện sóng và hướng gió để tiếp cận gần dây phao. Những người trên tàu được giao nhiệm vụ tìm cách vớt dây phao lên tàu để nối với dây hàng và nhanh chóng đẩy hàng xuống biển cho người trên nhà giàn kéo lên. Việc này phải thực hiện thật nhanh vì sóng lớn sẽ đẩy dạt tàu.
Để làm được như vậy, trước mỗi khi tiếp cận nhà giàn, toàn bộ CBCS của tàu phải tập trung lực lượng để đóng gói quà. Các gói quà được gói cẩn thận trong bao chống nước, ràng buộc chắc chắn vào dây. Sau khi chuẩn bị xong, các thành viên đưa sẵn dây hàng đứng trên mạn tàu. Khi vớt dây phao thành công và nối được dây phao với dây quà, thuyền trưởng hạ hiệu lệnh “thả quà” là tất cả phải cùng thực hiện.
Không phải lần nào nhà giàn thả dây phao thì người trên tàu đều vớt phao thành công. Có khi dây phao bị cuốn xuống gầm tàu, khi thì tàu bị dạt ra xa dây phao… Mỗi lần “bắt hụt” dây phao như vậy, tàu lại phải lượn ra xa rồi dần dần điều khiển tiếp cận lại gần nhà giàn. Quy trình cứ lặp lại như thế, để chuyển được 2-3 đợt hàng có khi mất cả 3-4 tiếng. Ngay khi sóng, gió thuận lợi nhất, công việc phải được tiến hành. Những lúc như vậy, toàn bộ thành viên trên tàu đều chỉ chung một quyết tâm là hoàn thành nhiệm vụ, làm quên thời gian, quên mệt mỏi.
Mỗi chuyến quà Tết từ đất liền ra được nhà giàn, đến được tận tay các CBCS nhà giàn không chỉ mang tình cảm, hơi ấm của đất liền, mà còn có cả bao vất vả, hiểm nguy của những người làm công tác chuyển quà, là nghĩa tình đồng chí, đồng đội.
Thông thường, sau khi chuyển quà thành công, trưởng đoàn và các thành viên tổ công tác sẽ tập trung tại buồng lái, kết nối bộ đàm với nhà giàn để “chúc Tết qua loa”. Tuy không gặp được trực tiếp nhưng qua bộ đàm có thể nghe được giọng nói phấn khởi của các CBCS nhà giàn. Đó là niềm vui khi được nghe những giọng nói thân thương từ những người trong đất liền trên biển; được nghe những lời nhắn gửi yêu thương. Và dù chỉ qua loa, các thành viên cả hai bên vẫn tranh thủ giao lưu văn nghệ, gửi nhau lời ca tiếng hát để thay lời động viên, để niềm vui được nhân lên. Không hẹn trước nhưng tất cả các nhà giàn đều chọn bài hát “Mùa xuân DK” (sáng tác của Thập Nhất) để hát tặng đoàn công tác.
“Sóng gió mặc sóng gió. Lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chênh chông. Lính nhà giàn chẳng sợ bão dông. Nắng gió mặc nắng gió. Lính nhà giàn thề không ngại khó. Mưa dông mặc mưa dông. Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng…”.
Lời bài hát vang lên cũng là tâm sự của mỗi người lính nhà giàn. Cùng với bài hát, khẩu hiệu “còn người còn nhà giàn” cũng được nhắc đi nhắc lại. Đó là lời hứa quyết tâm, cũng là khẳng định của những người lính nhà giàn để người dân yên tâm vui Tết trong bình yên.