Nghĩ về mùa Xuân - mùa đại hội đổi mới xây dựng Đảng
Mùa Xuân Ất Tỵ - 2025 đang về, mùa đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đang đến. Bước vào những ngày đầu Xuân, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng hành phấn đấu thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa XIII), quyết tâm hoàn tất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; quyết liệt tiến hành cải cách bộ máy đồng thời với nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, mở ra trang sử mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đã 95 mùa xuân, kể từ khi được thành lập, ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phái viên của Quốc tế Cộng sản, đến nay Đảng ta đã trải qua 13 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội, tùy vào hoàn cảnh lịch sử và những biến cố chính trị trong nước và quốc tế, bất chấp những gay cấn khác nhau, các kỳ đại hội Đảng đều xác định chính xác những nhiệm vụ chính trị, chỉ ra phương hướng đúng đắn, với những quyết sách cách mạng và khoa học; tuyển lựa được những đảng viên xứng đáng, gồm những người có đạo đức cách mạng trong sáng, đức tài vẹn toàn, luôn biết đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho nền độc lập của đất nước, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân; đội ngũ của những con người giàu lòng nhân ái, rất mực yêu thương, đoàn kết đồng chí, thủy chung với Đảng, với dân tộc ấy được sắp xếp hình thành bộ máy lãnh đạo của Đảng, chèo lái con thuyền cách mạng đi tới bến bờ vinh quang.
Nhìn lại những chặng đường cách mạng đã qua, thấy rất rõ đại hội sau đều kế thừa được kinh nghiệm, thành tựu đại hội trước. Kế thừa nhưng không rập khuôn máy móc mà luôn sáng tạo tìm tòi, nhạy bén phát hiện và xử lý những vấn đề mới, tương thích với những xu hướng mới của thời thế, phù hợp lô-gic thời đại. Báo cáo chính trị các kỳ đại hội, về cả nội dung và hình thức, đại hội sau đều kế thừa và phát triển so với đại hội trước, mang tính cách mạng và khoa học, với tư duy mới, làm phong phú, sâu sắc hơn về lý luận và phương pháp cách mạng, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, thực hiện. Nhờ đó cách mạng Việt Nam liên tục giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau to lớn hơn thắng lợi trước. Đảng ngày càng vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Đảng nói dân tin, dân hành động.
Từng đại hội đánh dấu một giai đoạn tiến triển của cách mạng. Đảng sáng suốt dẫn dắt nhân dân thoát ách nô lệ, vượt qua đói nghèo, lạc hậu đi đến ấm no, hạnh phúc, xây dựng đất nước mạnh giàu, văn minh, hiện đại. Nhân dân, các dân tộc Việt Nam nhận rõ lẽ phải, sớm chấp nhận chỉ cần một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lịch sử cách mạng Việt Nam, thực tiễn một Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin, tự hào, hùng cường ngày nay đã chứng minh cho tính cách mạng, tính đúng đắn của đường lối và sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu đạt được qua các kỳ đại hội chứng tỏ mỗi đại hội là một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đã trở thành truyền thống dân mong chờ và chào đón đại hội Đảng. Điều đó nhấn thêm nghĩa nặng, tình sâu của Dân với Đảng.
Để tiếp nối truyền thống các kỳ đại hội của Đảng, trước thềm Đại hội XIV các chi bộ từ thôn, xóm, ấp, bản đến các đơn vị, phòng, ban ở các cơ quan; từ đảng bộ cơ sở đến các đảng bộ cấp trên cơ sở cần khơi dậy các phong trào thi đua thiết thực ở đơn vị mình, tạo nên khí thế thi đua cách mạng hào hùng, vui tươi, từ đó giúp cho mọi thành viên trong xã hội đều mong mỏi, chào đón đại hội Đảng một cách trân trọng, thiết thực nhất, để đại hội của Đảng thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Muốn vậy, đại hội đảng bộ các cấp phải tuân thủ nguyên tắc Điều lệ Đảng, được thể hiện ở Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của BCH Trung ương (khóa XIII).
Đại hội ở các loại hình TCCSĐ khác nhau, các dạng chi bộ, đảng bộ đặc thù như các đơn vị lực lượng vũ trang, các đơn vị sự nghiệp, các loại hình tổ chức đảng doanh nghiệp ngoài nhà nước ở trong nước hay có yếu tố nước ngoài, các vùng, miền có hoàn cảnh đặc biệt… cần tranh thủ, tận dụng sự chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn của các ban xây dựng Đảng cấp trên, để triển khai đúng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại hình TCCSĐ, từ xây dựng báo cáo chính trị đến chuẩn bị kiện toàn cấp ủy nhiệm kỳ mới; để bảo đảm hoàn chỉnh cả nội dung, hình thức, đúng nguyên tắc Điều lệ Đảng. Báo cáo chính trị của đại hội cần thể hiện sự đổi mới thực sự, đánh giá đúng thực trạng tình hình. Có đánh giá đúng, đủ thành tích, kết quả đạt được mới có sự khích lệ, động viên, tạo hưng phấn cho đại hội. Đồng thời, cần chỉ ra đúng và đủ các thiếu sót, hạn chế, tồn tại, nút nghẽn trong quá trình lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, của các đoàn thể quần chúng; chỉ rõ những mục tiêu chưa đạt tới, các chỉ tiêu không thể hoàn thành trong nhiệm kỳ qua. Phải rất cụ thể mới rút ra được những kinh nghiệm, những bài học có giá trị cho nhiệm kỳ tới, tránh được các vết xe đổ cho nhiệm kỳ sau.
Báo cáo cũng không thể không nhắc tới sự nỗ lực phấn đấu của các đoàn thể quần chúng - kết tinh ý chí, nghị lực của cả hệ thống chính trị từ cơ sở, biết bao công sức của nhân dân mà có, đúng với quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Mọi vấn đề cần được xem xét khách quan, toàn diện. Song cần đặc biệt xem xét, chỉ ra những thiếu sót, hạn chế, nhất là vấn đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Những hạn chế, khuyết điểm diễn ở đơn vị mình nhiệm kỳ qua, phải thấy trách nhiệm trước hết thuộc về sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, của từng đảng viên đã được phân công, phân nhiệm; đồng thời cũng cần công bằng khi chỉ ra còn phần nào do ý thức chấp hành của các đoàn thể, đâu là do phần hạn chế của quần chúng và đâu là những phát sinh mới của tình hình chính trị - xã hội ngoài ý muốn. Tất cả cần rõ ràng, rành mạch, tránh hiện tượng tranh công, đổ lỗi.
Phương hướng, mục tiêu con đường tiến lên phía trước, cái đích mục tiêu hướng tới cũng nhằm vào giải quyết các vấn đề cấp thiết, hóa giải tình hình nóng bỏng, đáp ứng các nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân tại cơ sở, cơ quan mình. Do đó, các chỉ tiêu cần đạt được trước khi khẳng định trong báo cáo chính trị cần phải có ý kiến của các đoàn thể quần chúng. Có được sự đồng tình của quần chúng nhân dân thì báo cáo mới có sức sống trong lòng dân, mới tạo ra niềm tin, sự phấn khởi thực hiện nghị quyết của đại hội trong suốt nhiệm kỳ. Các bước đi, các tiến trình đại hội phải theo đúng chủ trương chỉ đạo của cấp trên, phải đề xuất được những vấn đề phù hợp, cần thiết của đơn vị mình.
Báo cáo chính trị phải cập nhật đầy đủ lượng thông tin tình trạng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, tình hình thực thi pháp luật, những trào lưu tư tưởng lệch lạc (nếu có) trong quần chúng và phải thể hiện quan điểm đấu tranh, có định hướng rõ rệt giải quyết các vấn đề đó. Ở đây cần có các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng được văn hóa liêm chính, không tham nhũng, không lãng phí, không tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tại địa bàn mà tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, góp phần lan tỏa sức sống lành mạnh, thượng tôn pháp luật ra toàn xã hội. Các cấp ủy có trách nhiệm sớm hoàn tất dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội cấp mình, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các đoàn thể quần chúng, nhân dân.
Tổ chức đảng cần nghiêm túc tổ chức những buổi tiếp thu ý kiến của các đoàn thể, coi đây là những ý kiến phản biện chân thành, xây dựng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, để tổng hợp và tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để Đảng nói dân hiểu, Đảng hiệu triệu dân vui vẻ hưởng ứng, phấn chấn làm theo; để khai thác hết tiềm năng trí tuệ trong quần chúng. Nghĩa là Đảng và quần chúng nhân dân cùng tìm con đường hạnh phúc, khắc phục các điểm nghẽn, chỉ ra những việc cần làm và không được làm ở mỗi cơ sở. Đó là một cách thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở. Báo cáo chính trị của cấp ủy tiến hành như vậy mới thực sự cấp trên, cấp dưới thống nhất, trong Đảng ngoài dân đồng lòng. Nghị quyết của cấp ủy sẽ có sức sống trong lòng dân ngay từ khi thai nghén, để chuẩn bị chào đời một văn kiện văn minh, tạo nên chất keo cách mạng gắn kết máu thịt giữa Đảng với Nhân dân ngay từ những bước đi ban đầu.
Đường lối, chủ trương đúng đắn rồi, muốn các chủ trương, sách lược đó thành hiện thực Đảng phải có bộ máy mạnh, gồm những đảng viên ưu tú, trong sạch, tài đức vẹn toàn, đủ phẩm chất, năng lực chỉ đạo, điều hành các bước thực thi nghị quyết của đại hội trong cả một nhiệm kỳ hướng tới một kết quả tốt đẹp, trọn vẹn, hướng đến một tương lai tươi sáng. Muốn vậy, cùng với lấy ý kiến quần chúng về kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ trước, định hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, cấp ủy cơ sở phải làm tốt việc kiểm điểm đảng viên, kiểm điểm trách nhiệm và sự tự soi tự sửa bản thân ở mỗi cấp ủy viên, thông báo công khai, rõ ràng tới các đoàn thể quần chúng về kết quả kiểm điểm, các ưu, khuyết điểm.
Theo đó, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng ở đơn vị mình, trong khu vực dân cư được phân cấp quản lý, từ đó dự kiến cơ cấu cấp ủy, bí thư cấp ủy khóa tới; kể cả các đảng viên dự kiến vào danh sách đi dự đại hội cấp trên để quần chúng góp ý với tinh thần thực sự cầu thị và phát huy dân chủ trong nhân dân. Sau đó, cấp ủy phải phúc đáp, giải trình tiếp thu ý kiến của các đoàn thể quần chúng. Phải công khai, sòng phẳng ý kiến nào được tiếp thu, ý kiến nào không tiếp thu với quan điểm nguyên tắc xây dựng Đảng, có lý có tình, đúng tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đúng ý nghĩa thực hành dân chủ XHCN tại cơ sở. Tiến hành như vậy là thực sự thể hiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền luôn mở rộng dân chủ và trung thực trước nhân dân; mỗi lần đại hội là một lần nhắc nhở, giáo dục, kiểm tra đảng viên tránh lộng quyền, chịu sự giám sát của quần chúng nhân dân; để mỗi quyết định của Đảng đều nhận được phản biện của đoàn thể chính trị - xã hội, của Mặt trận đoàn kết rộng rãi mà Đảng là một thành viên, đúng theo nguyên tắc, phù hợp quy chế hoạt động của các đoàn thể, đúng pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ và thiết kế bộ máy lãnh đạo ở cơ sở, dù là đơn vị nhỏ hay lớn đều phải bảo đảm bao quát, chứa đựng nội hàm nhiệm vụ chung của toàn Đảng, của cả nước; đó là phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chỉ khi đã hoàn tất mọi điều kiện nói ở trên, cơ sở đảng mới tiến hành đại hội. Vào đại hội bảo đảm thảo luận kỹ cả báo cáo của đơn vị mình và dự thảo báo cáo chính trị của cấp trên. Có như thế, mới bảo đảm mỗi kỳ đại hội là một lần Đảng với Dân thêm gắn chặt, là một lần giáo dục, bồi dưỡng đảng viên, là tăng cường củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh, là một dịp nâng cấp tổ chức đảng đủ sức, đủ tài chỉ lối, dẫn đường đưa đất nước đến phồn vinh, thịnh vượng, thực sự hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân tộc ngày thêm hùng cường, nền độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam XHCN được bảo vệ vững chắc và trường tồn.
Như thế là làm đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu về đại hội Đảng: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể các đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo Đại hội thành công thật tốt đẹp”(1). Chúng ta tin chắc rằng các cơ sở đảng đều thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, quyết tâm thực hiện thành công Đại hội XIV của Đảng, để rồi cứ đến hẹn Xuân về, như một lẽ tự nhiên, mùa đại hội lại được diễn ra trên Tổ quốc thanh bình, văn hiến Việt Nam với sinh khí mới, với hào khí mới.
----
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H. 2011, tập 12, tr.545.