Nghĩ về 'kho báu' sông nước của Hòn ngọc Viễn Đông

Ẩn mình đan xen giữa những con đường sôi động của Tp. Hồ Chí Minh - còn có mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa, là mạng lưới sông ngòi và hệ thống đường thủy phong phú, giàu tiềm năng, được ví như một 'kho báu' đầy mời gọi vẫn đang chờ được khai phá.

1. Vào một ngày cuối tuần giữa rộn ràng sắc xuân, tôi có dịp du ngoạn sông Sài Gòn trên ca nô 7 chỗ mới sắm của anh bạn đồng hương. Chiếc ca nô vù vù từ bán đảo Bình Quới - Thanh Đa hướng về Bến Bạch Đằng rồi chạy một mạch ra Nhà Bè với làn gió trong lành mang theo hơi mát của dòng sông.

Tác giả với trải nghiệm thú vị trên sông Sài Gòn bằng phương tiện ca nô 7 chỗ.

Tác giả với trải nghiệm thú vị trên sông Sài Gòn bằng phương tiện ca nô 7 chỗ.

Tuy là sông nước, nhưng nó như một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” đầy thú vị. Nhất là được ngắm hàng chục siêu cao ốc nằm chen chúc nhau kéo dọc hai bên bờ sông, đoạn từ cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) cho đến cầu Tân Thuận (quận 4). Và cũng không thể ngó lơ loạt tòa nhà trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp trải dài trên Bến Bạch Đằng (quận 1). Còn trên sông là những con tàu container hối hả ra vào nhộn nhịp. Đó là chưa kể hàng loạt hoạt động lấy con sông làm trọng tâm, từ những chiếc du thuyền nhàn nhã cho đến các trải nghiệm ẩm thực ven sông mê hoặc.

Có trải nghiệm thưởng ngoạn sông nước đầy quyến rũ như vậy mới thấy sông Sài Gòn tựa như một sợi ruy băng uốn lượn khéo léo len qua trái tim thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn xưa. Và khi ngồi trên ca nô “đua” theo thú chơi sông nước đang thịnh hành của không ít gia đình trẻ, được ngắm và quan sát, tôi lại suy ngẫm nhiều hơn về giá trị độc đáo khi du ngoạn sông nước Sài Gòn.

Anh Sơn, người bạn ngồi cùng tôi trên ca nô, vốn chuyên nghiên cứu xã hội học, nói rằng thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn như vậy là có thêm một góc nhìn khác biệt, tương phản rõ rệt với những cung đường sôi động của thành phố, như đắm chìm vào sự sảng khoái từ một “kho báu” sông nước mà đôi khi chúng ta còn hờ hững.

2. Nhân chuyện du ngoạn sông nước Sài Gòn bằng ca nô, lúc cùng nhau nhâm nhi tách cà phê trên Bến Bạch Đằng, Ts. Majo George, một chuyên gia người nước ngoài trong lĩnh vực Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, có nói với tôi rằng Tp.HCM có hơn 900 km đường thủy và 50% mạng lưới đường bộ tương thích với giao thông đường thủy. Mặc dù sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch liền kề liên kết với nhiều tỉnh, thành nhưng cả giao thông lẫn du lịch đường thủy trong khu vực vẫn chưa phát triển đầy đủ.

Việc phát triển vận tải hành khách bằng đường thủy sẽ đóng góp tích cực vào hình ảnh điểm đến cho Tp.HCM.

Bên cạnh thú vui thưởng ngoạn sông nước của những gia đình có điều kiện bằng việc tậu ca nô hay du thuyền, Ts. Majo George cho biết bản thân ông mong đợi thời gian tới Tp.HCM sẽ đưa tàu thủy cao tốc vào hệ thống giao thông đường thủy và mở rộng vận tải hàng hóa đường thủy nhằm thay đổi bộ mặt giao thông và mặt bằng kinh tế của thành phố.

Vị chuyên gia này bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến mới được đưa ra gần đây là kết nối Tp.HCM với sân bay quốc tế Long Thành bằng tàu thủy cao tốc (cách Tp.HCM khoảng 40km về phía Đông, hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026). Theo đó, tàu thủy cao tốc chở khách từ Bến Bạch Đằng đến bến du thuyền Swan Bay ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) và tiếp tục di chuyển bằng đường bộ đến sân bay.

“Việc tích hợp tàu thủy cao tốc vào các loại hình giao thông hiện hữu của Tp.HCM chẳng những giúp việc di chuyển đến sân bay Long Thành thuận tiện hơn mà còn có thể thúc đẩy kinh tế địa phương một cách đáng kể, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và bán lẻ”, ông George nói.

Như ở góc độ phát triển du lịch, việc kết nối Tp.HCM với sân bay Long Thành bằng đường thủy cao tốc sẽ đem đến những lợi thế nhất định. Các sáng kiến tương tự đã được triển khai thành công ở những điểm đến gần đường thủy khác, chẳng hạn như Bangkok và Siam Reap (Thái Lan), Hồng Kông (Trung Quốc), Kobe/Kansai (Nhật Bản) và Lofoten (Na Uy).

Bởi lẽ, từ việc kết nối này, các tuyến đường tuyệt đẹp dọc dòng sông mang tính biểu tượng của Sài Gòn và các khu phố cao cấp mang lại giá trị thư giãn giải trí, biến thành những hải trình đẹp như tranh vẽ. Điều đó sẽ đóng góp tích cực vào hình ảnh điểm đến cho Tp.HCM và tăng tỉ lệ quay lại của du khách.

3. Là một chuyên gia người Singapore trong lĩnh vực quản trị du lịch và khách sạn có nhiều thời gian làm việc ở Việt Nam, nữ tiến sĩ Jackie Ong đã ví von mạng lưới sông ngòi và hệ thống đường thủy phong phú, giàu tiềm năng của Tp.HCM như một “kho báu” đầy mời gọi đang chờ được khai phá.

Hệ thống sông nước ở Tp.HCM được ví như “kho báu” đầy mời gọi vẫn đang chờ được khai phá.

“Trải nghiệm phong phú trên sông nước Sài Gòn mang lại cho chúng tôi một góc nhìn độc đáo, cho phép trong phút chốc, thoát ra khỏi nhịp sống đô thị ồn ã và chiêm ngưỡng khía cạnh yên bình thường bị ẩn giấu của thành phố”, bà Ong chia sẻ.

“Nó khắc họa bản chất cốt lõi của nhu cầu du lịch sông nước hiện nay, khi du khách khao khát có được những kết nối chân thực và trải nghiệm sâu sắc. Đáp ứng hài hòa xu hướng này, du lịch sông nước vẫy gọi các ‘nhà thám hiểm’ đắm mình khám phá lịch sử đa tầng, văn hóa phức tạp, những kiệt tác kiến trúc và cuộc sống thường nhật của thành phố”, vị chuyên gia này bày tỏ thêm.

Còn theo một đồng nghiệp của bà Ong là Ts. Daisy Kanagasapapathy, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động quảng bá và đa dạng hóa trải nghiệm sông nước là những hướng đi đầy hứa hẹn mà Tp.HCM có thể đẩy mạnh lĩnh vực này.

Lấy cảm hứng từ sự thành công của du lịch sông nước tại Thái Lan, Ts. Kanagasapapathy cho rằng để khai mở hết tiềm năng sông nước Sài Gòn cần tạo ra trải nghiệm phong phú từ việc kết hợp lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.

Bên cạnh đó là cần đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại và dễ tiếp cận giúp tương tác liền mạch với các tuyến đường thủy của thành phố, đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm duy trì tính chân thực và đà tăng trưởng. Đặc biệt là thực hiện chiến lược marketing quốc tế toàn diện nhằm tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ, nâng cao tính hấp dẫn của du lịch sông nước đối với những du khách trong nước và quốc tế.

“Giống như dòng chảy uốn lượn của sông Sài Gòn qua thành phố, du lịch sông nước mang tiềm năng dệt nên một câu chuyện mới mẻ về sự khám phá, tính chân thực và kỳ diệu bên trong lòng đô thị náo nhiệt này. Học hỏi từ những thành công của Thái Lan, Tp.HCM có thể mở ra tiềm năng thực sự cho giao thông đường thủy, mời gọi du khách bước vào một hành trình hấp dẫn khám phá lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên của thành phố”, Ts. Kanagasapapathy bộc bạch.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/nghi-ve-kho-bau-song-nuoc-cua-hon-ngoc-vien-dong-1104456.html
Zalo