Nghĩ từ những ngày lễ lớn...

Tháng 10, nắng thu dịu dàng, Thủ đô Hà Nội toát lên một vẻ đẹp sâu lắng của đô thị cổ kính và sang trọng. Vẻ đẹp ấy còn được nhân lên bởi những ngày thu lịch sử vọng về từ 70 năm trước: mùa thu tiến về Hà Nội, mùa thu kiến tạo đất nước như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đêm 19/12/1946: 'Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!'.

Hà Nội khởi phát từ Thăng Long và Hà Nội còn là trái tim hồng của cả dải đất hình chữ S. Ngoài những di sản văn hóa mang hồn dân tộc là lịch sử hào hùng của thời đại giữ nước. Bản lĩnh ấy chính là chất thép tiềm tàng ẩn chứa trong những gì dịu dàng, hoa lệ như hoa sữa, cốm làng Vòng, tơ lụa Vạn Phúc...

Bản hùng ca Hà Nội là niềm cảm hứng bất tận.

Bản hùng ca Hà Nội là niềm cảm hứng bất tận.

Cũng như các vùng đất khác trên cả nước, Hà Nội từ một kinh thành bình yên đã trở thành chiến trường, quân dân đồng lòng đánh giặc, tiêu thổ kháng chiến để có những ngày chiến thắng. Sự kiên cường tạo nên những sáng tạo, bất ngờ. Bên cạnh 5 tiểu đoàn vệ quốc quân còn có đội vệ út gần 200 thiếu niên đảm nhận vai trò thông tin, liên lạc. Những pháo đài Láng, chợ Đồng Xuân, Trường Trần Nhật Duật (Trường Ke năm xưa)... ghi lại dấu ấn các trận đánh ác liệt của quân và dân ta. Trong hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có một phần rất lớn của Hà Nội mùa đông năm 1946 và sau này là “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Những ngày nay, người dân đổ về Hà Nội với một mong muốn được cảm nhận về giá trị sâu lắng của Thủ đô. Người viết thật xúc động khi đọc bài viết của Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân, tái hiện lại không khí của Ngày Giải phóng Thủ đô: “Ngày 9/10, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Lính Pháp rút khỏi đến đâu thì phố xá liền mở cửa ùa ra cờ hoa đón chào đoàn quân giải phóng đến đó. Người Hà Nội đã chuẩn bị cờ hoa từ mấy hôm, nay diện những bộ quần áo đẹp, các tiểu thư mặc áo dài, các anh, các chú diện comple và mọi tầng lớp người dân Hà Nội tràn ra hai bên hè phố vẫy chào. Nhiều tài tử mang đàn ra hè phố chơi nhạc chào mừng” ("Náo nức ngày 10/10" - Báo Dân trí).

Trong đoạn văn này, điều thú vị thuộc về những gì tưởng như bình thường nhất: Thành quả của gần 9 năm chống Pháp, của một Thủ đô quyết tử ấy là không khí ngày 10/10/1954, không khí của ngày hội. Độc lập, tự do chính là niềm hân hoan bất tận, chẳng có lý do gì để không thể mở lòng náo nức mừng vui, cùng cất lên khúc ca tươi đẹp ấy. Một niềm cảm hứng được cất lên từ 10/10 năm ấy đã chuyển hóa thành những giá trị khác, bồi đắp trong tâm hồn bao người.

Năm 2024 ghi nhận chặng đường lịch sử và những mốc son của dân tộc từ 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đến 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống hào hùng của quân và dân ta không chỉ được nhắc đến trong các trang sử mà đến từ bản lĩnh, nghĩa tình và trách nhiệm trước khó khăn thách thức của ngày hôm nay. Thêm một lần, các thế hệ sinh ra sau các cuộc kháng chiến lại được cảm nhận không khí của những đoàn diễu binh, diễu hành, cùng sự náo nức, hồ hởi, tự hào của đồng bào Tây Bắc và cả nước.

Cựu chiến binh Lê Thị Thắng, 72 tuổi (Phú Thọ) đã xúc động chia sẻ: “Người dân Điện Biên thực sự rất thân thiện, mến khách, không chỉ quan tâm, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, mà khách du lịch đến từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng được bà con tiếp đón, hỗ trợ nhiệt tình. Đặc biệt, không chỉ phát nước miễn phí, không ít gia đình còn chủ động mời khách du lịch về nhà mình ở không lấy tiền khi thấy họ chưa tìm được nơi lưu trú” (theo: Nguyễn Hồng Sáng, Báo Quân đội nhân dân).

Giao lưu ngẫu hứng giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người dân Điện Biên giữa giờ tập luyện.

Giao lưu ngẫu hứng giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người dân Điện Biên giữa giờ tập luyện.

Điều bất ngờ là khi những đoàn quân đến với Điện Biên Phủ hôm nay để tái hiện không khí hào hùng của chiến dịch và khẳng định sự trưởng thành của quân đội và đất nước nhưng những ấn tượng để lại đều rất chân thật. Bởi thế, tình cảm của đồng bào dành cho những người lính vẫn vẹn nguyên như các thế hệ cha ông dành cho anh bộ đội Cụ Hồ. Người lính đến đây trong sự chào đón hồ hởi và chia tay trong sự lưu luyến, xúc động...

Trước sự tàn phá của cơn bão Yagi và hoàn lưu mưa lớn tạo nên lũ lụt, sạt lở, lũ quét ở một số tỉnh Đông Bắc Bộ. Các lực lượng Quân đội, Công an cùng nhiều người dân đã tình nguyện căng sức ứng cứu, làm giảm thiểu hậu quả của thiên tai. Thêm một lần những chiến sĩ lại ra trận, lịch sử của những chiến công lại được tái hiện. Trong những ngày các anh tìm kiếm, cứu nạn và khi họ lưu luyến rời đi, ta lại thấy đâu đó có nét tương đồng với hình ảnh trong bài thơ “Bao giờ trở lại” của nhà thơ Hoàng Trung Thông (nhạc sĩ Lê Yên đã phổ nhạc thành bài hát “Bộ đội về làng”): “Các anh về/ Xôn xao làng tôi bé nhỏ/ Nhà lá đơn sơ/ Nhưng tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau./ Anh giờ đánh giặc nơi đâu/ Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị - Thiên?”.

Hormone hạnh phúc đến từ sự nỗ lực của bản thân.

Hormone hạnh phúc đến từ sự nỗ lực của bản thân.

Khi lòng người đoàn kết, nhân dân đồng lòng, mọi chủ trương, biện pháp đều được thực hiện triệt để, Việt Nam lại chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của mình. Các thành phố lại lung linh ánh sáng, các làng xóm lại tái sinh bài bản, vững vàng hơn. Điều đọng lại không chỉ là những gì đã và đang hiện hữu trên mặt đất mà ở niềm tin vào cuộc sống: tin vào một xã hội tốt đẹp và sự tương trợ, đồng cảm của con người với con người.

Trong cuộc sống này, ngoài các giá trị về khoa học, công nghệ ngày càng được khẳng định, con người đã và đang cần tới những hormone “hạnh phúc”. Có điều, để có được những hormone “hạnh phúc” của hôm nay, chúng ta đã nỗ lực từ trong quá khứ. Nhìn vào con số thống kê về số tiền mà các doanh nghiệp đã chung tay cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt, người viết thấm thía nhận định của ông Đỗ Cao Bảo trên Báo Dân trí: “Khởi nghiệp không chỉ để kiếm tiền, để làm giàu cho cá nhân mình, càng không phải để được làm ông chủ, làm giám đốc, thoát cảnh đi làm thuê, khởi nghiệp chính là vì sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong, con tim mách bảo rằng nhất định phải làm công việc ấy, bởi xã hội đang cần những sản phẩm và dịch vụ ấy, bởi sản phẩm, dịch vụ ấy mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho xã hội” (Khởi nghiệp không chỉ để làm giàu).

Sự phát triển của xã hội được khởi phát từ tinh thần của mỗi người hôm nay và không ít người trong số chúng ta trong tương lai gần có thể trở thành doanh nhân, thành người tham gia hoạt động xã hội tích cực... điều quan trọng là: dù thành công ở mức độ nào, phẩm chất con người sẽ luôn được khẳng định ở nỗ lực ấy, thay vì “ngồi đếm like” và trầm cảm vì nó như không ít người trẻ hôm nay. Giữa cuộc sống thực và ảo trên nền tảng mạng xã hội luôn có sự phân biệt, kể cả trong kỉ nguyên số này.

Nhìn lại các sự kiện lịch sử, ứng chiếu với những gì vừa trải qua, chúng ta nhận ra con người ở thời đại nào cũng cần gắn bó mật thiết với dân tộc, với lịch sử và sẽ tìm thấy sức mạnh của chính mình. Nghĩ từ những ngày lễ lớn thấy sự nô nức của nhân dân càng thêm tin yêu các giá trị văn hóa ở nơi đây...

Lâm Việt

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nghi-tu-nhung-ngay-le-lon--i747314/
Zalo