Nghị trường đến cuộc sống: Bảo vệ di sản Hội An bằng khung pháp luật phù hợp

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, là nơi lưu dấu đậm nét văn hóa xưa, tuy nhiên, phố cổ Hội An đang gặp tình trạng 'chảy máu di sản' do các chủ sở hữu tư nhân các ngôi nhà cổ rao bán ồ ạt. Trong khi đó, chưa có các cơ chế chính sách, các quy định pháp luật cụ thể để địa phương để nguồn lực để ngăn chặn, khắc phục tình trạng đáng báo động này.

Hội An có hơn 1.000 nhà cổ, trong đó chỉ 10% do Nhà nước quản lý. 20% do tập thể sở hữu gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ. Số do tư nhân sở hữu chiếm tới 70%. Trong đó, chỉ có 30% của người gốc Hội An. Đi dọc phố cổ không khó bắt gặp những biển đăng bán nhà. Người nơi khác đến mua, và tìm mọi cách cải tạo để kinh doanh. Nhà cổ Hội An khác biệt bởi được lưu giữ hầu như nguyên vẹn qua hàng trăm năm, nhưng nay mất dần chức năng và thờ cúng, chỉ còn chức năng buôn bán.

Lãnh đạo thành phố Hội An cho biết, địa phương khó mua lại nhà cổ để bảo tồn. Bên cạnh đó, phương án đưa người Hội An trở lại phố cổ cũng chỉ được vài trường hợp. “Chảy máu di sản” và “phai nhạt hồn phố” đang thực sự là vấn đề nhức nhối.

Không chỉ mua bán các nhà cổ, đến nay, hiện trạng các di tích đa phần cũng đã xuống cấp nhưng việc trùng tu khó khăn do các quy định hiện hành, đòi hỏi nhiều phương án mới hiệu quả hơn, phương án xã hội hóa đã được tính đến. Tuy nhiên, hướng đi này cần tính toán kỹ lưỡng.

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngành Văn hóa – Thể thao thành phố Hội An cho biết, địa phương rất lúng túng khi Luật cũ quy định tất cả công trình ở trong di sản mà có sửa chữa thì phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng việc quản lý di sản thì chưa có mô hình cụ thể. Một số địa phương như Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, thì giao cho cấp tỉnh quản lý. Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới thì giao cho địa phương quản lý.

Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, Đô thị cổ Hội An đã tạo nên những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, sinh thái. Toàn thành phố Hội An hiện có 1.439 di tích, trong đó riêng “vùng lõi” chỉ có diện tích 30ha nhưng có đến 1.175 di tích. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012 – 2025”. Tuy nhiên, phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ chưa được triển khai thực hiện hoặc kết quả đạt được còn rất ít. Đô thị cổ Hội An hiện tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức. Trong đó, có cả những vướng mắc liên quan đến pháp luật về di sản hiện hành, cần nghiên cứu điều chỉnh trong dự thảo luật di sản văn hóa sửa đổi trong thời gian tới.

Trong phương án trước mắt, thành phố Hội An cũng sẽ thu bớt nhà cổ của các đơn vị sự nghiệp như trung tâm văn hóa, bảo tàng. Sau khi trùng tu thì khai thác, đấu giá theo chủ đề, để dần dần trả lại cho Hội An những chức năng như ngày xưa, khoảng đầu thế kỉ 20.

Bàn về vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội khóa 7 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ cũng bày tỏ băn khoăn về sự mai một di sản nếu không có phương án phù hợp.

Góp ý Luật Di sản văn hóa sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, di sản Hội An, với nhiều đặc thù không giống các di sản khác, trong đó, hệ thống các di tích, di sản hiện có gắn với cuộc sống và hoạt động của người dân, được cấu thành từ 1.300 di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ, thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể.

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo đúng nguyên tắc bảo tồn tính chân xác, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “Di sản sống”.

Phương án tăng cường quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ, mở rộng không gian phố đi bộ nhằm tránh thất thoát vé tham quan, tăng nguồn thu phục vụ bảo tồn, trùng tu di sản. Hiện giá vé 120.000 đồng cho khách quốc tế và 80.000 đồng cho khách nội địa. Địa phương cũng kiến nghị duy trì bổ sung cho Hội An 15 tỷ đồng/năm hoặc lớn hơn trong những năm tiếp theo.

Có ý kiến đồng tình việc lấy nguồn thu từ chính hoạt động khai thác di sản văn hóa, cho rằng việc quy định trong luật nguồn thu từ di sản văn hóa để phục vụ chính cho bảo tồn di sản là cần thiết, hiện Quốc hội đang thí điểm xây dựng quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại tỉnh Thừa Thiên Huế rất hiệu quả.

Bên cạnh việc điều chỉnh các quy định pháp luật về di sản, công tác trùng tu, tôn tạo di tích cũng phải được đặc biệt quan tâm và thực hiện bài bản, đúng quy định. Chùa Cầu thuộc danh mục Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, vì vậy việc trùng tu phải tuân theo Luật Di sản văn hóa và Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo dự thảo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, phấn đấu 100% di tích xuống cấp được trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, địa phương sẽ phải hoàn thiện quy hoạch không gian và mở rộng khoanh vùng bảo vệ của di sản Hội An.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Nguyễn Hùng - Lê Quang - Anh Khoa

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/nghi-truong-den-cuoc-song-bao-ve-di-san-hoi-an-bang-khung-phap-luat-phu-hop-235612.htm
Zalo