Nghi Sơn phát huy lợi thế từ biển
Giữ vị thế chủ đạo của Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) - một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển của khu vực và cả nước trong tương lai, thị xã Nghi Sơn đang nỗ lực trong công tác quy hoạch phát triển, phấn đấu khai thác tối đa các tiềm năng từ biển.
Cùng với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn như: lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng... gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, công tác quy hoạch tiếp tục được thị xã Nghi Sơn phối hợp với Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh tích cực triển khai. Đó là các quy hoạch phân khu chức năng như công nghiệp, đô thị, cảng biển, du lịch sinh thái... gắn với kỳ vọng hình thành và phát triển nhiều dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics mới. Các cơ quan, ban, ngành thị xã cũng tích cực, trách nhiệm trong tham gia ý kiến về các thủ tục lựa chọn, tập trung mọi nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển cũng như hoạt động đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp (DN).
Đến nay, thị xã có khoảng hơn 1.500 DN đang hoạt động. Ngoài các DN lớn như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các nhà máy nhiệt điện, Công ty TNHH Giày ANORA, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực Miền Bắc Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn..., đóng góp tới khoảng 1/2 ngân sách Nhà nước hàng năm. Nhiều DN do Chi cục Thuế Nghi Sơn quản lý cũng có doanh thu cao như: Công ty TNHH Trúc Lâm, Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh, Công ty TNHH Đức Toàn, Công ty TNHH Giang Sơn, Công ty TNHH Hoàng Trường, Công ty TNHH Anh Cường, Công ty TNHH Hiền Huy, Công ty TNHH Tự Lập... Năm 2024, thu ngân sách của thị xã Nghi Sơn đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với con số gần 1.341 tỷ đồng, vượt 37% dự toán tỉnh giao.
Ngành nghề khai thác và chế biến thủy sản cũng đã và đang phát huy tốt lợi thế và phát triển mạnh tại các xã, phường: Hải Thanh, Hải Bình, Hải Châu, Thanh Thủy... Ngoài quan tâm, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, thị xã đã tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích thành lập các HTX liên kết chế biến thủy hải sản. Ngoài tổng sản lượng khai thác đạt từ 30.000 - 40.000 tấn/năm, các đội tàu thu mua của các DN cũng đã tích cực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để chủ động trong chế biến. Năm 2024, sản lượng thu mua thủy sản trên địa bàn lên tới con số 95.000 tấn. Một số DN lớn đã chế biến tới 15.000 tấn nguyên liệu/năm, đưa sản phẩm từ nghề biển đi xuất khẩu tới nhiều quốc gia và giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động.
Công ty CP Thương mại vận tải và Chế biến Long Hải đóng trên địa bàn thị xã đã được xếp vào top 5/45 DN trong nước được các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Nga... ưa chuộng với dòng sản phẩm ưu thế là Surimi. Nhà máy liên tục có những bước cải tổ để nâng cao chất lượng sản phẩm và cơ cấu lại sản phẩm để tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng. Theo Tổng Giám đốc Trịnh Thị Cúc, công ty đang hướng tới cả 2 mục tiêu chinh phục thêm nhiều thị trường nước ngoài khó tính và cả nội địa. Các sản phẩm của công ty đều được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và các chứng chỉ quốc tế theo yêu cầu của các thị trường.
Cùng với đó, du lịch biển cũng được thị xã Nghi Sơn xác định là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh. Sản phẩm du lịch của thị xã Nghi Sơn đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật trong và ngoài tỉnh và trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, điển hình như các khu du lịch biển Hải Hòa, Bãi Đông, Anh Phát... Năm 2024, doanh thu từ du lịch của thị xã tiếp tục tăng trưởng mạnh, với con số 2.900 tỷ đồng, tăng 26,09% so với cùng kỳ.
Hiện nay, thị xã Nghi Sơn đã và đang tập trung xúc tiến kêu gọi thu hút các DN đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn, điển hình như khu du lịch sinh thái biển Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Ninh, Bình Minh; đồng thời phát triển các khu du lịch sinh thái hồ Hao Hao - chùa Am Các, đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ, cụm di tích Quang Trung - Lạch Bạng, quần thể di tích thắng cảnh Biện Sơn, quần thể động Trường Lâm. Bên cạnh đó, thị xã đã tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong đó bổ sung mở rộng quy hoạch khu du lịch Hải Hòa gắn với các xã, phường ven biển và kết nối với đảo Mê và các cụm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh chùa Đót Tiên, đền Quang Trung, đền Lạch Bạng, đền Khánh, chùa Am Các... và các tuyến du lịch sinh thái như Trường Lâm, Phú Sơn, hồ Yên Mỹ, hồ Hao Hao. Mục tiêu hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch kết nối hấp dẫn.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thị ủy Nghi Sơn cũng đã ban hành kế hoạch hành động sát với thực tế địa phương, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình trọng tâm phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch. Tâm thế sẵn sàng này sẽ là cơ sở, nền tảng để Nghi Sơn khai thác tối đa lợi thế, sớm xứng đáng trở thành hạt nhân động lực 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước.