Nghị quyết số 66: Giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế

Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025, của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là một trong 'bộ tứ trụ cột' giúp đất nước cất cánh.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Nghị quyết số 66 tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động mọi nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa đất nước chuyển mình mạnh mẽ.

PV: Xin bà cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị trong bối cảnh hiện nay?

TS. Đoàn Thị Tố Uyên: Nghị quyết 66-NQ/TW cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết 59-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW tạo bệ phóng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Việc ban hành Nghị quyết 66 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập tồn tại trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, đồng thời tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc ra đời Nghị quyết 66 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nối để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược mà trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong đó đột phá chiến lược về mặt thể chế được xếp ở vị trí hàng đầu. Thời gian qua, chúng ta đã nhận diện được điểm yếu, điểm hạn chế, bất cập của quá trình xây dựng pháp luật, được coi là điểm nghẽn về mặt thể chế. Nghị quyết 66 có rất nhiều nội dung đổi mới cho cả khâu xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Vì thế đem lại ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PV: Theo bà, đâu là những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết số 66 so với những nghị quyết về công tác xây dựng và thi hành pháp luật trước đây?

TS. Đoàn Thị Tố Uyên: Nghị quyết 66 có một số điểm mới như sau.

Một là, Nghị quyết 66 đã nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng. Đây là một trong những nội dung mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 đã thể chế hóa và đưa vào trở thành một nguyên tắc đầu tiên trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác xây dựng pháp luật.

Hai là, Nghị quyết 66 khẳng định tăng cường kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hưởng lợi chính sách. Nội dung này của Nghị quyết xuất phát từ thực tế thời gian qua ở đâu đó có những chính sách vẫn còn có biểu hiện về lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Đây cũng là một trong những nội dung tiếp nối chỉ thị của Trung ương liên quan tới phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật. Tôi cho rằng, nội dung này rất quan trọng làm thay đổi toàn bộ tư duy kiểm soát trong quy trình xây dựng pháp luật.

Ba là, Nghị quyết 66 đề cao việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như các chủ thể khác trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Bốn là, Nghị quyết 66 nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nắm bắt cơ hội và mở đường khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đây là điểm nhấn, tạo sự thay đổi rất lớn về tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật không chỉ có mục đích phục vụ cho hoạt động quản lý của Nhà nước, mà còn có mục đích định hướng, tạo động lực cho sự phát triển và đón đầu những sự thay đổi mới cho sự phát triển kiến tạo.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Năm là, Nghị quyết 66 nhấn mạnh, Nhà nước đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật, coi đây là đầu tư cho sự phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, có chế độ chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, xây dựng pháp luật, nhất là đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng cũng như là điều kiện, chế độ chính sách cho đội ngũ thực hiện công tác này.

Đây là một nội dung quan trọng cùng với chính sách về phát triển khoa học công nghệ trong Nghị quyết 57, lần này Trung ương đã nhấn mạnh, đầu tư mọi nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Kịp thời thể chế hóa nội dung mới này của Nghị quyết 66, ngày 17/5/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Sáu là, Nghị quyết số 66 cũng nhấn mạnh về mối quan hệ giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác thi hành pháp luật đó là gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

PV: Nghị quyết số 66 xác định, công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước? Xin bà phân tích rõ thêm về điều này?

TS. Đoàn Thị Tố Uyên: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề cập đến ba đột phá chiến lược quan trọng: thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Nghị quyết 66 tiếp tục phát triển chiến lược đột phá đó và cụ thể hóa trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Nghị quyết 66 coi xây dựng và thi hành pháp luật là giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế. Bởi vì, chúng ta xuất phát từ thực tiễn thời gian qua, thế chế được nhận định là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Do vậy cần có giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn đó. Cụ thể hơn, Nghị quyết 66 coi trọng công tác xây dựng luật, trong đó nhấn mạnh phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, loại bỏ tư duy không quản được thì cấm, pháp luật phải tạo động lực và định hướng cho sự phát triển, cho đổi mới sáng tạo, cho chuyển đổi số và chú trọng các lĩnh vực thiết yếu của đời sống an sinh xã hội. Pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đặc biệt là đảm bảo định hướng cho sự phát triển lâu dài của các quan hệ xã hội.

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức.

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức.

Còn trong công tác thi hành pháp luật, tính đột phá được thể hiện ở nội dung của Nghị quyết 66 nhấn mạnh, pháp luật phải được thực thi một cách công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng pháp luật. Trong Nghị quyết yêu cầu, trong công tác thi hành pháp luật, đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, bảo đảm quan điểm, người dân, doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm. Thi hành pháp luật phải ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và công nghệ đổi mới sáng tạo. Những nội dung này được thực hiện tốt sẽ đưa đất nước chuyển mình mạnh mẽ, và việc tăng trưởng kinh tế đạt được 2 con số hoàn toàn khả thi trong thực tiễn.

Nguyễn Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nghi-quyet-so-66-giai-phap-dot-pha-cua-dot-pha-trong-hoan-thien-the-che-post1201139.vov
Zalo