Nghị quyết dẫn đường, nhân dân thụ hưởng - Bài 2: Việc khó có dân cùng lo
Ở Hải Dương, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng được hiện thực hóa nhờ có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Nhiều việc khó đã thành nhờ có dân cùng lo.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Năm 2022, xã Lê Lợi (TP Chí Linh) có chủ trương mở rộng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ của xã vì công trình cũ được xây dựng từ nhiều năm trước, đã xuống cấp.
Nghĩa trang liệt sĩ cũ đang nằm sát quốc lộ 37 nên muốn mở rộng, cải tạo cảnh quan chỉ có cách duy nhất là mở rộng không gian về phía sau. Trong khi đó, địa phương chỉ có thể bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, không có kinh phí thu hồi đất để có mặt bằng.
Tổ công tác của xã Lê Lợi đã đến gặp gỡ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyệt sinh năm 1954 ở thôn Thanh Tảo có đất ở cạnh nghĩa trang đề nghị hiến đất.
Việc tưởng khó vì diện tích đất cần để mở rộng nghĩa trang liệt sĩ khá lớn. Thế nhưng, ông Tuyệt không đắn đo thiệt hơn, thống nhất cùng với gia đình hiến trên 1.000m2 trị giá hàng tỷ đồng để xã mở rộng khuôn viên, xây dựng các hạng mục trong nghĩa trang.
Ông Nguyễn Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi đánh giá: “Nhờ có hơn 1.000 m2 đất của gia đình ông Tuyệt hiến tặng mà công trình đền ơn, đáp nghĩa của địa phương được hoàn thành thuận lợi. Cảnh quan nghĩa trang khang trang, sạch, đẹp. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã rất phấn khởi, cảm ơn gia đình ông Tuyệt”.
Nghĩa cử cao đẹp vì việc chung của gia đình lão nông Nguyễn Văn Tuyệt được người dân địa phương thán phục và truyền cảm hứng cho nhiều người. Đầu tháng 10/2024, ông Tuyệt là 1 trong 33 điển hình được tôn vinh tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”, giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc.
Về xã Lai Vu (Kim Thành), nhìn cơ sở vật của các trường học hiện nay, nhiều người khó tin khi chỉ cách đây 3 năm địa phương còn rất khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, xã Lai Vu đồng thời xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt mục tiêu trên, việc hoàn thành các cơ sở vật chất rất khó khăn vì cần nguồn lực lớn. Cả 3 trường của các cấp học trong xã đều thiếu phòng học, nhiều phòng học xuống cấp. Ngân sách của địa phương hạn chế, nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều nên việc triển khai thực hiện nghị quyết khó khả thi.
Để giải bài toán về nguồn lực, địa phương đã kết nối, kêu gọi một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm là người quê hương hỗ trợ xây dựng các công trình. Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm vẫn sẵn lòng vì cộng đồng.
Tiêu biểu là Công ty TNHH Khánh Hòa VN đã hỗ trợ xã 5,7 tỷ đồng để xây dựng công trình phụ trợ và nhà đa năng cho Trường THCS xã. Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn xã và nhân dân đóng góp, hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, trên 2.000 ngày công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất ở để góp sức xây dựng quê hương.
"Nhờ sự chung tay của cộng đồng, năm 2021, 5 công trình của cả 3 cấp học được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cuối năm 2021, xã Lai Vu hoàn thành về đích nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, xã hoàn thành về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, xã đang hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại V", bà Bùi Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lai Vu phấn khởi nói với phóng viên.
Khơi dậy sức dân, cùng dân gỡ khó
Những ngày cuối tháng 10/2024, tuyến đường trục thôn Tỉnh Cách, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) trở thành một công trường sôi động. Gần 200 hộ dân địa phương đã hiến đất, tự nguyện tháo dỡ công trình của gia đình để phục vụ mở rộng tuyến đường hơn 1 km từ 5,5 m lên 7,5 m.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phúc đã phá dỡ toàn bộ dãy tường bao, cổng và hiến gần 100 m2 đất ở để mở rộng đường. Ông Phúc chia sẻ: “Gia đình hai con trai tôi cũng tự phá dỡ, xây lại tường để hiến gần 100 m2 đất cho địa phương mở đường. Có tốn kém nhưng vì việc chung, vì sự phát triển lâu dài của địa phương nên chúng tôi rất vui vẻ”.
Tuyến đường ở thôn Tỉnh Cách là một trong những tuyến đường được làm theo mô hình “giải phóng mặt bằng 0 đồng” ở huyện Cẩm Giàng. Mô hình này được thực hiện theo nghị quyết của Huyện ủy Cẩm Giàng về tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tặng quyền sử dụng đất (hiến đất) để mở rộng đường giao thông trên địa bàn. Vì nguồn lực địa phương không thể bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng, nên những tuyến đường nào người dân tự nguyện tháo dỡ công trình, tự giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu về chiều rộng mặt đường sẽ được huyện đầu tư xây dựng.
Sau hơn 1 năm thực hiện, toàn huyện đã huy động được hàng nghìn hộ dân hiến tổng số gần 20.000 m2 đất. Các xã, thị trấn đã triển khai thi công 40 tuyến đường với tổng chiều dài 40 km.
Năm 2018, Cẩm Giàng là huyện thứ 2 của tỉnh Hải Dương về đích nông thôn mới. Hiện 5/15 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã khác đã đạt nông thôn mới nâng cao. Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, huyện đang tự tin tăng tốc phấn đấu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.
Ông Trần Văn Quyết, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: “Thực tế khi thực hiện các chủ trương, công việc lớn ở địa phương cho thấy nguồn lực vật chất và sự đồng thuận của nhân dân có vai trò quyết định. Nếu biết khơi dậy, phát huy phù hợp và kịp thời theo đúng phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng sẽ tạo nên sức mạnh vững chắc để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ”.
Ở Ninh Giang, một việc rất khó cũng đã được địa phương hoàn thành vào tháng 8/2024 nhờ có sự đồng thuận, hợp tác của người dân. Tuyến kênh Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ có tổng chiều dài 14,2 km nhưng có tới 156 cây cầu và 24 lều quán do người dân tự ý xây dựng trái phép ở 6 xã, đã tồn tại gần 30 năm.
Việc giải tỏa các công trình vi phạm để cải tạo, nâng cấp tuyến kênh và đường giao thông rất cần thiết nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm gia đình. Bởi hàng chục năm nay, các cây cầu bắc qua kênh ra đường tỉnh 396 đã giúp người dân kinh doanh thuận lợi, tạo nguồn thu nhập chính cho các hộ.
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương, với ý thức của người dân cùng vận động nhau chấp hành tháo gỡ công trình vi phạm đã giúp việc khó, phức tạp trở thành việc thuận lợi.
Xã Kiến Quốc có nhiều công trình vi phạm nhất với 93 cây cầu và 13 lều quán vi phạm nhưng lại là địa phương giải tỏa nhanh, không phải cưỡng chế trường hợp nào. Ông Bùi Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc cho biết: “Cùng với tự giác, đồng thuận chấp hành giải tỏa công trình vi phạm, người dân còn vận động nhau góp tiền của, công sức để nâng cấp, mở rộng đường đi phía sau nhà, sớm ổn định cuộc sống”.
Chưa thể thống kê hết những dẫn chứng sống động về sức mạnh “ý Đảng, lòng dân” và đong đếm hết được những đóng góp của người dân trong thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Thực tiễn ở các địa phương trong tỉnh Hải Dương cho thấy nếu huy động được nhân dân, việc khó đến mấy cũng trở thành dễ dàng, thành thành công, góp phần xây dựng, phát triển quê hương.
Hải Dương là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, từ năm 2019 đến nay, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 5.461,3 tỷ đồng và 987.000 ngày công, hiến 9.000 ha đất để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phong trào “giải phóng mặt bằng 0 đồng” để làm công trình công cộng có sức lan tỏa mạnh mẽ.