Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh

LTS: Ngày 31/12/2024, đồng chí NGUYỄN PHI LONG, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh. Báo Hòa Bình đăng toàn văn Nghị quyết này.

LTS: Ngày 31/12/2024, đồng chí NGUYỄN PHI LONG, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh. Báo Hòa Bình đăng toàn văn Nghị quyết này.

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW); Công văn số 22-CV/BCĐ, ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; xác định sau 07 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; việc rà soát, quy định chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; chưa xây dựng được Đề án tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội quần chúng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động… Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện; nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

2. Đảm bảo nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bảo đảm bám sát theo định hướng của Bộ Chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị.

3. Các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp thật tốt trong triển khai thực hiện.

4. Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất, tiếp tục sắp xếp. Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng

Duy trì hoạt động của 04 cơ quan, tham mưu giúp việc cấp ủy tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; 03 tổ chức chính trị xã hội (Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh).

1.1. Sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy

- Về tên gọi: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy.

- Về tổ chức bộ máy bên trong: Sáp nhập Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Văn phòng Ban Dân vận Tỉnh ủy; các phòng chuyên môn khác trước mắt chuyển cơ học nguyên trạng.

1.2. Kết thúc hoạt động của Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; lập 02 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh

1.2.1. Kết thúc hoạt động của 08 Đảng đoàn, 03 Ban Cán sự, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

1.2.2. Thành lập 02 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy

* Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể, Hội đồng nhân dân, Tư pháp cấp tỉnh gồm: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Bí thư.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.

- Về cơ cấu tổ chức, bộ máy: Chuyển nguyên trạng 25 tổ chức cơ sở đảng (08 đảng bộ và 17 chi bộ) với 622 đảng viên; 07 cơ sở Đoàn với 114 đoàn viên đang sinh hoạt đảng, sinh hoạt đoàn trong các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các hội quần chúng cấp tỉnh do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và Đoàn Luật sư tỉnh về Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể, Hội đồng nhân dân, Tư pháp cấp tỉnh.

Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể, Hội đồng nhân dân, Tư pháp cấp tỉnh dự kiến có 04 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc (Ban Tổ chức, cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo - Dân vận, Văn phòng); 01 tổ chức đoàn thể (Đoàn thanh niên).

- Về biên chế: Căn cứ Quy định của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định số lượng biên chế của đảng bộ trong tổng biên chế của tỉnh được giao năm 2024.

* Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh có Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Bí thư

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.

- Về cơ cấu tổ chức, bộ máy: Chuyển nguyên trạng 44 tổ chức cơ sở đảng (36 đảng bộ và 08 chi bộ) với 3.809 đảng viên; 40 cơ sở Đoàn với 2.301 đoàn viên đang sinh hoạt đảng, sinh hoạt đoàn trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước về Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh.

Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh dự kiến có 04 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc (Ban Tổ chức, cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo - Dân vận, Văn phòng); 01 tổ chức đoàn thể (Đoàn thanh niên).

- Về biên chế: Căn cứ Quy định của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định số lượng biên chế của đảng bộ trong tổng biên chế của tỉnh được giao năm 2024.

1.3. Sắp xếp tổ chức, bộ máy bên trong của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

1.3.1. Liên đoàn Lao động tỉnh

Giải thể 03 công đoàn ngành (Công đoàn Viên chức, Công đoàn ngành Công thương, Công đoàn ngành Giáo dục); thành lập mới 02 tổ chức công đoàn Khối Đảng và Khối Chính quyền trực thuộc Liên đoàn lao động tỉnh; Giảm 01 Ban chuyên môn.

1.3.2. Hội Nông dân tỉnh

Giải thể Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, chuyển nhiệm vụ về Văn phòng và các Ban trực thuộc Hội Nông dân tỉnh.

2. Đối với các sở, ngành, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Duy trì hoạt động của 06 sở, ngành và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch, Ban Quản lý xây dựng công trình giao thông).

2.1. Hợp nhất một số sở, ban, ngành và tương đương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

(1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính

- Về tên gọi: Sở Kinh tế - Tài chính.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.

- Về tổ chức bộ máy bên trong: (i) Hợp nhất Văn phòng và Thanh tra Sở; (ii) Giải thể phòng Tin học và thống kê thuộc Sở Tài chính; (iii) Hợp nhất phòng Khoa giáo văn xã và phòng Kinh tế ngành thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; (iv) Hợp nhất phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính.

(2) Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng

- Về tên gọi: Sở Xây dựng và Giao thông.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.

- Về tổ chức bộ máy bên trong:

+ Đối với các phòng chuyên môn: (i) Hợp nhất Văn phòng và Thanh tra Sở; (ii) Giải thể phòng Pháp chế - An toàn thuộc Sở Giao thông vận tải, chuyển nhiệm vụ Pháp chế về Văn phòng, nhiệm vụ An toàn về Thanh tra Sở; (iii) Hợp nhất phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải và phòng Quản lý Xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phòng Quản lý chất lượng công trình; (iv) Thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa Hòa Bình.

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp: (i) Kết thúc hoạt động của Trạm Kiểm tra trọng tải xe lưu động trên đường bộ; (ii) Hợp nhất Trung tâm đào tạo lái xe hạng A1 và Trung tâm Đăng kiểm phương tiện xe cơ giới thuộc Sở Giao thông vận tải; (iii) Hợp nhất Trung tâm Tư vấn, giám sát các công trình giao thông thuộc Sở Giao thông và Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành Trung tâm Tư vấn giám sát và kiểm định chất lượng công trình.

(3) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ

- Về tên gọi: Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.

- Về tổ chức bộ máy bên trong: (i) Hợp nhất Văn phòng và Thanh tra Sở. (ii) Giải thể Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thành lập mới Phòng tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

(4) Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Về tên gọi: Sở Nông nghiệp và Môi trường.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Về tổ chức bộ máy bên trong:

+ Đối với các phòng chuyên môn: (i) Hợp nhất Văn phòng và Thanh tra Sở; (ii) Hợp nhất phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và phòng Quản lý xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào Chi cục Thủy lợi và đổi tên thành Chi cục quản lý tài nguyên nước và thủy lợi.

+ Đối với các Chi cục trực thuộc: (i) Chuyển Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đà về Chi cục Kiểm lâm và đổi tên thành Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm; (ii) Hợp nhất Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Chi cục Thủy sản thành Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản.

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc: (i) Chuyển Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường về Trung tâm Phát triển quỹ đất và Giải phóng mặt bằng tỉnh (thành lập mới); (ii) Hợp nhất Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường và Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thành Trung tâm nước sạch nông thôn và Quan trắc tài nguyên môi trường.

(5) Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ

- Về tên gọi: Sở Nội vụ và Lao động.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Sở Nội vụ và Lao động thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ (trừ công tác Tôn giáo) và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.

- Về tổ chức bộ máy bên trong:

+ Đối với các phòng chuyên môn: (i) Sáp nhập Phòng Tổ chức biên chế và Phòng Công chức, viên chức thuộc Sở Nội vụ; (ii) Chuyển chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc tỉnh; (iii) Giải thể Ban Thi đua - Khen thưởng và thành lập Phòng Thi đua - Khen thưởng; (iv) Sáp nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính và Phòng Người có công (hiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); (v) Tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Phòng Lao động việc làm (hiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); (vi) Chuyển chức năng, nhiệm vụ Bình đẳng giới của Phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (hiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về phòng Xây dựng chính quyền và Công tác Thanh niên.

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp: Tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ 02 đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Dịch vụ việc làm Hòa Bình và Trung tâm Điều dưỡng người có công Kim Bôi.

(6) Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp

- Về tên gọi: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng.

- Về chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

2.2. Sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dan tỉnh

(1) Sở Y tế

Tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cụ thể:

- Tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ Bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; một phần chức năng, nhiệm vụ từ phòng Bảo trợ xã hội và tiếp nhận toàn bộ chức năng nhiệm vụ Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, để thành lập 01 phòng chuyên môn.

- Tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy 03 đơn vị sự nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và xã hội: Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em; Cơ sở cai nghiện ma túy số 1; Cơ sở cai nghiện ma túy số 2.

(2) Sở Giáo dục và Đào tạo

Tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cụ thể:

- Tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Phòng Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về Phòng Giáo dục chính trị tư tưởng và Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy 03 đơn vị sự nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình; Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hòa Bình; Trường Cao đẳng nghề Sông Đà (dự kiến).

(3) Ban Dân tộc tỉnh

- Đổi tên thành Ban Dân tộc -Tôn giáo.

- Tiếp nhận chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ.

- Tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo từ phòng Bảo trợ xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phòng Chính sách dân tộc và dự kiến đổi tên thành phòng Chính sách dân tộc và giảm nghèo.

(4) Sở Công thương

Tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương.

(5) Thanh tra tỉnh

Tổ chức lại 03 Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thành 02 phòng: Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại và Phòng Thanh tra giải quyết tố cáo.

(6) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hợp nhất Phòng Quản lý văn hóa và Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình.

(7) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Hợp nhất Phòng Tiếng Dân tộc và Phòng Văn nghệ giải trí thành Phòng Tiếng Dân tộc và Văn nghệ giải trí.

(8) Chuyển nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh về Sở Kinh tế - Tài chính.

(9) Chuyển nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về Sở Nông nghiệp và Môi trường.

2.3. Thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Giải phóng mặt bằng tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

3. Kết thúc hoạt động của Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, chuyển nhiệm vụ thực hiện lĩnh vực Dân tộc ở địa phương về Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Đối với các huyện, thành phố

Duy trì hoạt động của: 03 cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy huyện (Văn phòng huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy); Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện; 04 phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện).

4.1. Thực hiện sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Dân vận Huyện ủy.

4.2. Đối với các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện

(1) Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ

- Về chức năng nhiệm vụ: tiếp nhận chức năng nhiệm vụ của Phòng Nội vụ (trừ công tác Tôn giáo) và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội như hiện nay.

(2) Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (đối với thành phố và huyện Lương Sơn), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (đối với các huyện còn lại) như hiện nay.

(3) Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khóa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (đối với thành phố và huyện Lương Sơn), phòng Kinh tế và Hạ tầng (đối với huyện còn lại).

(4) Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng nhiệm vụ về nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (đối với thành phố và huyện Lương Sơn).

(5) Giữ nguyên Phòng Y tế đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình; Đối với các huyện đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

(6) Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

(7) Phòng Dân tộc tiếp nhận chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo từ phòng Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; đổi tên phòng thành Dân tộc - Tôn giáo.

5. Duy trì hoạt động của 13 Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ như hiện nay.

6. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo việc rà soát, đề xuất thực hiện sáp nhập Công ty TNHH MTV Cao Phong, Công ty TNHH 2-9 và Công ty TNHH MTV Thanh Hà thành 01 Công ty; đánh giá, rà soát, đề xuất việc cơ cấu lại hoạt động của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết và Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi.

7. Đối với hoạt động của các Ban Chỉ đạo

- Kết thúc hoạt động của 10 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cụ thể: (1) Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình; (2) Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; (3) Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tỉnh Hòa Bình; (4) Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh; (5) Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025; (6) Ban Công tác người khuyết tật tỉnh Hòa Bình; (7) Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” tỉnh Hòa Bình; (8) Ban Chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; (9) Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2030; (10) Ban Chỉ đạo thực hiện chương tình bảo vệ trẻ em tỉnh.

- Hợp nhất Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Hòa Bình và Ban Chỉ đạo Phong trào Công tác Gia đình tỉnh Hòa Bình.

Các Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên cơ sở kết thúc hoạt động các Ban Chỉ đạo của tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả; chỉ giữ lại những Ban Chỉ đạo thật sự cần thiết và phù hợp, tương ứng với cấp tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ; bộ máy mới đi vào hoạt động được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc.

2- Các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thuộc diện sáp nhập, hợp nhất khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết.

3- Các huyện ủy, thành ủy trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án để thực hiện Nghị quyết ở cấp mình.

4- Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/197124/nghi-quyet-cua-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-ve-phuong-an-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-tinh.htm
Zalo