Nghị quyết 98 đã tập hợp được sức mạnh của báo chí TP.HCM

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, tháo gỡ cho các vấn đề mới trong Nghị quyết 98...

Ngày 25-9, tại Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), Khối thi đua 5 đã tổ chức hội thảo đẩy mạnh, đổi mới công tác thông thông tin, tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

 Toàn cảnh hội thảo của Khối thi đua 5. Ảnh: LÊ THOA

Toàn cảnh hội thảo của Khối thi đua 5. Ảnh: LÊ THOA

Cần sự chủ động của sở, ban, ngành

Phát biểu tại hội thảo, bằng kinh nghiệm truyền thông Nghị quyết 98, nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết điểm sáng lớn nhất của hoạt động truyền thông Nghị quyết 98 đó là sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và nhiều cơ quan báo chí trong cả ba giai đoạn trước, trong và sau khi nghị quyết được thông qua.

Từ đó đã tạo ra không khí sôi động, dân chủ, tạo ra sức lan tỏa rộng rãi để người dân, doanh nghiệp nắm bắt dòng thông tin chủ đạo và tầm quan trọng của Nghị quyết.

Trong đó, tại báo Pháp Luật TP.HCM, việc gỡ vướng các vấn đề pháp lý - chính sách cấp bách, cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, đặc biệt là Nghị quyết 98 là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của báo.

 Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông Nghị quyết 98. Ảnh: LÊ THOA

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông Nghị quyết 98. Ảnh: LÊ THOA

Tuy nhiên, Nhà báo Mai Ngọc Phước cũng nhìn nhận hoạt động truyền thông Nghị quyết 98 chưa có bất kỳ tổng kết, đánh giá nào một cách thuyết phục, được “thực nghiệm hóa” nhằm nắm bắt được hiệu quả của các chương trình truyền thông về Nghị quyết 98.

Ông dẫn chứng chưa có nghiên cứu nào đánh giá được nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về các chương trình truyền thông liên quan Nghị quyết 98 hay những hành động của chính quyền TP, của các sở, ban, ngành…

Cũng chưa có những nghiên cứu về tính hiệu quả trong việc truyền thông của các cơ quan báo chí, mạng xã hội. Rất cần các nghiên cứu đánh giá nhận thức, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đối với các chương trình hành động của TP xung quanh các nội dung của Nghị quyết 98 từ khi ban hành đến nay.

Bên cạnh đó, tính chủ động của một số sở, ban, ngành trong việc cung cấp thông tin cho báo chí còn chậm, nặng tính hành chính.

“Truyền thông các vấn đề về chính sách đòi hỏi phải kịp thời và ngôn ngữ dễ hiểu, trực diện thì nhiều sản phẩm báo chí về Nghị quyết 98 đến nay còn chung chung, độ trễ cao và nặng tính khẩu hiệu.

Các thông tin trực diện, đúng trọng tâm thường phải được các cơ quan chức năng suy tính rất lâu và xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm nên 'né' báo chí, nhất là khi giải quyết những bất cập, khó khăn liên quan Nghị quyết 98” – ông Mai Ngọc Phước nhận định.

Từ đó, báo Pháp Luật TP.HCM đề xuất chính quyền TP.HCM cần có các giải pháp nâng cao khả năng nhận thức và tính chủ động trong việc xây dựng giải pháp truyền thông chính sách nói chung và truyền thông Nghị quyết 98 nói riêng theo nguyên tắc “truyền thông dẫn dắt, dẫn đường cho việc xây dựng và thực thi, điều chỉnh chính sách”.

“Nói cách khác, truyền thông phải đi trước chính sách chứ không phải ngược lại” – ông Mai Ngọc Phước nhấn mạnh và đề xuất chính quyền TP.HCM nên nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Trong đó, cần nhận thức cơ quan báo chí không chỉ là bộ phận phổ biến, tuyên truyền chính sách mà quan trọng hơn là cầu nối để chính quyền đến gần với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, góp ý, phản biện… từ phía công chúng ngay trong giai đoạn xây dựng chính sách…

Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cho rằng từ định hướng của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT, cần có kế hoạch tuyên truyền Nghị quyết 98 hàng năm đối với từng cơ quan báo chí.

 Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, đề nghị các sở, ngành tăng cường trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: LÊ THOA

Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, đề nghị các sở, ngành tăng cường trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: LÊ THOA

Trong đó, các cơ quan, bám theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo, bám sát vào thực tế, từ thực tế để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong người dân nhưng cũng phản ánh được kết quả triển khai Nghị quyết 98. Đồng thời, chỉ ra vướng mắc khó khăn và giải pháp tháo gỡ…

Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cũng nhìn nhận có sự trì trệ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, cần phải cải thiện để thực hiện tốt Nghị quyết 98.

“Làm sao phải tăng cường ý thức trách nhiệm của sở, ban, ngành, đặc biệt là bộ phận có liên quan mấu chốt đến Nghị quyết 98 với những cải tiến về hành chính, có quyết tâm thực hiện…” – ông Trường nêu.

Cần có chủ đề để các báo cùng đồng loạt tuyên truyền

Trao đổi lại, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Hồi nhìn nhận ngoài tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết 98 thì cần tổng kết một năm tuyên truyền về Nghị quyết 98 của các cơ quan báo chí. Trong đó các cơ quan báo chí đã đóng góp ra sao, chuyển tải thông tin như thế nào để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Ông nhấn mạnh điều thấy rõ nhất trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết 98 là đã tập trung được sức mạnh báo chí. “Tất cả cơ quan báo chí được tập hợp lại, phát huy sức mạnh tuyên truyền từ khi thay đổi từ Nghị quyết 54/2017 sang Nghị quyết 98/2023” – ông nói.

 Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi mong muốn có các chủ đề để các báo đồng loạt tuyên truyền. Ảnh: LÊ THOA

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi mong muốn có các chủ đề để các báo đồng loạt tuyên truyền. Ảnh: LÊ THOA

Đối với công tác phối hợp giữa sở, ngành và báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hồi nhìn nhận “hai bên là hai phòng thủ”. Để tạo sự gắn kết, ông cho biết Sở TT&TT sẽ tăng cường tiếp cận giữa hai cơ quan này.

“Ví dụ thông tin về bảng giá đất, Sở TN&MT cũng phòng thủ khá vững chắc nhưng sau khi kết nối, đối thoại, thấy hai bên hiểu nhau nhiều hơn và gần đây Sở này đưa ra rất nhiều thông tin cho báo chí” – ông Hồi nói và đề nghị các cơ quan báo chí có thể đề xuất được kết nối thông tin với từng sở, ngành cụ thể.

Phó Giám đốc Sở TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, tháo gỡ cho các vấn đề mới như mô hình TOD, phát triển công nghiệp văn hóa, cơ chế thu hút vốn, xử lý tài sản công…

Thời gian tới, để phát huy việc tuyên truyền Nghị quyết 98, TP cần đặt chủ đề để tất cả cơ quan báo chí cùng đồng loạt tuyên truyền, gỡ khó cho các vấn đề mới nêu trên. Từ đó tạo luồng dư luận thông tin mạnh mẽ, tác động đến các ngành, kể cả đến Trung ương.

Chỉ trong năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải hàng chục loạt bài trọng điểm, chuyên sâu, có hàm lượng tham mưu và tính tuyên truyền cao, góp ý chi tiết, cụ thể cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 98 trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Đồng thời phản ánh sự quyết liệt của Chính phủ, chính quyền TP.HCM trong việc đưa Nghị quyết 98 nhanh chóng vào cuộc sống.

Ngoài ra, báo cũng có hàng trăm tin bài thời sự, cập nhật các hoạt động của lãnh đạo TP, sự chuyển động của đời sống kinh tế - xã hội, người dân, doanh nghiệp sau khi Nghị quyết 98 được ban hành...

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-98-da-tap-hop-duoc-suc-manh-cua-bao-chi-tphcm-post811849.html
Zalo