Nghị quyết 66-NQ/TW - Ðột phá của đột phá

Ngày 30-4-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây không chỉ là đột phá của đột phá chiến lược trong xây dựng và thực thi pháp luật mà còn là sự khẳng định nỗ lực cải cách quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua. Cụ thể, một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Cùng với đó là chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn và còn những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư; đồng thời việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh, thủ tục hành chính còn rườm rà. Đặc biệt, việc tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, chậm ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới...

Để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường, trước hết công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Chính vì vậy, nghị quyết đã đề ra nhiều định hướng cải cách lớn, trong đó nổi bật là tư duy đổi mới toàn diện về cách xây dựng và thực thi pháp luật. Trong nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh, xây dựng và thi hành pháp luật là khâu “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển, đồng thời quán triệt thực hiện tốt nhiều nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách. Song song đó, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN; sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần được phát huy tốt trong xây dựng và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số.

Điểm đặc biệt quan trọng trong nghị quyết là Bộ Chính trị khẳng định: Việc Nhà nước đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển, trong đó phải tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Từ quan điểm này, Bộ Chính trị yêu cầu phải xác định rõ nguồn lực để đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này cần được ưu tiên để đảm bảo chất lượng xây dựng pháp luật.

Với tầm nhìn thời đại, Nghị quyết 66-NQ/TW thực sự là bước đột phá cả về tư duy và chiến lược. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên phải có bước đột phá nhanh, mạnh, hiệu quả về hành động để nghị quyết thực sự là động lực và là cơ hội để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/172381/nghi-quyet-66-nq-tw-dot-pha-cua-dot-pha
Zalo