Nghị quyết 57 mở đường cho kỷ nguyên mới của đất nước

Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57 của trung ương, một Nghị quyết của Quốc hội đang được xem xét, thông qua được cho sẽ mở đường cho kỷ nguyên mới của đất nước.

Ngày 15/2, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Nghị quyết). Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tại phiên họp toàn thể ở hội trường vào sáng ngày 15/2. Ảnh: QH

Các đại biểu tại phiên họp toàn thể ở hội trường vào sáng ngày 15/2. Ảnh: QH

Trong phiên thảo luận tại tổ vào sáng ngày 15/2 các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải ban hành Nghị quyết, điều này sẽ giúp “cởi trói” cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam.

Hai năm để ra một Quyết định giao nhiệm vụ khoa học

Trong phiên thảo luận tại tổ diễn ra vào sáng ngày 15/2, đại biểu Lê Tiến Châu – Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng chia sẻ: Khi tôi về Mặt trận Tổ quốc tôi cũng hăm hở lắm. Tôi đăng ký một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia là mục tiêu phục vụ cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và góp phần giải mã một phần trong Nghị quyết Đại hội XIII. Tôi mong trong khoảng ba tháng là xong phần thuyết minh và được duyệt, cuối cùng tôi khởi động hơn một năm khi chuẩn bị được phê duyệt thì tôi được điều xuống Hải Phòng. Sau này được anh em ở Mặt trận Tổ quốc báo là hai năm mới ra được Quyết định để giao nhiệm vụ nghiên cứu.

Đại biểu Lê Tiến Châu- Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Đại biểu Lê Tiến Châu- Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Tôi thấy riêng thủ tục đó là một điểm nghẽn vô cùng lớn, đó mới là điểm nghẽn ban đầu, còn quá trình xây dựng thuyết minh, anh em mới đề nghị đưa một chuyên gia về tài chính vào trong Ban Chủ nhiệm đề tài chỉ để thực hiện các thủ tục về tài chính thanh toán và đồng chí này cuối cùng lại là quan trọng nhất”- đại biểu cho biết.

Đại biểu Lê Tiến Châu khẳng định, mặc dù Luật Khoa học, công nghệ đã mở ra một bước là cho khoán đối với các nhà khoa học nhưng còn nhiều điểm nghẽn. Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị sau Nghị quyết thí điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải cụ thể hóa tiếp để có thể thực hiện nếu không vẫn tiếp tục nghẽn.

Cần có chính sách thu hút “người tài”

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết TSKH Phan Xuân Dũng – đoàn Ninh Thuận đề nghị cần có chính sách thu hút các nhà khoa học, người tài tham gia vào thực hiện các chương trình khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu lấy dẫn chứng thời kỳ đầu xây dựng đất nước và những thời kỳ khó khăn của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời những chuyên gia giỏi nhất là người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước như Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Bùi Huy Đáp…

TSKH. Phan Xuân Dũng - Đoàn Ninh Thuận

TSKH. Phan Xuân Dũng - Đoàn Ninh Thuận

Bác Trần Đại Nghĩa làm nên vũ khí không phải bác viết đề cương đâu, bác cần gì thì Đảng cung cấp việc đấy, để làm sao tạo nên vũ khí tốt nhất cho chúng ta chiến thắng Đế quốc Pháp. Giáo sư Bùi Huy Đáp, Giáo sư Tôn Thất Tùng và các giáo sư khác trong hoàn cảnh đất nước thời điểm ấy cần gì để đáp ứng với yêu cầu của cách mạng thì Đảng và Nhà nước làm”- TSKH Phan Xuân Dũng chia sẻ.

Do vậy đại biểu đề nghị, nên có một cơ chế đặc biệt giao quyền cho Chính phủ hoặc các cơ quan có thẩm quyền, những người có quyền được giao nhiệm vụ trực tiếp mời giao quyền cho những nhà khoa học trong nước và quốc tế để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của đất nước, những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia hiện tại và tương lai.

Chúng ta cần có cách làm mới để tạo đột phá đặc biệt cho đất nước đất nước từ đó, đất nước mới có thể phát triển hai con số trong thời gian sắp tới”- TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Nghị quyết là “khoán 10” trong khoa học công nghệ

Theo GS Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, lần đầu tiên chúng ta đưa ra một Nghị quyết rất mạnh, nhiều nhà khoa học coi đây là "khoán 10” trong hoạt động khoa học, công nghệ. Nếu thực hiện, nó sẽ tạo ra đột phá trong phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đánh giá cao nhiều giải pháp “đột phá” tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số như: Cơ chế quỹ, thương mại hóa và đầu tư mạo hiểm; cơ chế tự chủ, chế thầu, nguyên tắc khoán chi… tuy nhiên đại biểu đề xuất trong quản lý quỹ để chi thì Chính phủ cần có một hướng dẫn, một quy định cụ thể để cho các tổ chức khi quản lý quỹ phải chi đảm bảo đạt được yêu cầu đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bên cạnh đó đại biểu cũng thống nhất cho chỉ định thầu, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần xem xét về trách nhiệm của chỉ định thầu. “Vì chúng ta thực hiện quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật và kiểm soát quyền lực trong các nội dung đầu tư công, đấu thầu v.v thì chúng ta cũng phải rõ ràng, minh bạch trong chỉ định thầu”- đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu.

Nghị quyết 57- Con đường ngắn nhất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ vào chiều ngày 14/2 và sáng ngày 15/2, đại biểu Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đánh giá: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để chúng ta đưa đất nước tới một tương lai tươi sáng hơn, bước vào kỷ nguyên mới.

"Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới họ đều đi theo hướng này và điển hình là Trung Quốc. Trung Quốc phát triển trong 40 năm bằng các quốc gia khác phát triển chừng 100 năm. Họ đi rất nhanh bằng khoa học, công nghệ”- đại biểu khẳng định.

Đại biểu Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, đoàn TP. Hải Phòng

Đại biểu Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, đoàn TP. Hải Phòng

Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết: Nghị quyết 57 có rất nhiều nội dung mới. Thứ nhất, mạch lạc về ý tứ; Thứ hai, có những chỉ tiêu cụ thể; Thứ ba là giao nhiệm vụ rất xác đáng cho đối tượng cụ thể chứ không nói chung chung.

"Đó là những điểm mà chúng tôi ghi nhận được qua ý kiến phản hồi của các chuyên gia, cơ quan liên quan. Việc chúng ta cần làm là có một hành lang pháp lý để thực hiện. Vì sao nó gấp như vậy?xin thưa với mọi người nếu trong năm 2025, đặc biệt trong quý 1 năm nay, chúng ta không tháo gỡ một số cơ chế, nhất là cho việc chuyển đổi số, không tiêu tiền được thì tất cả các dự án liên quan đến chuyển đổi số đặc biệt là Đề án 06 sẽ bị tắc hết. Lần này Chính phủ trình có mở rộng một số lĩnh vực khác liên quan đến khoa học, công nghệ, một số cơ chế đặc thù mới - như là thử nghiệm có kiểm soát; Chấp nhận rủi ro và không truy cứu trách nhiệm của những người mà do nguyên nhân khách quan làm ra”- đại biểu Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Đồng thời, đại biểu cũng lưu ý, muốn Nghị quyết có thể thực hiện ngay thì phải giải quyết được 2 vấn đề: Phải quy định rõ thẩm quyền và phạm vi trách nhiệm; đồng thời khi Nghị quyết được ban hành chắc chắn sẽ xung đột về pháp lý với những luật đang có sẵn thậm chí những luật đang trong quá trình tiến hành sửa. “Nghị quyết được ban hành để giải quyết những vướng mắc của các luật khác nên đề nghị cần quy định rõ "những nội dung trùng với dự thảo Nghị quyết này thì phải thực hiện theo Nghị quyết" để các cấp, cá nhân an tâm thực hiện”- đại biểu đề nghị.

Dự thảo Nghị quyết gồm có 4 chương và 19 Điều, với 2 nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó đáng chủ ý, dự thảo Nghị quyết quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-57-mo-duong-cho-ky-nguyen-moi-cua-dat-nuoc-374068.html
Zalo