Nghị quyết 57: Mở đường cho khoa học, công nghệ và kinh tế số

Nghị quyết 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ và kinh tế số là đột phá chiến lược, tạo xung lực mới cho tăng trưởng nhanh, bền vững và tự chủ công nghệ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nêu rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thùy Dương, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thời điểm vàng để bứt phá

- Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, theo bà, vì sao đây được coi là thời điểm cấp thiết "thời điểm vàng" để ban hành một Nghị quyết tầm vóc như vậy?

TS. Lê Thùy Dương: Theo tôi, việc ban hành Nghị quyết 57 là hoàn toàn đúng thời điểm và mang tính chiến lược dài hạn. Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nơi tốc độ, năng lực thích ứng và sáng tạo sẽ quyết định vị thế quốc gia. Trên thế giới, đổi mới sáng tạo và công nghệ đang trở thành quyền lực mới, là yếu tố chi phối năng suất, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh quốc gia.

TS. Lê Thùy Dương, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Tuấn

TS. Lê Thùy Dương, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Tuấn

Việt Nam dù đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này, nhưng vẫn đứng trước nghịch lý khi nhu cầu đổi mới rất lớn nhưng thể chế, nguồn lực và tư duy triển khai chưa thật sự theo kịp. Vì vậy, Nghị quyết 57 không chỉ đặt ra mục tiêu, mà còn khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là muốn phát triển bền vững, phải dựa vào nội lực, mà nội lực ấy chính là chất xám, sáng tạo và công nghệ. Đây là lời hiệu triệu cho toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, trí thức, giới trẻ cùng vào cuộc với tinh thần mới, hành động mới.

- Với mục tiêu quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP vào năm 2030, theo bà, Việt Nam cần ưu tiên gì để tạo đột phá ngắn hạn và dài hạn?

TS. Lê Thùy Dương: Muốn đạt được mục tiêu kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP vào năm 2023, Việt Nam phải vừa chạy nhanh trong những lĩnh vực đã có nền tảng, vừa mở đường ở các lĩnh vực chiến lược tương lai.

Theo tôi, trong ngắn hạn, sẽ có 3 lĩnh vực cần ưu tiên:

Một là Chính phủ số, đặc biệt là dữ liệu mở và dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Hai là ngân hàng, tài chính số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và tài chính toàn diện.

Ba là thương mại điện tử, logistics thông minh, lĩnh vực này Việt Nam có tiềm năng và lượng người dùng lớn.

Ngoài ra, về dài hạn, 3 trụ cột nên đầu tư mạnh là:

Thứ nhất, công nghiệp số và sản xuất thông minh với dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT) khi đó robot sẽ định hình lại cách thức sản xuất, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất.

Thứ hai, kinh tế số từ giáo dục, y tế đến du lịch, văn hóa, sáng tạo.

Thứ ba, công nghệ số lõi với phát triển các doanh nghiệp công nghệ làm chủ hạ tầng số, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain, bảo mật thông tin…

Quan trọng nhất, mọi lĩnh vực đều cần đặt dữ liệu làm tài sản chiến lược và xây dựng chính sách chia sẻ cũng như khai thác dữ liệu một cách công bằng, an toàn.

Thiết kế hệ sinh thái nhân tài

- Đào tạo nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài là một trụ cột, theo bà, làm sao để Việt Nam thu hút và giữ chân nhân tài trong bối cảnh chảy máu chất xám và cạnh tranh toàn cầu?

TS. Lê Thùy Dương: Giữ chân nhân tài không chỉ bằng tiền lương, mà bằng cơ hội sáng tạo, được tôn trọng và một hệ sinh thái thúc đẩy thành tựu cá nhân gắn với lợi ích quốc gia. Chúng ta cần một tư duy mới với nhân tài không phải được ban phát mà phải được thiết kế môi trường để bứt phá.

Theo tôi, thứ nhất, phải cải cách cơ chế trọng dụng, trao quyền tự chủ thực chất cho các viện nghiên cứu, trường đại học và phòng nghiên cứu & phát triển doanh nghiệp. Nhân tài cần có không gian thử nghiệm và dẫn dắt.

Thứ hai, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là những người trẻ có năng lực công nghệ nhưng thiếu vốn, thiếu kết nối. Họ cần được hỗ trợ bằng chính sách vườn ươm từ Nhà nước đến các quỹ đầu tư tư nhân.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu. Ảnh minh họa

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu. Ảnh minh họa

Thứ ba, cần thúc đẩy hệ sinh thái nhân tài toàn cầu trong đó thu hút chuyên gia Việt kiều, người nước ngoài đến làm việc và cộng tác trong các dự án quốc gia trọng điểm, đồng thời xuất khẩu nhân lực chất lượng cao có kiểm soát để họ quay trở lại đóng góp.

Vấn đề then chốt vẫn là cải thiện môi trường làm việc, tránh cơ chế xin cho, xé rào, nặng hình thức mà thiếu thực chất.

- Từ góc nhìn của mình, bà kỳ vọng gì vào chuyển biến thực tiễn sau khi Nghị quyết 57 được thể chế hóa và điều gì là mấu chốt để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?

TS. Lê Thùy Dương: Tôi kỳ vọng Nghị quyết 57 không dừng lại ở việc truyền cảm hứng hay khẳng định quyết tâm chính trị, mà sẽ thực sự chuyển hóa thành những chính sách cụ thể, hành động cụ thể, ngân sách cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.

Cần có các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghệ, đổi mới, chuyển đổi số, tương tự như các chương trình xóa đói giảm nghèo hay nông thôn mới trước đây. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải có KPI riêng về khoa học và công nghệ, được giám sát công khai.

Điểm mấu chốt, theo tôi, nằm ở sự nhất quán trong điều hành, phải gỡ bỏ tư duy quản lý kiểu “xin, cấp”, chuyển sang mô hình “đặt hàng, đánh giá, hậu kiểm” và trao quyền mạnh mẽ hơn cho các chủ thể thực hiện, đặc biệt là khối tư nhân và startup.

Nếu làm được, Nghị quyết 57 sẽ không chỉ là một bản định hướng, mà sẽ là kim chỉ nam để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đổi mới công nghệ, số hóa, hội nhập toàn diện, sánh vai cùng các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nghị quyết 57-NQ/TW nêu rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-57-mo-duong-cho-khoa-hoc-cong-nghe-va-kinh-te-so-388926.html
Zalo