Nghị quyết 57 - Luồng sinh khí mới để phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem như một bước đột phá tư duy mang tầm vóc thời đại, đem lại luồng sinh khí mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới của đất nước. Đây không chỉ là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng mà còn là yếu tố quyết định giúp Việt Nam vươn lên vị thế mới trên trường quốc tế.
![Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_17_578_51267064/4af65853971c7e42270d.jpg)
Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh tư liệu
Bước đột phá về tư duy phát triển khoa học công nghệ
Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Tinh thần "Khoán 10" trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới.
Với Nghị quyết 57, có thể xem như đây là "Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học" ,"Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết", "Nghị quyết của hành động" với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.
Điểm mới đột phá của Nghị quyết 57 là đã thể hiện được những nhận thức, những quan điểm mới của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ví dụ như quan điểm đầu tư cho khoa học công nghệ được xác định là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn. Đã đầu tư lâu dài là chấp nhận rủi ro, chấp nhận độ trễ, không phải đầu tư xong là thu hồi vốn được ngay. Đây là vấn đề rất mới, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số.
Một quan điểm quan trọng khác của Nghị quyết là xác định đầu tư cho khoa học công nghệ là bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, để đưa Việt Nam thành đất nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; thành đất nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Hay những quan điểm liên quan tới việc thúc đẩy hợp tác công - tư, hợp tác giữa trường Đại học, viện nghiên cứu công lập với doanh nghiệp; kêu gọi các nguồn lực, giải phóng nguồn lực đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp cho hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng nghiên cứu phát triển…
Một quan điểm khác nữa theo kịp thời đại hiện nay là coi dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là nguồn tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, là để đổi mới lực lượng sản xuất.
Kim chỉ nam cho sự phát triển
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Từ những quan điểm và cách tiếp cận mới, Nghị quyết 57 đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp với cách tiếp cận toàn diện, bao trùm, gồm cả những yếu tố nền tảng và yếu tố đột phá.
Theo Tiến sỹ khoa học Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để đạt được hiệu quả thực chất, các giải pháp đã đề ra phải được triển khai đồng bộ và quyết liệt
Đảng và Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích phù hợp, từ chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo đến tạo môi trường làm việc năng động, để thu hút và giữ chân tài năng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế và kết nối quốc tế sẽ là động lực giúp doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn thấp, dẫn đến nhiều hạn chế trong phát triển hạ tầng, nghiên cứu cơ bản và công nghệ ứng dụng; cần quyết tâm chi ngân sách cho khoa học và công nghệ ở mức tối thiểu 3% GDP như Nghị quyết 57 đã đề ra.
“Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học” - Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải nhận định.
ÔNG BÙI THẾ DUY - THỨ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ: Nghị quyết có tính hành động rất cao
Rất nhiều quan điểm mới đã được thể hiện trong Nghị quyết 57. Nhưng điều khiến giới khoa học công nghệ vui mừng đón nhận ở Nghị quyết hơn cả chính là tính hành động của nghị quyết rất cao. Tính hành động đó thể hiện ở các yêu cầu rà soát, tái cơ cấu hệ thống, tổ chức khoa học công nghệ công lập; sáp nhập giải thể những tổ chức yếu kém, hoạt động chưa hiệu quả, để đầu tư có trọng tâm trọng điểm.
Điểm nhấn trong tính hành động của Nghị quyết 57 là yêu cầu xây dựng và triển khai công nghệ chiến lược, ở các yêu cầu liên quan tới phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, phủ sóng 5G, phát triển công nghệ về trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật)... Tính hành động của Nghị quyết 57 rất rõ ràng, rất quyết liệt.
Nghị quyết 57 có ý nghĩa như một lời hiệu triệu tất cả các lực lượng, từ cán bộ quản lý nhà nước đến nhà khoa học, những người làm về công nghệ, đến doanh nghiệp… đều phải tự nhìn nhận lại mình, phải tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
TS. LÊ QUANG HUY - CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI: Đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh
Nghị quyết 57 là Nghị quyết mang tầm vóc thời đại, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chiến lược, cách mạng, đồng thời là tiền đề để phát hiện những điều mới, khí thế mới, sung lực mới, tạo động lực cho toàn dân tộc chung tay góp sức đưa đất nước phát triển trong khát vọng kỷ nguyên mới.
Một trong những điều nổi bật của Nghị quyết 57 khi khẳng định rõ thể chế pháp luật là điều kiện tiên quyết và phải đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để làm được điều này, cần khẩn trương hoàn thiện, đi trước một bước nhằm khơi thông, tháo gỡ các việc khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực, tinh thần, trí tuệ của cả nước để thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Do đó, một trong những nhiệm vụ then chốt hiện nay là phải rà soát và sửa đổi, bổ sung, đồng bộ tất cả các quy định pháp luật có liên quan. Không chỉ các luật liên quan trực tiếp đến khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, mà còn cần điều chỉnh pháp luật về đầu tư, tài chính, mua sắm công, tổ chức bộ máy và các lĩnh vực liên quan khác.