Nghị quyết 57 là cơ hội có một không hai với các nhà khoa học
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết số 57 và cùng với chính sách mới được Quốc hội ban hành sẽ là cơ hội có một không hai với các nhà khoa học. Đó là minh chứng cho niềm tin của Đảng, Nhà nước với các nhà khoa học; tạo cơ chế thông thoáng để các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nghị quyết số 57 -NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ban hành cuối năm 2024 đã nhận được những tín hiệu tích cực từ các nhà khoa học, người dân. Vậy để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống theo ông, điều kiện cần là gì?
Có lẽ, chưa bao giờ việc triển khai Nghị quyết của Đảng diễn ra khẩn trương, nhanh chóng như thế. Ngay sau khi Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết số 57, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 57. Bộ chính trị cũng thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tiếp đó, ngày 13/1/2025, Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/2/2025, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị quyết số 57 và cho biết, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quốc hội cũng đã nhanh chóng xây dựng Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này đã được bấm nút thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Như vậy, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã vào cuộc hết sức khẩn trương. Đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, các trường đại học, các nhà khoa học phải nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm là “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông đánh giá ý nghĩa và tác động của chính sách này trong thời gian tới như thế nào?
Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được triển khai trong thời gian rất ngắn. Mặc dù có thể chưa bao phủ hết nội dung mà các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ mong muốn nhưng tôi cho rằng, Nghị quyết này đã đề cập đến những vấn đề mấu chốt, những thách thức, rào cản lớn nhất đối với các nhà khoa học và các tổ chức khoa học. Cụ thể:
Về vấn đề tự chủ, Nghị quyết đã trao quyền tự chủ rất cao cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ.
Về ngân sách, Nghị quyết đã đề cập đến việc chi cho khoa học công nghệ thông qua các quỹ và khoán đến các sản phẩm cuối cùng. Các nhà khoa học sẽ không còn phải lo thủ tục giấy tờ để thanh quyết toán đề tài. Đây là sự khác biệt lớn so với trước đây.
Về việc sở hữu các kết quả nghiên cứu, nhà khoa học được tham gia góp vốn, mở doanh nghiêp bằng các kết quả nghiên cứu của mình hoặc; Nghị quyết cũng xác định rõ quyền chủ sở hữu của các tổ chức khoa học công nghệ nơi các nhà khoa học làm việc.
Có thể nói, Nghị quyết đã giải quyết, tháo gỡ những điểm khó khăn nhất để nhà khoa học có đủ không gian để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học của mình mà không bị chi phối bởi các hoạt động không liên quan đến khoa học.
Với thời gian ngắn như vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, của Quốc hội, Nghị quyết đã được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: NVCC
Một trong những vấn đề được các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm nhất chính khơi thông nguồn lực về tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ. Ông nêu rõ những tháo gỡ này là gì?
Với chính sách mới ban hành, các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ hoặc tài trợ các hoạt động khoa học sẽ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Với Việt Nam, đây là sự đổi mới, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với các nhà khoa học có đề tài từ nguồn thu ngân sách Nhà nước, hoặc thông qua hợp đồng khoa học công nghệ từ ngân sách Nhà nước sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Điều này tạo động lực rất lớn cho các nhà khoa học, doanh nghiệp khi thực hiện nghiên cứu khoa học, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, trong Nghị quyết có chính sách hết sức quan trọng, được các nhà khoa học quan tâm, đó là cơ chế rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Việc Nghị quyết của Quốc hội đề cập đến rủi ro trong nghiên cứu khoa học là cách thể hiện niềm tin với các nhà khoa học. Niềm tin này hết sức quan trọng.
Các đề tài khoa học đều qua các quy trình thẩm định của các hội đồng chuyên môn, hội đồng tài chính và phải có ý kiến đồng thuận của các hội đồng này thì đề tài mới được triển khai. Làm khoa học nếu chúng ta biết trước được sản phẩm, rất khó gọi là khoa học. Khoa học đòi hỏi sự mạo hiểm, rủi ro mới khuyến khích được nhà khoa học nghiên cứu, phát minh ra được tri thức mới. Trong khoa học, không phải con đường nào cũng tới đích, có những lúc sai lầm và phải quay lại.
Vì vậy, việc tôn trọng, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là hết sức quan trọng, thúc đẩy sự sáng tạo của nhà khoa học, giúp họ dám nghĩ, dám làm. Do đó, đây là hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ các nhà khoa học, giúp họ dám đối đầu với cái mới, cái chưa từng có để tạo ra những tri thức mới. Nếu không chấp nhận rủi ro trong quá trình nghiên cứu thì nhà khoa học sẽ chọn vùng an toàn và khó tìm tòi được cái mới.
Quan điểm của ông trong việc triển khai Nghị quyết này một cách hiệu quả tại các Trường – Viện – Doanh nghiệp? Ông lấy ví dụ tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh?
Đây là cơ hội có một không hai với các nhà khoa học. Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có 1 điểm cầu. Điều tôi bất ngờ nhất chính là hội trường của Đại học với hơn 1.000 chỗ đã kín người ngồi. Nhiều thầy cô không phải là đảng viên cũng tham dự. Điều đó có nghĩa, Nghị quyết số 57 nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận và đồng tình rất cao từ các nhà khoa học.
Ngay sau đó, tôi cùng với các thành viên của Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai Nghị quyết này với một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thu hút các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành về công tác dài hạn hoặc ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng, đây là nguồn lực hết sức quan trọng, các thầy cô tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sinh viên tài năng có thêm những nhân tố mới, tạo cú hích để nâng cao năng lực nghiên cứu sáng tạo.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ban hành chương trình VNU350 để thu hút tuyển dụng các tiến sĩ trẻ về làm việc tại Đại học. Đến nay có 27 tiến sĩ trẻ trở về Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm việc, trong đó có 7 người tốt nghiệp một số trường đại học top 100 thế giới.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ban hành chương trình tuyển dụng hay còn gọi là mời Giáo sư thỉnh giảng. Đó là những người Việt Nam đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp, trường đại học hàng đầu thế giới. Thời gian làm việc trực tiếp tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong khoảng 10 ngày, còn lại các hoạt động nghiên cứu, đào tạo đều từ xa. Tôi cho rằng con người là yếu tố quyết định thành công trong việc triển khai nghị quyết này.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xác định 3 lĩnh vực đột phá trong đào tạo khi triển khai Nghị quyết 57. Trong hình là sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng xác định 3 lĩnh vực đột phá trong đào tạo:
Thứ nhất, Công nghệ sinh học và các ứng dụng liên quan như: Tế bào gốc, Hóa dược, Nông nghiệp. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang đầu tư một hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học có quy mô lớn.
Thứ hai, là lĩnh vực Công nghệ vi mạch bán dẫn. Chúng tôi xác định mục tiêu thuộc tốp đầu châu Á trong việc đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo lĩnh vực này. Với ngành Vi mạch bán dẫn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có truyền thống đào tạo. Các kỹ sư trong lĩnh vực thiết kế vi mạch làm trong các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng như kỹ sư người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, phần lớn đều tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Thứ ba,về đào tạo Trí tuệ nhân tạo. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mở chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo từ bậc Đại học đến Tiến sĩ và hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài như: NVIDIA, Intel và các tập đoàn công nghệ khác.
Về cơ chế chính sách, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng các hệ thống chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong quá trình thẩm định, xét duyệt và nghiệm thu đề tài. Các đề tài nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đều được công khai trên website của Đại học. Theo đó, thầy, cô nào làm tốt sẽ tiếp tục triển khai các đề tài tiếp theo, còn không thì thôi. Và tất cả xã hội đều có quyền giám sát các sản phẩm nghiên cứu của các thầy, cô tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Trân trọng cảm ơn ông!