Nghị lực và nghĩa tình của 'ông Xuyến thương binh' - Kỳ 2: Mãi là người lính Cụ Hồ
Dù sức khỏe hạn chế do mang trong mình các vết thương chiến tranh và tuổi đã cao, nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Vũ Văn Xuyến (thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) luôn cố gắng làm những việc có ích cho cộng đồng, quê hương, đặc biệt là quan tâm chăm lo cho những người yếu thế. Ông là tấm gương sáng về ý chí vượt khó và lòng nhân ái của người lính Cụ Hồ.
(Tiếp theo và hết)
Nỗ lực góp sức xây dựng quê hương
Nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi những mảnh nắng nhảy múa trên mặt đất, ông ngoại tôi chậm rãi kể: “Sau khi cái chân hồi phục và có thể đi lại được, ông được bầu làm Trưởng xóm, Bí thư Chi bộ, rồi trở thành Đảng ủy viên xã Đông Quang, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã".
Ông tôi tự hào nhớ lại những ngày đầu, khi ông cùng với lãnh đạo Hợp tác xã Đông Quang nỗ lực mở mang nghề dệt bao đay ở địa phương. Mọi người cùng nhau huy động nguồn lực và máy móc để sản xuất bao bì, đưa sang Cuba, từ đó đổi lấy đường vàng cho quê hương. Mỗi thương binh như ông lúc bấy giờ đều nhận được 3 lạng đường mỗi tháng. Đó là niềm vui lớn của mọi nhà trong thời kỳ bao cấp.
Trong lịch sử làng nghề xã Đông Quang, ông ngoại tôi đã góp phần phát triển được khoảng 600 khung dệt cửi. Các khung dệt này lan rộng ra những xã bạn xung quanh, tạo thành một hệ thống vệ tinh gia công. Xã Đông Quang đóng vai trò dệt chính, cùng với các xã như Trọng Quan, Đông Xuân và Đông Hợp, đã nhận những sản phẩm dệt đay để khâu hoàn chỉnh thành bao bì. Mỗi khung dệt có từ 2 đến 3 lao động vận hành, giúp nhiều người dân có việc làm, góp phần cải thiện cuộc sống.
Nhờ nghề dệt phát triển mạnh trong thập niên 90 của thế kỷ trước, bộ mặt kinh tế của xã Đông Quang dần được cải thiện và tỉnh Thái Bình đã hai lần công nhận nơi đây là làng nghề truyền thống. Với ông tôi, việc kế thừa và phát huy nghề truyền thống là điều rất quan trọng bởi đó vừa giữ gìn những giá trị thế hệ cha ông để lại, vừa góp phần xây dựng quê hương.
Không chỉ phát triển nghề dệt truyền thống, ông ngoại tôi còn vượt qua thương tật, nhận làm đại lý phân phối các sản phẩm thiết yếu trong gia đình, qua đó góp phần tạo việc làm cho hơn 20 lao động trong xã và các địa bàn lân cận. Chính bởi quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế" mà ông đã nuôi dạy 4 người con học hành nên người. Năm 2005, gia đình thương binh Vũ Văn Xuyến được tuyên dương là gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh Thái Bình.
Khi nói về những tâm huyết trong quá khứ, ngoài việc phát triển nghề dệt của địa phương, ông ngoại tôi rất tâm đắc khi từ năm 2009 (trước khi địa phương có phong trào xây dựng nông thôn mới), ông đã cùng với các cựu chiến binh trong xã vận động nhân dân mở con đường huyết mạch cho thôn Hưng Đạo Tây, giúp bà con đi lại dễ dàng hơn. Ông kể: "Trước đây, mỗi lần mưa xuống, trẻ em và người lớn trong thôn muốn đi đâu đều phải lội bùn, vác xe đạp dính đầy bùn đất. Thấy việc đi lại của bà con rất khó khăn, ông bàn với anh em cựu chiến binh vận động dân làng làm con đường và gia đình ông tiên phong đóng góp 15 triệu đồng. Khi họp dân, mọi người đều đồng thuận, các cựu chiến binh đã vận động dân làng và con em xa quê làm được con đường bê tông sạch sẽ".
Nhiều người dân trong làng kể với tôi, không chỉ đi đầu trong việc đóng góp kinh phí làm đường, ông bà ngoại tôi còn hằng ngày nấu nước chè xanh phục vụ miễn phí những người tham gia làm đường. Ban ngày, ông ngoại tôi cùng tham gia làm đường, làm mương máng. Buổi tối, ông tập tễnh đi đến từng nhà vận động bà con quyên góp, ủng hộ tiền bạc và công sức xây dựng quê hương. Kết quả, toàn thôn đã huy động được 200 triệu đồng mua vật liệu, nhân dân tích cực tham gia lao động, xây dựng được con đường bê tông rộng 1,5m, dài 800m, được dân làng gọi là "Đường cựu chiến binh".
Đến năm 2012 có phong trào xây dựng nông thôn mới, ông ngoại tôi rất tích cực tham gia, được bà con trong xã coi là một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào. "Đường cựu chiến binh" sau đó đã được mở rộng 3,2m, trồng hàng cây xanh mát, sạch sẽ, không chỉ giúp đi lại thuận tiện mà kinh tế của thôn cũng phát triển theo. “Cháu thấy đấy, mỗi việc nhỏ bé như vậy cũng có thể góp phần làm nên những điều lớn lao cho quê hương”, ông ngoại nhắn nhủ tôi như vậy.
Tâm huyết với việc nghĩa tình
Ông ngoại tôi luôn tự hào về những người đồng đội của mình. Ông thường tâm sự rằng, dù cơ thể không còn nguyên vẹn, ông vẫn cảm thấy mình may mắn so với những đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Ông thấu hiểu nỗi đau thầm lặng, trăn trở kéo dài của những gia đình chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ; cảm nhận rõ những đau thương, lo lắng của các gia đình có nạn nhân chất độc da cam...
Từ những trăn trở ấy, ông ngoại tôi luôn cố gắng giúp đỡ các đồng đội và những gia đình trong thôn, trong xã có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2010, ông tôi đề xuất thành lập "Tổ thương binh tình nghĩa" để các cựu chiến binh, thương binh hỗ trợ lẫn nhau. Từ năm 2014 đến nay, ông ngoại tôi là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Đông Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đông Hưng. Mặc dù sức khỏe hạn chế, trong khi việc tiếp xúc và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam gặp không ít khó khăn, vất vả, nhưng ông cùng các đồng đội luôn nhiệt tình làm với tất cả tấm lòng.
Những năm qua, "Tổ thương binh tình nghĩa" không chỉ động viên nhau chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thăm hỏi khi ốm đau mà còn trợ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hằng năm, tổ thương binh đều tổ chức trao quà tặng các đồng đội khó khăn và trẻ em khuyết tật, không nơi nương tựa. Ông tôi tâm sự: "Những món quà và sự quan tâm ấy là nguồn động viên tinh thần quý giá, xoa dịu phần nào nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam, bởi các nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".
Ông Nguyễn Anh Ngọ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, chia sẻ với tôi: "Ông Vũ Văn Xuyến vừa là thương binh nặng, vừa là nạn nhân của chất độc da cam. Dù mang trong mình nhiều bệnh tật, ông Xuyến vẫn thể hiện tinh thần kiên cường, tích cực trong công việc khi được giao phụ trách 4 xã với hơn 500 hội viên. Ông luôn mẫu mực, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những người xung quanh. Ông Xuyến đã chủ động xây dựng quỹ hỗ trợ cho hội viên, với mức trung bình hơn 2 triệu đồng/hội viên, cao nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, ông còn vận động trao tặng hàng nghìn suất quà, hàng trăm triệu đồng giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và xây tặng nhà tình nghĩa"...
Năm 2022, ông ngoại tôi được vinh danh là một trong 8 thương binh tiêu biểu của tỉnh Thái Bình. Cũng trong năm 2022, ông Vũ Văn Xuyến được Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trao tặng bằng khen, ghi nhận thành tích xuất sắc trong phong trào chăm sóc và giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam.
Chúng tôi lớn lên, đi học và đi làm xa quê hương, thỉnh thoảng mới về thăm ông bà được. Nhưng dường như mỗi sự tiến bộ, trưởng thành của các con, các cháu, ông bà đều biết, nếu chưa thấy con cháu về thì ông bà gọi điện chúc mừng cùng với những lời dặn dò. Lần nào tôi về quê cũng được ông ngoại quan tâm trò chuyện, khuyên nhủ. Ông tôi luôn hy vọng thế hệ trẻ, trong đó có tôi, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, quê hương. Ông nhắn nhủ chúng tôi rằng, không được chỉ sống cho riêng mình, mà phải biết sống vì mọi người, có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, xã hội; phải cố gắng phấn đấu để góp phần nhỏ bé xây dựng đất nước, quê hương; giúp đỡ mọi người sẽ thấy mình hạnh phúc hơn.
Với tôi, ông ngoại-thương binh Vũ Văn Xuyến là một thần tượng, tấm gương gần gũi nhất về Bộ đội Cụ Hồ với ý chí, nghị lực vượt khó và tình yêu thương con người, sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Câu chuyện của ông giúp tôi hiểu thêm rằng, dù thời gian có trôi, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không bao giờ phôi pha mà luôn tỏa sáng, từ những suy nghĩ, việc làm bình dị nhưng thể hiện sự cao quý, rất đáng kính trọng.