Nghị lực của chàng thạc sỹ nông nghiệp mất hai cánh tay sau tai nạn
Tai nạn bất ngờ đã cướp đi của anh Tô Hữu Sỹ hai cánh tay nhưng nghị lực phi thường đã giúp anh sống hạnh phúc trong màu xanh hi vọng.
Tai nạn không ngờ
Trước khi tai nạn bất ngờ đổ ập xuống, chàng thanh niên ấy đang có một tương lai rất sáng lạn...
Anh Tô Hữu Sỹ (SN 1989) sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là học viện Nông nghiệp Việt Nam) với chuyên ngành Khoa học cây trồng vào năm 2012.
Năm 2015, sau khi hoàn thành học cao học, anh Sỹ cầm tấm bằng thạc sỹ ngành khoa học cây trồng trở về quê nhà làm việc cho một dự án nông nghiệp.
Về quê lập nghiệp, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1992, trú phường Bắc Hà, Tp.Hà Tĩnh) cũng là một kỹ sư nông nghiệp chung trường đại học.
Với năng lực của bản thân, đến cuối năm 2020, anh Sỹ được học viện Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu sang Nhật Bản làm việc theo chương trình phối hợp của trường này với đối tác, nhưng biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của chàng thạc sỹ.
Cuối tháng 1/2022, trong lúc đang vận hành máy sấy rau củ, anh Sỹ bị tai nạn lao động buộc phải cắt hai cánh tay. Anh bước vào những chuỗi ngày đen tối...
"Sau tai nạn lao động đó, tôi phải nằm viện điều trị hơn 1 năm 2 tháng. Đây thật sự là khoảng thời gian đen tối nhất đời tôi. Cảm giác cơ thể đang lành lặn, mọi thứ dần phát triển ổn định, lại bị như vậy. Tôi đã rơi vào khủng hoảng", anh Sỹ nhớ lại.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi thời điểm anh Sỹ đối mặt với biến cố, cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Vợ không thể sang chăm sóc, anh cũng không có người thân bên cạnh hỗ trợ. Mỗi ngày trôi qua, anh Sỹ phải sống trong cô đơn, dày vò.
"Nhờ vợ và gia đình thường xuyên gọi điện, tôi cũng kết nối được một số hoàn cảnh để cùng động viên nhau vượt qua. May mắn, tôi còn đi lại được và mong sớm vượt qua để về gặp vợ con", anh tâm sự.
Sau tai nạn, tình yêu chắp cánh hi vọng
Đến cuối tháng 3/2022, sau khi vết thương dần ổn định, anh được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hyogo (Nhật Bản). Tại đây, anh được gắn đôi tay giả sinh học ở phần mõm cụt còn lại. Anh kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện và tập trị liệu vật lý suốt thời gian dài. Nhờ đó, anh có thể tự cầm, nắm đồ đạc, sinh hoạt cá nhân dù vẫn còn nhiều bất tiện và biến chứng vào những hôm trái gió trở trời.
Sau hơn 1 năm điều trị ở bệnh viện Nhật Bản, anh Sỹ trở về nước vào tháng 6/2023 với đôi tay giả. Nhìn cơ thể của anh lúc này, chị Hồng Nhung (vợ anh Sỹ) òa khóc tại sân bay. Dang đôi tay giả ôm vợ và các con, anh Sỹ thể hiện quyết tâm: Có đôi tay này rồi, chúng ta sẽ làm lại từ đầu.
Với mong muốn theo ngành nông nghiệp, vợ chồng anh Sỹ bắt đầu ấp ủ ước mơ xây dựng mô hình cây cảnh mang tên: Happy Garden - khu vườn hạnh phúc. Vợ chồng anh mạnh dạn vay mượn 500 triệu đồng, thuê 300m2 đất tại trục đường Mai Thúc Loan, Tp.Hà Tĩnh để xây dựng nhà xưởng, trồng vườn, bắt đầu khởi nghiệp.
"Khu vườn ngoài tạo kinh tế cho gia đình, cũng là nơi để tôi thỏa mãn đam mê của bản thân, tạo cho mình cảm giác bình yên sau biến cố lớn của cuộc đời. Những ai đến đây hầu như cũng mang tâm lý vui vẻ khi nhìn những mầm xanh đang trỗi dậy. Tôi làm mô hình này mục đích chia sẻ lối sống lạc quan, tích cực đến với những người đồng cảnh ngộ", anh Tô Hữu Sỹ nói.
Từ biến cố cuộc đời những tưởng không vực dậy được nhưng tình yêu của người vợ, nụ cười của 2 con là động lực giúp anh Tô Hữu Sỹ không ngừng khát khao được thay đổi cuộc đời, được sống có ích, lan tỏa yêu thương, hạnh phúc cho những người cùng cảnh ngộ. Giờ đây, trong khu vườn hạnh phúc ấy, cuộc sống của chàng thạc sĩ Tô Hữu Sỹ luôn đầy ắp tiếng cười… Trong tương lai, chị Hồng Nhung và anh Sỹ dự định sẽ mở rộng mô hình của gia đình để tạo công ăn việc làm cho những phận đời kém may mắn.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch hội Nông dân UBND xã Thạch Hưng, Tp.Hà Tĩnh cho biết, anh Tô Hữu Sỹ là tấm gương sáng của nghị lực. Dẫu bị tai nạn mất đi đôi cánh tay nhưng anh vẫn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, phát triển kinh tế tại địa phương.
"Chúng tôi cũng đã đến thăm quan, tìm hiểu về mô hình vườn cây của anh Tô Hữu Sỹ. Anh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ trên địa bàn về nghị lực", bà Hằng nói.