Nghị định về phát triển và quản lý chợ: ''Chìa khóa'' gỡ vướng trong đầu tư
Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ đã tháo những nút thắt về vốn; đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương.
Tháo nút thắt về sử dụng vốn
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 455 chợ, trong đó có: 15 chợ hạng 1, 59 chợ hạng 2, 350 chợ hạng 3, 31 chợ chưa phân hạng. Trong đó có 2 chợ đầu mối (gồm: Chợ đầu mối Minh Khai; Chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối (gồm: Chợ Long Biên có tính chất đầu mối hoa quả và rau các loại; Chợ cá Yên Sở có tính chất đầu mối thủy sản; Chợ gia cầm Hà Vĩ có tính chất đầu mối gia cầm, thủy cầm; Chợ Nành có tính chất đầu mối vải vóc, quần áo; Chợ hoa Quảng An có tính chất đầu mối hoa).
Trong giai đoạn vừa qua, công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP. Hà Nội còn một số hạn chế trong đó có công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ mà một trong số các khó khăn vướng mắc là cơ chế chính sách về phát triển và quản lý chợ.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội – cho hay, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ (được ban hành thay thế các Nghị định: số 02/2003/NĐ-CP và số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ) gồm 5 chương - 38 điều với nhiều điểm mới.
Nghị định quy định đối tượng chợ là một loại hình kết cấu hạ tầng để thống nhất trong tổ chức quản lý quản lý. Đã cập nhật các quy định chuyên ngành hiện hành như: Đầu tư, Đất đai, đấu thầu, Tài sản công, Đầu tư công,…
Thay đổi cơ quản quy định liên quan đến chuyển đổi mô hình quản lý, với việc coi kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư là tài sản công, việc chuyển đổi mô hình quản lý thực hiện dưới các hình thức: Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ; Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ; Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Nghị định đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong đầu tư xây dựng chợ bằng nguồn ngân sách (đầu tư công) cho tất cả các hạng chợ 1, 2, 3.
Cụ thể, trước đây, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ quy định vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được đầu tư đối với một số loại chợ và tại một số địa bàn nhất định (vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm, chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn chợ biên giới và chợ dân sinh xã của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn).
Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực chợ dân sinh, chợ đầu mối (không phân biệt địa bàn).
Các địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách, có nhu cầu cấp thiết để đầu tư nâng cấp cải tạo chợ, cụ thể là chợ trên địa bàn thành thị thì lại bị vướng theo quy định tại Nghị định về chợ (về địa bàn, đối tượng đầu tư từ ngân sách nhà nước).
Thực tiễn hiện nay, các chợ thành thị do nhà nước đầu tư đã xuống cấp, không thu hút được xã hội hóa, cần cải tạo, nâng cấp nhưng không đầu tư được từ ngân sách nhà nước. Một số địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách để đầu tư nâng cấp chợ trên địa bàn thành thị nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại… nhưng không thể triển khai do vướng mắc trong thực tiễn và mâu thuẫn với các quy định của Nghị định về chợ.
“Như vậy, với quy định hiện nay, Nghị định 60/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển chợ đặc biệt từ việc sử dụng ngân sách địa phương”, bà Oanh nói.
Đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương
Về đầu tư, tại khoản 4 Điều 6 có quy định: “Địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Bà Nguyễn Kiều Oanh nhận định, với quy định này sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương tự chủ được nguồn ngân sách như Hà Nội sử dụng nguồn vốn cho đầu tư, phát triển chợ, tạo môi trường, điều kiện kinh doanh tốt hơn.
Về phân cấp quản lý chợ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được quy định cụ thể tại khoản 8 Điều 38 Nghị định và việc quy định đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn quản lý. UBND tỉnh có trách nhiệm phát triển và quản lý các loại chợ đã được thiết kế theo hướng phân cấp triệt để, tạo sự linh hoạt, chủ động cho UBND tỉnh: “Phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh cho UBND cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định hiện hành; chỉ đạo UBND các cấp thực hiện rà soát, công bố việc phân hạng, phân loại chợ”.
Trước đây, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ quy định Chợ hạng 1 do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý chợ, quy định chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý, phê duyệt nội quy chợ.
Nghị định Bổ sung trách nhiệm trong việc phát triển về chợ đêm, chợ cộng đồng, chợ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc cho địa phương cũng như quy định trách nhiệm UBND các cấp trong việc xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát.
3 kiến nghị từ Sở Công Thương Hà Nội
Triển khai Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Công Thương, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiên cứu thay thế Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Kiều Oanh, về phía địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định.
Cụ thể, về cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ, theo quy định cũ, Sở Công Thương Hà Nội là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND Thành phố triển khai các nội dung liên quan đến phát triển và quản lý mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đối với các chợ do ngân sách đầu tư là tài sản công. Tại khoản 3 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số ngày 21/6/2017 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan tài chính cùng cấp giúp Ủy ban nhân dân: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều 18 của Luật này; Trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan”. Do đó, hiện nay đang khó khăn trong việc xác định cơ quan cơ quan thường trực quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ (ngành Công Thương hay ngành Tài chính).
Theo quy định của Nghị định 60/2024/NĐ-CP và thực tế hiện nay, UBND cấp xã là một trong các trường hợp được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ; UBND cấp xã sẽ là cơ quan đứng ra thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, tuy nhiên, không được xuất hóa đơn theo quy định của Luật Giá.
Với mục tiêu phục vụ nhu cầu dân sinh, đầu tư kinh doanh, khai thác chợ hiệu quả không cao do đó khó thu hút được xã hội hóa, với những chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý cũng không đủ khả năng duy trì, nâng cấp, cải tạo chợ. Trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kinh doanh, khai thác chợ là rất cần thiết. Đề nghị các Bộ nghiên cứu tham mưu Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ (về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ,…) đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đảm bảo giảm chi phí đầu vào, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.
Hiện nay tồn tại nhiều chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, trong quá trình hoạt động, khai thác chợ còn nhiều tồn tại không đảm bảo quy định (hoạt động không đảm bảo theo phương án bố trí ngành hàng, nội quy được phê duyệt,…). Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài xử phạt vi phạm trong quá trình hoạt động của chợ. Đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, khai thác chợ nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài:
Để Nghị định số 60/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ được kịp thời triển khai đồng bộ và hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục nghiên cứu các nội dung đã được quy định trong Nghị định để chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao theo phân công của Chính phủ; chủ động giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền và đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định này.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):
Nghị định số 60/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Nghị định này có 7 Bộ có liên quan, do đó, rất cần có sự phối hợp liên ngành, trong đó, vai trò của UBND các địa phương được phân cấp triệt để. Về những kiến nghị, đề xuất trong việc hướng dẫn triển khai, các địa phương có thể gửi Công văn gửi về đầu mối là Vụ Thị trường trong nước. Vụ sẽ tập hợp và liên hệ với các Bộ ngành, các Cục, Vụ có liên quan trong bộ để trả lời thấu đáo các nội dung mà phía địa phương còn chưa hiểu rõ hoặc những nội dung còn vướng mắc.