Nghẹt thở với cảnh Quang Tuấn cưa bom trong 'Địa đạo'
Không súng đạn, không giao tranh, không nhạc nền kịch tích nhưng cảnh cưa bom của Tư Đạp trong 'Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối' vẫn đủ sức nặng để khiến khán giả hồi hộp đến phút cuối cùng.
Trong "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối", có không ít những khoảnh khắc khiến người xem căng thẳng, thậm chí phải nín thở và cảnh Tư Đạp cùng đồng đội cưa bom là một trong số đó. Không phô trương, không kịch tính hóa quá mức, cảnh phim tái hiện một cách chân thực công việc đầy rủi ro của những chiến sĩ địa đạo Củ Chi – nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sai lầm nhỏ.
Dưới đường hầm chật hẹp, Tư Đạp (Quang Tuấn), Lục Tạc (Anh Tú Wilson) và Sáu Lập (Cao Sang Lê) cẩn trọng dùng cưa tay để cắt quả bom. Mỗi nhát cưa chậm rãi, được kiểm soát kỹ lưỡng, trong khi đồng đội liên tục tưới nước nhằm giảm ma sát, tránh tạo ra tia lửa gây kích nổ. Đây là cách làm thủ công quen thuộc của bộ đội Việt Nam trong thời chiến, khi điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn.

Quang Tuấn và cảnh cưa bom nghẹt thở trong "Địa đạo"
Khi nhận thấy việc cưa tay quá mất thời gian, Tư Đạp quyết định áp dụng một phương pháp mạo hiểm hơn: nung nóng vỏ bom để kim loại giãn nở, giúp tháo kíp dễ dàng. Dù kỹ thuật này có thực trong lịch sử, rủi ro phát nổ do nhiệt độ cao là rất lớn.
Ngọn lửa từ chiếc chảo tự chế bùng lên, hơi nóng phả vào không gian ngột ngạt của địa đạo. Tư Đạp, trán lấm tấm mồ hôi, chăm chú vào quả bom, trong khi đồng đội không giấu nổi vẻ căng thẳng. Hai người lần lượt xin rời khỏi khu vực, nhường lại cho Tư Đạp một mình đối mặt với hiểm nguy.
Bàn tay vững vàng, ánh mắt sắc bén, Tư Đạp cho thấy sự dày dạn kinh nghiệm của một chiến sĩ từng nhiều lần đương đầu với tử thần. Trong suy nghĩ của anh, cũng như bao chiến sĩ địa đạo khác, việc thu hồi thuốc nổ để chế tạo bom mới là nhiệm vụ đáng giá, dù có phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Khi quả bom cuối cùng được tháo gỡ, không có tiếng hò reo, chỉ còn sự nhẹ nhõm thầm lặng và ý chí tiếp tục chiến đấu. Hình ảnh ấy khắc họa chân thực tinh thần âm thầm, kiên cường của những người lính địa đạo Củ Chi.
Đáng chú ý, cảnh phim này không sử dụng nhạc nền kịch tính, không lời thoại đao to búa lớn. Thay vào đó, từng chi tiết như cưa tay, tưới nước, nung vỏ bom được tái hiện kỹ lưỡng, góp phần mang lại cảm giác chân thật và nhấn mạnh tính lịch sử của câu chuyện.

Cảnh cưa bom không chỉ là một màn trình diễn kỹ thuật căng thẳng, mà còn là lát cắt sâu sắc về phẩm chất người lính địa đạo: gan dạ, khéo léo và sáng tạo. Bộ phim đã lột tả được sự cam go mà những chiến sĩ trong lòng đất phải trải qua – họ không chỉ chiến đấu với kẻ thù, mà còn với chính số phận mong manh của mình.
Nhân vật Tư Đạp được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực, người từng được mệnh danh là “cỗ máy phá bom”. Chính ông cũng tham gia cố vấn cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê-kíp thực hiện phim. Trong suốt những năm tháng chiến đấu, đồng chí Đực và nhiều chiến sĩ khác không chiến đấu vì danh hiệu, mà vì một mục tiêu giản dị: bảo vệ đất nước, bất chấp mọi hiểm nguy.