Màn đụng độ quái vật không gian nghẹt thở trong 'Alien: Romulus'

'Alien: Romulus' đưa thương hiệu phim quái vật không gian trở lại thời hoàng kim nhờ câu chuyện không mới nhưng vẫn hấp dẫn, kịch tính.

Genre: Kinh dị, Khoa học viễn tưởng
Director: Fede Álvarez
Cast: Cailee Spaeny, Isabela Merced, Archie Renaux...
Rating: 8/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Ra mắt từ năm 1979, Alien được đông đảo người xem công nhận là một trong những thương hiệu kinh dị/khoa học viễn tưởng lâu đời và nổi tiếng bậc nhất thế giới. Sau 45 năm và 9 phần phim, sức hút mang tên quái vật không gian dường như vẫn vẹn nguyên khi mang đến những thước phim khiến khán giả sửng sốt.

Tái xuất sau 7 năm kể từ phần tiền nhiệm Alien: Covenant (2017), Alien: Romulus là đứa con tinh thần mới nhất của đạo diễn Fede Álvarez, gương mặt đứng sau thành công của Evil Dead và 2 phần phim Don't Breathe đình đám. Kịch bản được thai nghén bởi chính Fede Álvarez kết hợp cùng Rodo Sayagues, lấy mốc thời gian giữa hai phần đầu tiên của thương hiệu.

Hấp dẫn dù an toàn, thiếu đột phá

Alien: Romulus kế thừa những di sản của loạt phim, song mang nội dung hoàn toàn độc lập. Xuyên suốt thời lượng 118 phút, tác phẩm đưa người xem trở lại với bản sắc kinh dị, rùng rợn nguyên thủy từ các phần phim đầu tiên.

 Kinh phí phim vào khoảng 80 triệu USD.

Kinh phí phim vào khoảng 80 triệu USD.

Alien: Romulus dẫn khán giả tới một thuộc địa xa xôi trong vũ trụ mang tên Jackson's Star, nơi tối tăm, ô nhiễm và không có cả ánh sáng mặt trời. Tại đây, những công nhân dưới trướng tập đoàn Weyland-Yutani bị bóc lột sức lao động đến mức kiệt quệ. Nhiều người thậm chí mất mạng vì bệnh tật.

Không cam chịu số phận trở thành nô lệ cho tư bản, Rain (Cailee Spaeny) cùng cậu em trai người máy Andy (David Jonsson) tìm cách trốn thoát. Trùng hợp, cả hai nhận được lời mời từ nhóm bạn cũ gồm Tyler (Archie Renaux), Kay (Isabela Merced), Bjorn (Spike Fearn) và Navarro (Aileen Wu). Cả đám đánh liều đi khám phá một tàu không gian bỏ hoang mà họ vừa bắt được tín hiệu.

Phi vụ tưởng chừng béo bở ai ngờ lại trở thành mồ chôn nhóm bạn trẻ. Một hành động vô tình đã giải phóng lũ Face Hugger (Thể bám mặt) đang bị đóng băng, khiến chúng ồ ạt tấn công và cấy phôi lên Navarro. Cô nàng bị biến thành vật chủ, nơi cái kén Xenomorph nhanh chóng phát triển và xé xác cô rồi chui ra.

Kể từ đây, cơn ác mộng chính thức ập tới với những thành viên còn sống sót. Họ bị đẩy vào hành trình sinh tồn nghẹt thở trước lũ quái vật khát máu, vừa phải chạy đua với thời gian khi con tàu sắp xảy ra va chạm và phát nổ.

Câu chuyện sinh tồn của một nhóm người bị cô lập thực chất không mới, từng xuất hiện trong hàng nghìn tác phẩm điện ảnh cùng thể loại trước đó. Nội dung Alien: Romulus cũng không có nhiều thêm thắt, sáng tạo quá đặc biệt, thậm chí có thể nói là sự tận dụng của những công thức cũ.

Song, cái hay của phim nằm ở sự kết hợp thông minh giữa một kịch bản giàu tính giải trí và sức hút từ vũ trụ quái vật kỳ dị, vốn được coi là “chữ ký” của thương hiệu Alien.

Sau khoảng thời lượng để người xem tiếp cận nhóm nhân vật chính, tiết tấu phim được đẩy nhanh khi bí mật trên trạm nghiên cứu không gian hé lộ. Đây cũng là nút thắt quan trọng của phim, đẩy các nhân vật vào tình thế phải đấu tranh để rồi từ đó, họ có cơ hội bộc lộ suy nghĩ, tính cách. Mô-típ quen thuộc của dòng phim sinh tồn buộc nhân vật tầm thường phải trở nên phi thường dưới sự khắc nghiệt của thực tại được sử dụng hợp lý.

 Nhân vật liên tục bị đẩy tới giới hạn của sự đấu tranh.

Nhân vật liên tục bị đẩy tới giới hạn của sự đấu tranh.

Dẫu vậy, kịch bản phim vẫn cho thấy những điểm hở sườn. Một số chi tiết chưa được xử lý triệt để, đơn cử như mâu thuẫn giữa dân lao động và kẻ cầm quyền tại Jackson's Star, hay việc để nhóm bạn trẻ đột nhập Romulus cũng quá đơn giản, còn mang tính sắp đặt.

Màn đối đầu kịch tính

Bỏ qua những sạn nhỏ trong cốt truyện, bộ phim của Fede Álvarez làm hài lòng khán giả khi tập trung khắc họa cuộc chạm trán ngạt thở giữa con người và giống loài quái vật.

Ở vị trí trung tâm tác phẩm, nữ chính Rain cùng em trai Andy được xây dựng với hành trình phát triển tính cách, tâm lý khá thú vị. Cậu người máy Andy vốn được cha Rain nhặt về từ bãi rác và tái lập với mục tiêu làm mọi điều tốt nhất cho Rain. Cả hai trở nên thân thiết, bao bọc nhau vượt qua sự khắc nghiệt nơi hành tinh thuộc địa.

Song, những thay đổi của Andy khi được “cấy chip mới” khiến cho mối quan hệ giữa họ biến hóa khó lường, tạo nên nhiều ẩn số trên hành trình chạy trốn của nhóm nhân vật. Đặt cạnh Andy, Rain mang đến hình tượng chuẩn nữ chính trong phim sinh tồn: mạnh mẽ, quyết đoán, lại có sự nổi loạn và đầy dũng cảm.

Màn thể hiện nhập tâm của bộ đôi diễn viên trẻ thổi hồn vào vai diễn, khiến hành trình của nhân vật để lại dấu ấn mạnh mẽ hơn. Thông qua Rain và Andy, phim cũng mang đến những góc nhìn về mối liên kết đặc biệt giữa loài người và trí tuệ nhân tạo, hay bài toán đạo đức khi buộc thiểu số phải hy sinh cho đa số...

Một điểm đáng tiếc là việc biên kịch “trao quyền”, anh hùng hóa vai diễn Rain ở nửa cuối phim có phần lộ liễu, dẫn đến sự phát triển của nhân vật đôi chút thiếu tự nhiên.

Dàn nhân vật phụ chưa để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, hầu như chỉ giữ vai trò phép thử cho sự bứt phá tâm lý của cặp đôi nhân vật chính.

 Màn trình diễn của David Jonsson giúp nhân vật Andy trở nên cực kỳ thú vị.

Màn trình diễn của David Jonsson giúp nhân vật Andy trở nên cực kỳ thú vị.

Khâu thiết kế bối cảnh giúp Alien: Romulus ghi điểm. Từ hành tinh thuộc địa có điều kiện sống khắc nghiệt, cho tới trạm vũ trụ bỏ hoang với những khoang chứa chật hẹp, hành lang sâu hun hút tạo cảm giác hồi hộp, ghê rợn. Từng thiết kế của con tàu, các thiết bị công nghệ, vi tính hay tạo hình của những loài quái vật với các hình thái tiến hóa khác nhau đều được xây dựng cực kỳ tỉ mỉ, chỉn chu.

Ngoài ra, cách nhà làm phim sử dụng ánh sáng, với gam màu vàng quái đản khiến nỗi bất an tràn ngập mỗi khung hình cũng mang lại hiệu quả ấn tượng. Góc quay biến hóa đa dạng, khôn khéo lợi dụng góc khuất và sự lập lờ của ánh sáng làm người xem phải nín thở khi theo dõi. Chưa kể, thay vì lạm dụng CGI cùng phông xanh, Alien: Romulus mang tới bữa tiệc hình ảnh sống động đúng nghĩa nhờ sự kết hợp giữa công nghệ mô hình animatronic và kỹ xảo thực tế.

Các trường cảnh hành động, cháy nổ, săn đuổi được thiết lập công phu, liên tục đẩy cảm xúc khán giả qua hàng loạt trạng thái từ hoảng sợ, bất lực cho tới tuyệt vọng trong hành trình đấu tranh của nhân vật. Phần âm nhạc dưới bàn tay Benjamin Wallfisch phù phép đã bổ trợ mượt mà cho bầu không khí bí bách, gấp rút và ngày một cao trào.

Tất cả khiến trải nghiệm giải trí xuyên suốt thời lượng hơn 2 tiếng của tác phẩm trở nên kịch tính, hấp dẫn dù nội dung chưa thực sự hoàn hảo.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/man-dung-do-quai-vat-khong-gian-nghet-tho-trong-alien-romulus-post1492628.html
Zalo