Nghẹt thở cứu người bệnh trong siêu bão

Siêu bão Yagi gây nhiều thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố miền Bắc. Nhiều cán bộ y tế nơi tâm bão vừa căng mình chống bão vừa hoàn thành nhiệm vụ cứu người trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo.

Ngồi xe cấp cứu vẫn đội mũ bảo hiểm

Có thâm niên 15 năm làm lái xe của đội cấp cứu 115 Hà Nội, thực hiện hàng vạn chuyến cấp cứu nhưng có lẽ với ông Đào Dũng Tiến, những chuyến cấp cứu trong đêm bão Yagi là kỷ niệm không thể nào quên.

Đội cấp cứu 115 Hà Nội.

Đội cấp cứu 115 Hà Nội.

Ông Tiến cho hay, dù đã chuẩn bị tâm lý việc cấp cứu sẽ khó khăn hơn vì dự báo trước đó về cường độ của siêu bão Yagi, nhưng chính ông và ê kíp y bác sĩ cũng không ngờ lại gian nan đến thế.

Ông Tiến nhớ mãi ca cấp cứu đêm 7/9, khi nhận điện báo về bệnh nhân bị suy hô hấp nguy kịch, trong khi gia đình neo người, chỉ có hai vợ chồng già gần 80 tuổi.

Cả đội cấp cứu nhanh chóng lên xe, đường khi đó không một bóng người, chỉ có tiếng gầm rít của mưa gió vần vũ kéo rạp hàng cây hai bên đường.

"Hú hồn khi chuyến xe suýt lật khi đi từ dốc Ngọc Hà rẽ vào đường Hoàng Hoa Thám. Gió bão mạnh tạt nghiêng khi xe đánh lái vào khúc cua như muốn nhấc bổng bánh xe lên, khiến ai cũng thót tim. May mắn, chúng tôi đến kịp", ông Tiến nhớ lại.

Ông Tiến cho biết thêm, chưa bao giờ ê-kíp cấp cứu ngồi trên xe mà phải đội mũ bảo hiểm, mặc áo mưa, sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy của bão như thế.

Ứng trực 24/24h bất kể hoàn cảnh

Cũng trong đêm bão đó, vượt qua hàng chục chướng ngại vật cây đổ, đội cấp cứu của BS Nguyễn Huyền Linh (Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội) cũng tiếp cận được bệnh nhân cao tuổi bị suy hô hấp nặng trong một ngõ nhỏ ở Láng Hạ.

Vừa di chuyển, BS Linh vừa bóp bóng hỗ trợ hô hấp cho ông cụ 95 tuổi. Điều bất ngờ xảy đến sau khi xe lăn bánh được ít phút, tim bệnh nhân bất ngờ ngừng đập. Ngay lập tức, "báo động đỏ" cấp cứu ngừng tuần hoàn được kích hoạt.

BS Linh và đồng đội thay nhau ép tim cho bệnh nhân với hơn 100 nhịp/phút trong tình huống xe liên tục rung lắc và phải phanh gấp vì mưa bão. May mắn, sau 5 phút liên tục ép tim, bệnh nhân có mạch trở lại, cũng vừa kịp lúc xe đến Bệnh viện Giao thông vận tải.

Trong 5 tiếng cao điểm mưa bão tối 7/9, kíp cấp cứu của BS Linh đã thực hiện tổng cộng 5 chuyến cấp cứu ngoại viện thành công.

Theo chia sẻ của BS chuyên khoa I Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, bất kể trời mưa bão, trung tâm vẫn đảm bảo ứng trực để thực hiện nhiệm vụ như ngày thường.

Trong bão số 3, trung tâm đáp ứng 112/112 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện.

Nhiều người nhập viện trong quá trình chống bão

Là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất do bão Yagi đổ bộ, hoành hành suốt 5 - 6 giờ, nhiều cơ sở y tế tại Quảng Ninh bị mưa bão tàn phá nặng nề.

Toàn bộ 24 đơn vị khám bệnh, chữa bệnh mất nước, mất điện toàn phần hoặc cục bộ, phải sử dụng máy phát điện, hầu hết bị tốc mái, vỡ kính…

Một cán bộ y tế cho hay, nhiều bệnh viện phải xin từng can nước sạch về cho bệnh nhân sử dụng. Do mất điện kéo dài, các bệnh viện cũng chở từng thùng phi xăng dầu để phục vụ máy phát điện.

BS Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cơ sở vật chất, thiết bị, song đơn vị y tế đã cấp cứu cho hàng trăm lượt bệnh nhân, đảm bảo công tác điều trị nội trú.

Từ khi bão số 3 đổ bộ, trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh tại TP Hạ Long và các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên.

Trong ngày 6 - 7/9, cơ sở này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Đa phần bệnh nhân gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn và chấn thương nặng trong quá trình phòng, chống bão.

Tại đây, anh N.H.H (trú tại TP Hạ Long), một trong những trường hợp bị tai nạn khi đưa dân đi tránh trú đã bị biển quảng cáo bay đập trúng người và bất tỉnh, hiện đang phục hồi.

"Mất điện, mất nước trong suốt 3 - 4 ngày bão nhưng bệnh viện vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo cho người bệnh yên tâm điều trị", anh chia sẻ.

Tương tự tại Bệnh viện Bãi Cháy, trong cơn bão số 3, đơn vị cấp cứu cho trên 120 bệnh nhân. Trong đó, có nhiều bệnh nhân nặng liên quan đến sọ não, đa chấn thương.

Do đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng điện, nước, thuốc men, đồ vải để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu nên đã hạn chế việc bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế Quảng Ninh, trong đợt bão Yagi, các đơn vị y tế tại đây đã tiếp nhận 1.153 bệnh nhân đến khám và điều trị do cơn bão.

Ngành y tế Quảng Ninh cũng nhận được 136 cuộc gọi cấp cứu trong bão. Trong đó, Trung tâm vận chuyển cấp cứu đã điều phối và vận chuyển cấp cứu thành công 62 chuyến xe cho các đơn vị y tế.

An Vũ

Thu Thủy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghet-tho-cuu-nguoi-benh-trong-sieu-bao-192240913173412397.htm
Zalo