Nghẹn ngào lời từ biệt mẹ trong phòng mổ của cô gái trẻ chiều cuối năm

Vụ tai nạn nghiêm trọng chiều cuối năm khiến người phụ nữ 4 con rơi vào tình trạng chết não. Gia đình quyết định hiến tạng của chị để mang lại cơ hội sống cho nhiều người đang cận kề cửa tử.

Phòng mổ ở Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) chiều cuối năm 2024 rất đặc biệt. Một cô gái trẻ mặc tấm áo vàng của người nhà bệnh nhân, đeo khẩu trang, ngồi bên giường bệnh thầm thì, thủ thỉ,...

Đó là con gái lớn của nữ bệnh nhân, người đã được hội đồng đánh giá chết não sau ca tai nạn nghiêm trọng ở Lào Cai. Nắm tay mẹ, tâm tình với mẹ, cô không thể ngừng khóc, xót xa, đau đớn trước sự ra đi quá đột ngột của đấng sinh thành.

"Mẹ bảo đợi con đi lấy chồng nữa mà mẹ", cô ôm chặt lấy người mẹ, khóc nấc trong căn phòng chỉ còn tiếng tít, tít phát ra từ máy theo dõi... Giờ đây, người chị cả mới đôi mươi phải thay mẹ gánh vác, chăm sóc 3 em thơ.

Biết không thể đưa mẹ từ cõi chết trở về, cô cầm điện thoại, gọi điện cho các em đang ở nhà (Lào Cai) để người thân được nhìn mặt mẹ, từ biệt mẹ lần cuối.

Cô gái trẻ tâm tình với mẹ về ý nguyện hiến tạng mẹ để cứu nhiều người. Ảnh: BVCC

Cô gái trẻ tâm tình với mẹ về ý nguyện hiến tạng mẹ để cứu nhiều người. Ảnh: BVCC

Mấy ngày trước, mẹ của cô gặp một tai nạn nghiêm trọng, được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Dù đã được cứu chữa tận tình nhưng người phụ nữ dân tộc Tày không qua khỏi.

Cán bộ bệnh viện ở Lào Cai đã vận động gia đình, dũng cảm hiến tạng của người thân, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết. Người con gái trẻ tin rằng, mẹ của cô sẽ ủng hộ quyết định nhân văn ấy. Dù mẹ mất đi nhưng cô và gia đình có thể gặp lại mẹ trong hình hài khác.

Điều kiện y tế tại Lào Cai chưa thể chủ động hồi sức, lấy tạng của bệnh nhân chết não hiến tạng, cuộc hội chẩn tư vấn trực tuyến từ xa được nối giữa hai điểm cầu Lào Cai tới Hà Nội (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) để bàn phương án vận chuyển bệnh nhân về thủ đô.

Các chuyên gia hàng đầu của Việt Đức đã hướng dẫn ê-kíp bác sĩ Lào Cai các bước tiến hành đánh giá chết não, hồi sức bệnh nhân và thực hiện lấy tạng ngay tại Hà Nội. Một trái tim, một lá gan và một quả thận đã được ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Quả thận còn lại, như một sứ mệnh tiếp nối, được vận chuyển xuyên đêm về Lào Cai, tạo nên tiền đề cho ca ghép thận lịch sử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Dưới sự hướng dẫn tận tình và hỗ trợ chuyên sâu từ các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đội ngũ y bác sĩ tại Lào Cai tiếp cận kỹ thuật đánh giá tình trạng chết não và thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Đây là ca ghép tạng đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Thành công này không chỉ cứu sống con người mà còn thắp sáng niềm hi vọng cho hàng trăm bệnh nhân khác tại địa phương đang chờ đợi phép màu y học. Hơn cả một cột mốc về kỹ thuật, đây là minh chứng rõ nét cho giá trị của sự hợp tác không ranh giới và khát vọng không ngừng vươn lên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tiến sĩ Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong những phát minh khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. So với thế giới, Việt Nam bắt đầu ghép tạng muộn hơn khoảng 50 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của y học Việt Nam đã bắt kịp.

Cả nước hiện có 28 trung tâm ghép tạng, trong đó Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những đơn vị lớn nhất. 32 năm qua các thầy thuốc thực hiện được gần 9.100 ca ghép tạng, riêng bệnh viện này ghép 2.273 ca. Ba năm gần đây, mỗi năm cơ sở này thực hiện hơn 250 ca ghép tạng.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghen-ngao-loi-tu-biet-me-cua-co-gai-tre-truoc-quyet-dinh-hien-tang-cuu-nguoi-2358620.html
Zalo