Nghề trồng dâu, nuôi tằm giúp phát triển kinh tế ở xã vùng sâu
Xã Đak Lua có vị trí địa lý xa nhất của huyện Tân Phú. Một trong những khó khăn của Đak Lua là điều kiện phát triển kinh tế có nhiều hạn chế so với các địa phương khác.
![Mô hình nuôi tằm trên sàn nhà tại xã Đak Lua, huyện Tân Phú, có nhiều lợi thế hơn so với cách làm truyền thống. Ảnh:B.Nguyên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_423_51436230/bf9c70c64b88a2d6fb99.jpg)
Mô hình nuôi tằm trên sàn nhà tại xã Đak Lua, huyện Tân Phú, có nhiều lợi thế hơn so với cách làm truyền thống. Ảnh:B.Nguyên
Đến nay, phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương này có nhiều khởi sắc. Trong đó, trồng dâu, nuôi tằm là một trong những nghề chủ lực của địa phương. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã vùng sâu, vùng xa này.
Mô hình mới nuôi tằm trên sàn nhà
Trên địa bàn xã Đak Lua hiện đã phát triển được hơn 250 hécta trồng dâu với sự tham gia của khoảng 300 hộ gia đình trồng dâu, nuôi tằm. Tại địa phương đã hình thành được vùng chuyên canh trồng dâu, nuôi tằm quy mô lớn. Đặc biệt, các hộ nuôi tằm tại địa phương này đang chuyển đổi sang mô hình mới nuôi tằm trên sàn nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại địa phương không ngừng thay đổi, sử dụng giống dâu mới với nhiều ưu điểm vượt trội so với giống truyền thống như: lá dày, kháng bệnh tốt, giúp tằm ăn no lâu, đặc biệt có thể tiết kiệm được thời gian và công hái...
Từ xưa, dân gian vẫn có câu truyền miệng “nuôi tằm ăn cơm đứng” vì đây là nghề truyền thống rất vất vả, đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ, nhất là giai đoạn “tằm ăn rỗi”, người nuôi phải theo sát từng giờ để kịp cho tằm ăn. Nhưng hiện nay, nông dân trồng dâu, nuôi tằm tại xã Đak Lua đã chuyển đổi sang ứng dụng mô hình mới là nuôi tằm trên sàn nhà thay vì nuôi trên nong, né như trước. Cách nuôi mới này vừa tiết kiệm thời gian, lại giảm được chi phí mua nong. Nhờ đó, nghề nuôi tằm không còn quá vất vả mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước.
Theo nông dân trồng dâu, nuôi tằm tại xã Đak Lua, từ trẻ em đến người cao tuổi đều có thể tham gia vào công việc trồng dâu, nuôi tằm. Người trồng chỉ cần 1 lần xuống giống, 4 tháng sau ruộng dâu cho thu hoạch. Nếu được chăm sóc tốt, ruộng dâu có thể cho thu hoạch vài chục năm. 1 hécta trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương có thể cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.
Theo nông dân nuôi tằm tại địa phương, nuôi trên nong, người nuôi phải cho tằm ăn liên tục. Nhưng khi nuôi trên nền nhà, người nuôi giảm được rất nhiều công chăm sóc. Mô hình nuôi mới này còn có nhiều lợi ích khác như thay vì dọn phân hàng ngày, giờ đây 5 ngày, người nuôi mới dọn 1 lần. Nuôi tằm trên nền nhà, diện tích rộng hơn nên tằm ăn được nhiều hơn và cho kén nặng hơn. Khi tằm chuẩn bị “chín”, người nuôi căng lưới trên nền nhà, tằm tự bò lên lưới để vào né.
Ông Phạm Văn Viết, nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm tại xã Đak Lua, so sánh nuôi tằm trên sàn nhà có nhiều lợi ích so với cách làm truyền thống, nhất là tiết kiệm được rất nhiều công lao động. Trước đây, bình quân 1 nhân công, 1 lứa chỉ nuôi được khoảng 40kg kén thì nay có thể nuôi được 1 tạ kén. Năng suất, chất lượng kén nuôi theo cách mới cũng đạt tốt hơn.
Đủ điều kiện để hình thành làng nghề
Không chỉ hình thành được vùng chuyên canh trồng dâu, nuôi tằm với quy mô lớn, tại địa phương này đã thành lập được hợp tác xã theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến ra sản phẩm tơ tằm chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nói về hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ông Nguyễn Văn Hải, nông dân có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm tại xã Đak Lua, chia sẻ gia đình ông gắn bó lâu dài với nghề trồng dâu nuôi tằm vì mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất các cây trồng khác. Nhưng quan trọng hơn, tại địa phương có hợp tác xã sản xuất tơ, bao tiêu kén tằm cho nông dân với giá tốt. Nông dân yên tâm vì tham gia vào chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm được đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Duy Đông, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tơ tằm Duy Đông (xã Đak Lua), cho biết xưởng sản xuất tơ của hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại địa phương. Thời gian đầu, cơ sở làm bằng máy móc thủ công, nấu tơ bằng nồi và quay tơ bằng tay. Trong quá trình phát triển, hợp tác xã đã đầu tư gần 20 tỷ đồng cho nhà xưởng, hệ thống máy móc tự động để sản xuất tơ với sản lượng lớn, chất lượng cao. Nguồn tơ tằm này hiện được hợp tác xã cung cấp cho những làng nghề dệt lụa tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một phần cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhu cầu về tơ tằm của thị trường hiện nay cung không đủ cầu. Nhờ đó, hợp tác xã đang bao tiêu đầu ra kén tằm của người nuôi với giá tốt, người trồng dâu, nuôi tằm mới yên tâm gắn bó suốt bao nhiêu năm qua.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Đak Lua Đới Xuân Thủy, Đak Lua là xã vùng sâu, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... Trước đây, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Xây dựng nông thôn mới, địa phương tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mô hình trồng dâu, nuôi tằm là một trong những nghề chủ lực của địa phương; góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương. Xã đang làm thủ tục công nhận làng nghề trồng dâu, nuôi tằm với nhiều chính sách hỗ trợ để làng nghề này phát triển hơn nữa.