Nghề tổ chức sự kiện tất bật dịp cuối năm

Cuối năm là dịp nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện như tất niên, tổng kết, tri ân và chào đón năm mới. Nghề tổ chức sự kiện cũng vì thế mà tất bật hơn.

Anh Dũng "Sắc Việt" (áo đỏ) cho biết cuối năm là lúc công việc bận rộn, nhiều năm nay anh làm việc xuyên giao thừa

Anh Dũng "Sắc Việt" (áo đỏ) cho biết cuối năm là lúc công việc bận rộn, nhiều năm nay anh làm việc xuyên giao thừa

Mùa "hốt bạc"

Làm trong ngành sự kiện hơn 10 năm thì có tới 8 năm anh Trần Văn Dũng (Dũng "Sắc Việt") làm việc xuyên giao thừa.

Công ty anh Dũng thường phụ trách chính chương trình văn nghệ chào năm mới và bắn pháo hoa ở khu vực hồ Bạch Đằng (TP Hải Dương). Vì vậy, anh cùng các đồng nghiệp sẽ xem pháo hoa, đón giao thừa ở địa điểm tổ chức chương trình, sau đó về công ty lúc 3 giờ sáng, khai xuân, mừng tuổi đầu năm. Anh Dũng đặt xe taxi cho những anh em ở tỉnh xa như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình về quê đón Tết.

Năm nay, ăn Tết cùng gia đình được ít ngày, anh cùng đồng nghiệp lại tiếp tục chuẩn bị tổ chức chương trình live concert Xuân diễn ra vào ngày 8, 9/2 tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng.

Cuối năm, có những ngày công ty anh nhận làm 4 - 5 sự kiện. Đội ngũ của Sắc Việt Entertainment chỉ có hơn 20 người, anh phải chia nhân sự đi làm nhiều chương trình. Đồng thời tuyển thêm khoảng 20 - 30 nhân sự làm bán thời gian để chạy sự kiện.

Với những sự kiện lớn, cần tập trung lực lượng thì anh Dũng chỉ nhận 1 hoặc 2 chương trình trong ngày. “Mình không dám nhận nhiều vì không kham được, sợ bảo đảm được chất lượng chương trình”, anh Dũng nói.

Cuối năm nhận nhiều sự kiện nên nhiều công ty phải chia nhỏ nhân sự để làm việc, thậm chí thuê thêm nhân sự bên ngoài

Cuối năm nhận nhiều sự kiện nên nhiều công ty phải chia nhỏ nhân sự để làm việc, thậm chí thuê thêm nhân sự bên ngoài

Cũng theo chia sẻ của một số người làm sự kiện, đặc thù của ngành này bận nhất vào 3 tháng cuối năm và đầu năm vì thời gian này tập trung rất nhiều ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, chương trình tổng kết, tất niên và các lễ hội. Đây được xem là mùa “hốt bạc” của nghề tổ chức sự kiện.

Làm việc xuyên 2 năm

Nhiều công ty, doanh nghiệp tổ chức tiệc tất niên và chào năm mới dịp này

Nhiều công ty, doanh nghiệp tổ chức tiệc tất niên và chào năm mới dịp này

Hiện nay, nhiều sự kiện, chương trình của các sở, ngành, đơn vị, công ty, doanh nghiệp đều thuê công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp thực hiện. Các công ty này sẽ thực hiện trọn gói chương trình từ khâu lên ý tưởng, kịch bản, mời nghệ sĩ, MC, dựng nhà rạp, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, bàn ghế…

Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện. Các sự kiện như khánh thành, khai trương, hoạt động văn hóa, thể thao, tiệc cưới trọn gói, giới thiệu sản phẩm... thường được doanh nghiệp tổ chức sự kiện ký hợp đồng thực hiện.

Tùy quy mô và số lượng khách của mỗi sự kiện mà thời gian chuẩn bị sẽ sớm hay muộn. Kinh phí của mỗi sự kiện cũng dựa vào đó để các bên hợp tác làm việc. “Chi phí một sự kiện sẽ dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”, một người làm trong ngành sự kiện lâu năm tiết lộ.

Một sự kiện quy mô vừa và lớn phải có thời gian chuẩn bị trước đó từ 1 - 2 tháng, từ lúc xây dựng ý tưởng kịch bản để làm việc với khách hàng. Sau khi được duyệt phương án rồi mới thi công, sản xuất.

Đơn cử chương trình nghệ thuật chào xuân Ất Tỵ 2025 tại công viên Bạch Đằng diễn ra vào tối 29 Tết nhưng sân khấu hiện đang được dựng lên.

Chương trình chào Xuân Ất Tỵ 2025 đã được lên ý tưởng, kịch bản chuẩn bị từ 1 tháng trước

Chương trình chào Xuân Ất Tỵ 2025 đã được lên ý tưởng, kịch bản chuẩn bị từ 1 tháng trước

Với những người làm nghề tổ chức sự kiện, làm việc xuyên giao thừa 2 năm là chuyện bình thường.

Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024, sau khi kết thúc chương trình văn nghệ ở quảng trường Trung tâm văn hóa Xứ Đông, anh Nguyễn Tài (ở TP Hải Dương) nhanh chóng tháo dỡ hệ thống âm thanh, ánh sáng, đồ điện tử để di chuyển về công ty. Còn sân khấu và những đồ cơ khí có thể để lại thu dọn sau. Vậy mà xong việc cũng đã sang ngày mới.

Với mức thưởng Tết khoảng 5 - 10 triệu đồng, anh vẫn cố gắng đi làm vào dịp này để có thêm thu nhập thay vì cùng gia đình xem Táo quân, đón năm mới.

Nhiều chương trình nghệ thuật, ca nhạc tổ chức buổi tối nên những người làm tổ chức sự kiện có thể làm việc đến khuya, thậm chí khi đã sang ngày mới

Nhiều chương trình nghệ thuật, ca nhạc tổ chức buổi tối nên những người làm tổ chức sự kiện có thể làm việc đến khuya, thậm chí khi đã sang ngày mới

Cũng từng làm việc xuyên giao thừa nhiều năm trước, anh N.H. (quê ở Nam Sách) hiểu được sự vất vả của công việc tổ chức sự kiện. Những năm gần đây, anh H. đã cho bản thân và các anh em cộng sự nghỉ Tết sớm hơn, không nhận làm các chương trình sát Tết nữa.

Anh H. hiểu nỗi vất vả của công việc này khi đi sớm, về khuya. Thậm chí có những chương trình ở tỉnh xa phải đi nhiều ngày, ăn uống, ngủ nghỉ không bảo đảm giờ giấc.

“Làm việc vất vả cả năm rồi. Dịp Tết ai cũng muốn về sớm quây quần bên gia đình, những anh em ở xa cũng cần về với vợ con nên năm nay tôi cho mọi người nghỉ Tết sớm, không nhận chương trình sát Tết nữa”, anh H. tâm sự.

MỘC MIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nghe-to-chuc-su-kien-tat-bat-dip-cuoi-nam-403847.html
Zalo