Nghe tiếng ếch kêu từ lưng chừng giời

Tôi không ngoa đâu. Ở tầm 50 m cao thì cũng đáng gọi là lưng chừng giời lắm chứ. Nhớ ngày ở quê, chiếc diều của tôi đứt dây vướng vào ngọn tre, tôi hì hục trèo nửa buổi vẫn không sao lấy xuống được. Biết chuyện, bà tôi bảo 'mày leo lên lưng chừng giời thế, ngã gãy cổ con ạ. Mất cái này thì làm cái khác, tiếc gì'.

Thì ra cái độ cao “lưng chừng giời” cũng tùy theo suy nghĩ của mỗi người. Bà tôi bảo ngọn tre đã là lưng chừng giời, còn tôi đang ngồi ở ban công tầng 17, cách mặt đất khoảng 50 m thì không còn là lưng chừng giời nữa. Phải là tận trên giời ấy chứ. Độ chính xác của dân gian trong nhiều cách nói không cần như của người làm nghề nhưng nó có độ chính xác về cách thể hiện.

Khí thu đã bàng bạc cả không gian. Mưa mát. Ngồi ở ban công nhìn ra ngoài trời chỉ thấy ánh đèn ven đê đỏ đọc, còn dòng sông thì không dấu vết. Cứ thăm thẳm chả nhận ra được gì. Được cái tiếng ếch kêu và tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm mát lạnh hơi nước mưa cũng rất gợi. Lâu lắm rồi không nghe tiếng ếch kêu. Không có xe chạy nên tiếng kêu nghe rõ lắm. Chúng gọi bạn tình hay háo hức vì được hứng những giọt nước mát lành sau những ngày nóng nực? Cứ hình dung ở phía này có con đang há miệng đón mưa rồi cất tiếng thì chỉ vài giây sau phía kia đã có con khác đáp lời. “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai” nhưng không giật mình vì tiếng gọi đò nào cả. Mình chủ động chờ nghe âm thanh nồng nã, vui vẻ hứng tình thế, giật mình nỗi gì. Nghe nói người ta sẽ xây ở khu đất trống này một tổ hợp gì đó. Lũ ếch và côn trùng kia kêu được ngày nào thì cứ kêu đi, nay mai chỗ này thành đô thị hết, đâu còn chỗ cho chúng mày.

Vẩn vơ nhớ lần ở Sóc Sơn. Mưa như lũ. Ao nhà mình một lúc nước tràn. Tạnh mưa, mở cửa bước ra sân nghe được cả một dàn hợp xướng ếch nhái côn trùng quanh nhà. Ban ngày chúng trốn đâu hết. Mưa xong chúng kéo ra như đêm tối này, đất đai này là lãnh địa riêng của chúng vậy.

Nhớ năm 1965 mình đào hai cái hố tăng xê ở vườn chè. Nghe phổ biến thì phải làm chứ chả ai nhảy xuống đó khi máy bay Mỹ đánh Hải Dương, Hà Nội bay qua quê mình rất thấp. Năm 1969 còn làm cả hầm kèo tốn bao nhiêu công sức nữa. Bẵng đi sau mấy cơn mưa, lúc hái chè mình thấy mấy hố tăng xê lưng lửng nước, đục ngầu. Mách mẹ thì ra bà cũng biết hố nào cũng có mấy con ếch rơi xuống tự khi nào. Mình bắt được năm con, trong đó có hai con to. Mẹ bảo hai con to là ếch cái, ba con nhỏ là ếch đực. Bà khuyên mình thả chúng ra vì nhà mình không ăn thịt ếch. Mình tiếc, nhưng nghe mẹ bảo: “Thả chúng nó ra. Mùa tháng 3 là mùa ếch đẻ. Bán cũng được mấy hào nhưng bán làm gì”. Nói thêm, mẹ mình không ăn cá da trơn, lươn ếch, cá quả, thịt trâu bò nên hai anh em mình cũng không ăn như mẹ. Lớn lên mình thấy khá phiền phức khi sống tập thể hàng chục năm.

Giờ từ lưng chừng giời lại nghe tiếng ếch kêu. Lại nhớ những ngày xa. Nhìn xuống đường không thấy có chiếc xe nào còn chạy. Nửa đêm về sáng rồi. Tất cả như ngủ say. Chỉ thấy tiếng ếch điểm vào dàn đồng ca của côn trùng. Có giọt nước mưa bay vào mặt. Quầng trăng đang tán. Đã vừa qua Rằm tháng Bảy. Nếu còn sống, thấy mình không ngủ ngồi vẩn vơ thế chắc mẹ sẽ nhắc “Đi ngủ thôi, thức đêm hại người lắm”. Nhưng hôm nay khác. Ếch nhái và các loại ơi, cứ kêu cho thỏa thích đi. Đã sang tiết thu rồi.

PHẠM QUANG LONG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-tieng-ech-keu-tu-lung-chung-gioi-10289280.html
Zalo