Nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê

Chùa Bối Khê, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là một trong những ngôi chùa vừa có quy mô lớn vừa có niên đại sớm ở châu thổ Bắc Bộ. Với những nét độc đáo, mang nhiều giá trị di sản về kiến trúc và trang trí, ngôi chùa vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Bối Khê tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, với tổng diện tích 8.447 m2, là một trong những chùa vừa có quy mô lớn vừa có niên đại sớm ở châu thổ Bắc Bộ.

Chùa Bối Khê tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, với tổng diện tích 8.447 m2, là một trong những chùa vừa có quy mô lớn vừa có niên đại sớm ở châu thổ Bắc Bộ.

Ngày 17/1 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 152-QĐ/TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025). Tại Quyết định này, chùa Bối Khê được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngày 10 tháng Giêng Ất Tỵ, tức ngày 7/2/2025 tới đây, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê và khai hội Xuân Ất Tỵ 2025.

Là ngôi chùa cổ vừa thờ Phật vừa thờ Đức thánh Nguyễn Bình An (dân gian gọi là Đức thánh Bối), chùa Bối Khê tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, với tổng diện tích 8.447m2, là một trong những chùa vừa có quy mô lớn vừa có niên đại sớm ở châu thổ Bắc Bộ với quá trình phát triển lâu dài từ thời Lý cho đến thời Nguyễn. Các nhà nghiên cứu đánh giá quần thể ngôi chùa có tổng thể mặt bằng tiêu biểu kiểu “nội công ngoại quốc” và cũng là loại hình chùa tiền Phật hậu Thánh vào loại sớm nhất trong vùng.

Cổng chùa Bối Khê.

Cổng chùa Bối Khê.

Trước cổng chùa là khoảng sân rộng rãi, ngoài cùng bên trái có một dãy năm tháp, báo hiệu địa vực của chùa, bên phải là đền thờ Đức Ông, trong sân có hai cây di sản Việt Nam là cây bồ đề và cây đa cổ thụ hơn 400 năm tuổi. Tiếp theo Ngũ Không Môn là cầu vồng xây bằng gạch bắc qua Đỗ Động giang với cảnh trí tuyệt đẹp: Ngũ quan soi bóng xuống dòng sông cổ Đỗ Động trong xanh tạo nên sự lung linh huyền ảo chốn thiền tự. Đó cũng là ý nghĩa của 4 chữ Thanh Động trùng quan mà các bậc “túc nho cao sĩ” xưa đã ghi trên mặt sau cổng chính.

Trước Tam Quan có hai phiến đá lớn đặt sát cạnh nhau, được dân gian coi là vết chân của Thánh Bối. Tam quan kiêm gác chuông, cao hai tầng, tám mái được làm năm Hoằng Định thứ 4 (1603), tu sửa năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), trùng tu năm Khải Định thứ 8 cùng với việc trùng tu tòa Đại bái của chùa. Tầng trên treo 2 quả chuông lớn, đường kính 60cm, cao 1m. Một quả đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), một quả đúc thời Duy Tân.

Hai cụm kiến trúc chính và quan trọng nhất của chùa Bối Khê, bao gồm phần chùa Phật và phần cung Thánh/điện Thánh. Chùa Phật bao gồm các tòa Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện (nhà Tam Bảo), hai dãy hành lang và một phần của tòa Đại Bái dựng theo hình chữ “quốc”. Hậu đường được kết nối với cung thờ Thánh nằm ở phía sau tạo thành hình chữ “công”.

Điều đặc biệt của kiến trúc chùa Bối Khê là vừa thờ Phật vừa thờ Thánh. Điện Thánh linh thiêng với kiến trúc hai tầng tám mái. Tòa điện Thánh nhìn gần tựa như hình bông sen. Các nhà phong thủy xưa cho rằng chùa Bối Khê có hình “phượng múa” mà tòa điện Thánh là mào phượng giống hình bông sen, hai giếng khơi bên cạnh chùa là mắt phượng. Điện Thánh gồm hai khu: khu hành lễ và hậu cung. Hậu cung là cung cấm, có tượng Thánh và các tiểu đồng. Cung cấm mở cửa những ngày tuần tiết để dâng lễ, người có chức phận mới được vào.

Chùa Bối Khê là một kho tàng chứa đựng nghệ thuật trang trí của người xưa. Đáng chú ý nhất là ở phần hiên Tiền Đường, hình chạm đặc biệt nhiều trên các vị trí đầu bẩy hiên, cốn hiên, xà nách và nóc cửa. Ngoài ra, còn có các hình nổi trên gạch trang trí bậc thềm. Trên đầu bẩy hiên, các đề tài được chạm gồm có: lá cách điệu, liên áp, mẫu đơn và phong cảnh, tùng điểu, liễu và đôi chim nhạn, cúc hóa phượng, mai hóa long. Các hình ở đây được chạm nổi kết hợp với chạm bong kênh. Các hình chim trau chuốt kỹ. Các hình tứ linh mang tính cách điệu rất cao. Các hình hoa quả quý, một số con vật như chim nhạn, vịt, mang tính hiện thực rõ nét, rất gần với hình dạng thực. Trên xà nách, ngoài các đề tài mai hóa long, cúc hóa long, lựu hóa long, đàn hóa phượng, còn có thêm nhiều loại vật quý như sách bút, tù và, sáo, quạt, đàn...; quả quý như lê, lựu, đào, phật thủ...

Các đề tài phức tạp hơn được thể hiện trên các cốn hiên, hình tứ linh là nhiều nhất, bên cạnh đó là phong cảnh-nhân vật, phong cảnh. Đề tài tứ linh thể hiện bốn con vật thiêng: long, ly, quy, phượng. Sáu cảnh thể hiện đề tài này, về cơ bản có đủ bốn con vật, nhưng thường thay đổi loại con, đồng thời, thêm vào nhiều loại con vật khác. Về đề tài phong cảnh-nhân vật, đáng chú ý có hai cốn hiên liên quan đến tích Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh.

Cốn thứ nhất chạm cảnh một vị tăng cầm tích trượng, đầu đội mũ cánh sen, áo cà sa chùng rộng cưỡi ngựa đang thong thả bước. Phía trước nhà sư xuất hiện một phần kiến trúc hai tầng tám mái. Phía sau nhà có một người đang gánh hành lý. Có ba hay bốn quỷ sứ trên đầu có sừng đang cầm vũ khí dường như đang ở tư thế rình rập phía sau. Phía trên vị tăng xuất hiện một người dáng gọn nhỏ tay cầm gậy đang lướt trên các cuộn mây. Có thể đoán đây là diễn tả cảnh Tôn Ngộ Không bảo vệ Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, khi chưa có nhân vật Trư Bát Giới, Sa Tăng. Cốn thứ hai, chạm vị tăng đang cưỡi ngựa đi bên một cây tùng rất to lớn. Phía sau vị tăng có một người đi theo. Phía sau nữa cũng nhô ra một phần của một kiến trúc hai tầng tám mái. Trên không trung, phía trước và phía sau nhà sư đều có các hình quỷ sứ xuất hiện. Nếu liên hệ với cảnh chạm trên cốn trước đó thì có thể đoán đây là cảnh lúc Đường Tăng đi thỉnh kinh mà chưa có các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng.

Trang trí ở phần hiên nhà Tiền Đường còn thể hiện ở các viên gạch thời Mạc và đá bó thềm hoặc bậc thềm. Các đề tài trang trí gồm có rồng, phượng và sư tử. Những viên gạch có trang trí này tương tự như ở bệ đất nung chùa Trăm Gian-Quảng Nghiêm, có phong cách nghệ thuật thời Mạc.

Tượng 18 vị La Hán ngồi trên bệ gạch.

Tượng 18 vị La Hán ngồi trên bệ gạch.

Chùa Bối Khê còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý, với 58 pho tượng lớn nhỏ, 2 cây đèn gốm thời nhà Mạc và 22 đạo sắc phong. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, 18 vị La Hán ngồi trên bệ gạch, với đủ gương mặt và tư thế khác nhau của kiếp trần gian.

Về tượng thờ, các tượng thờ tiêu biểu ở phần chùa Phật và cung Thánh được cố Tiến sĩ Khảo cổ học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Nguyễn Quốc Tuấn đánh giá là những pho tượng đẹp của nghệ thuật tạo hình tôn giáo Việt Nam. Trong số các pho tượng ở chùa Phật đáng lưu ý nhất là các pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn cuối thế kỷ 16 còn nguyên vẹn, pho tượng Bà Hậu thời Mạc, pho Thích Ca Sơ Sinh thế kỷ 18 cùng với tòa Cửu Long mà nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tuấn nói chưa từng gặp ở đâu, các pho tượng Di Đà Tam Tôn ở thế kỷ 19 có niên đại tuyệt đối ghi trên bi ký.

Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn mới chỉ thấy từ thế kỷ 16, chưa thấy ở các thế kỷ trước đó, do đó có thể coi đây là hình mẫu của các pho Quan Âm cùng thời kỳ.

Tượng ở phần Hậu Cung cung Thánh đáng chú ý hơn nữa bởi đây là mẫu tượng Thánh hoàn toàn riêng với sự thể hiện hình khối, đường nét trau chuốt. Những pho tượng Thánh Mẫu và Thánh Bối giàu chất chân dung hiện thực, song tư thế lại chịu ảnh hưởng của của tượng Quan Âm. Đây là hai pho tượng nữ Thánh độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Trong hơn tám thế kỷ tồn tại, ở một số thời điểm, chùa bị hủy hoại một phần, rồi lại được trùng tu, tôn tạo, để từ thế kỷ 15 về sau, chùa có tiếng là một đại danh lam và đến nay trở thành di sản tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật có thể gọi là vô giá của dân tộc. Đó là cấu trúc bình đồ, kết cấu và trang trí kiến trúc Thượng Điện, là bàn thờ đá hoa sen thời Trần (1382), là pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tạo tác vào cuối thế kỷ 16, là Hậu Cung cung Thánh (thời Lê Trung hưng), là các bi ký từ thời Lê Sơ cho đến thời Nguyễn.

Lễ hội chùa Bối Khê từ xưa có tiếng là đông vui ở Thanh Oai, được mở từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Giêng. Ngày 10 có rước nước về làm lễ “mộc dục”. Ngày 11 đón “Quan anh”; ngày 12 chính hội; ngày 13: lễ tạ và kết thúc lễ hội, đóng cửa chùa. Lễ hội chùa Bối Khê là lễ hội hàng tổng gồm 11 làng thuộc 3 tổng rước kiệu dâng lễ Phật Thánh.

Sự tích lễ hội chùa Bối Khê gắn với Đức Thánh Bối. Tên Ngài là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê, năm 6 tuổi mồ côi cha mẹ, ở với cô cậu, chăn trâu cắt cỏ, gặp năm nắng hạn thường nhặt tôm cua cá đem ra sông Nhuệ phóng sinh rồi về giếng Bùi Xá tắm. Do tích này mà trong lễ hội chùa Bối Khê có rước nước từ giếng Bùi Xá về làm lễ “mộc dục” (tắm gội). Năm 9 tuổi, Ngài xuống tóc tu tại chùa Bối Khê sau đó tu tại chùa Trăm Gian. Năm 95 tuổi, Ngài làm một khám son đặt bên tả điện phật chùa Trăm Gian rồi cho mời Tứ Bích (gồm Thượng thôn, Nội thôn, Phương Tuyền và Thổ Ngõa) cùng các thiền tăng tùng giả đến và dặn rằng: Nay thầy số trời đã hết. Thầy vào khám ngồi đủ trăm ngày thì mở, thơm để thờ, nhược bằng tanh dơ thì mang ra sau chùa để táng. Đến ngày 4 tháng Giêng, thấy mùi thơm ngào ngạt, hào quang tỏa sáng, dân Tứ Bích vui mừng đèn nhang cúng tế gần 3 ngày và thông báo cho toàn dân quanh vùng biết.

Các trò chơi dân gian diễn ra suốt những ngày lễ hội, có thể kể đến như múa võ, đấu roi tổ chức tại sân trước với các thế võ đỡ roi, tránh roi, phóng roi, chơi cờ người, chèo thuyền thúng bắt vịt… Những trò chơi dân gian không chỉ tái hiện văn hóa đời thường của người dân vùng chiêm trũng, mang tính giải trí, mà còn giúp người dân giao lưu, gắn kết và tạo ra những kỉ niệm đáng nhớ trong lễ hội.

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Bối Khê còn là nơi hoạt động của du kích xã Tam Hưng. Hệ thống địa đạo ngầm trong lòng đất mà cửa hầm bí mật tại chùa Bối Khê (còn lưu giữ đến ngày nay) thông đến các làng trong xã dài tới mấy km lập nên những chiến tích oai hùng của bốn chữ vàng “Tam Hưng Anh Dũng” và danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

PGS.TS. Phạm Minh Phúc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-thuat-kien-truc-doc-dao-cua-di-tich-quoc-gia-dac-biet-chua-boi-khe-post858314.html
Zalo