Nghệ thuật đá cầu kiểng

Với những chiêu thức 'độc, lạ', uốn lượn cơ thể của người chơi, đã mang lại nét thu hút rất riêng cho bộ môn đá cầu kiểng (hay gọi là đá cầu nghệ thuật). Một môn thể thao vừa lành mạnh, bổ ích, vừa có tính nghệ thuật đã phát triển từ rất lâu khắp các địa phương ở TPHCM.

"Nhảy múa" cùng trái cầu

Vòng quanh các công viên, trung tâm văn hóa - thể thao tại TPHCM vào những buổi sáng sớm hay chiều muộn sau giờ tan sở, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhóm 6-7 người đang thực hiện các động tác uốn cong người, móc chân, đặt các vòng tay... để chuyền cầu một cách đầy điệu nghệ. Họ đang chơi một môn thể thao khá quen thuộc, đá cầu kiểng, hay còn lại là đá cầu nghệ thuật.

Không thể không trầm trồ và bị lôi cuốn hút khi được xem trực tiếp người chơi trổ tài. Nhiều người còn thốt lên: “Họ đá cầu mà như múa hay làm xiếc”. Hơn 40 năm gắn bó với môn thể thao này, anh La Văn Kim (đội trưởng đội Tinh Võ - Tia chớp quận 5) cho biết, nếu ở môn đá cầu truyền thống, người chơi dùng mu bàn chân, má ngoài, má trong bàn chân để đá, thì ở đá cầu kiểng có thêm những chiêu thức như: đá móc gầm sau lưng, đặt vòng tay, đá bọ cạp, đá Apsara, cánh gà (đá má ngoài), số 4... Đa số tên gọi của các động tác đều được đặt theo dân gian.

Ngay tên gọi cầu kiểng cũng cho thấy sự khác biệt với đá cầu bình thường. Khi trước, người chơi thường gọi là cầu giao, nhưng có vẻ vẫn chưa toát lên hết sự tinh túy, nghệ thuật của môn này. “Hoa khi có bàn tay con người chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa thì gọi là hoa kiểng. Đá cầu cũng thế, khi được nâng lên thành một môn thể thao nghệ thuật, được người chơi chăm chút trong từng động tác thì gọi là đá cầu kiểng", anh La Văn Kim giải thích.

 Người chơi sử dụng các chiêu thức độc lạ

Người chơi sử dụng các chiêu thức độc lạ

Không mang tính chất đối kháng như đá cầu truyền thống, đá cầu kiểng thiên về tính chất biểu diễn. Cứ 6-7 người chơi đứng thành vòng tròn, chuyền cầu qua lại với nhau bằng mọi bộ phận cơ thể (trừ tay), miễn sao cầu không rơi xuống mặt đất. Có thể bạn chỉ mất vài tháng để biết đá, nhưng càng đi sâu, người chơi sẽ tiếp cận với những động tác, kỹ thuật đá cầu rất khó: đặt vòng tay để cầu lọt, uốn thân người như nàng Apsara đang múa, nằm bò uốn chân như bò cạp..., cần nhiều thời gian khổ luyện.

Không chỉ là môn nghệ thuật

Với những nét độc đáo như thế, đá cầu kiểng đã thu hút nhiều người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi khác nhau tham gia. Chị Nguyễn Kim Hiền (ngụ tại quận 6) chia sẻ: Môn này chẳng cần đầu tư nhiều, một quả cầu cùng một đôi giày thể thao là có thể bắt đầu một cuộc chơi vui và khỏe! Lần lượt từng người một chuyền cầu cho nhau, đến lượt cầu của mình thì thể hiện các kỹ thuật điêu luyện. Dĩ nhiên, mỗi người chơi luôn có “độc chiêu” riêng, được người đi trước truyền lại cho người đi sau hoặc trong quá trình tập luyện tự sáng tạo ra.

Đá cầu kiểng không những mang đến cơ hội giao lưu, kết nối thêm nhiều bạn bè, mà còn giúp người chơi nâng cao sức khỏe, rèn luyện cơ thể dẻo dai, săn chắc. Đây là môn thể thao chẳng kén người chơi. Già, trẻ, nam, hay nữ đều có thể tham gia, không sợ gặp chấn thương như nhiều môn thể thao khác. Bởi thế mà phong trào luyện tập môn đá cầu kiểng đã phát triển khắp TPHCM. Hầu như quận huyện nào cũng có câu lạc bộ, đội nhóm luyện tập.

Đá cầu kiểng nghe tưởng chừng là môn quen thuộc, đơn giản, ấy vậy mà cũng lắm công phu để luyện được các chiêu thức. "Tùy theo năng khiếu, niềm đam mê và sự siêng năng của vận động viên mà quá trình luyện tập để thực hiện chiêu thức khác nhau. Nếu một người có khiếu và thời gian tập luyện nhiều thì cần khoảng 1-2 năm để thành chuyên nghiệp. Muốn trở thành một người chơi "lão làng" phải mất tầm 5-7 năm", anh La Văn Kim nói thêm.

Dù mang tính chất biểu diễn, các câu lạc bộ vẫn thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Một đội cần có 7 người khi ra sân thi đấu. Các thành viên đứng trong vòng tròn được chia sẵn, sau đó thực hiện động tác, kỹ thuật chuyền cầu cho nhau. Tùy vào độ khó của “chiêu thức”, pha cầu lỗi…, các thành viên sẽ được cộng hay trừ điểm. Kết thúc trận đấu, đội nào có tổng số điểm lớn hơn sẽ giành chiến thắng.

Anh La Văn Kim (đội trưởng đội Tinh Võ - Tia chớp quận 5) chia sẻ, đá cầu kiểng theo chân những người gốc Việt từng làm ăn, sinh sống tại Campuchia du nhập vào Việt Nam từ những năm 1970. Sau nhiều năm phát triển phong trào, môn này dần định hướng chuyên nghiệp, tính điểm bằng kỹ thuật của người chơi, có luật chơi khá chặt chẽ và bài bản.

Đặc biệt, cầu kiểng đã được đưa vào hệ thống giải thể thao vô địch TPHCM, có hệ thống bảng điểm điện tử hiện đại. Vào tháng 11 tới tại TPHCM, giải đá cầu nghệ thuật vô địch quốc gia sẽ lần đầu tiên được tổ chức.

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghe-thuat-da-cau-kieng-post761239.html
Zalo