Nghệ sĩ video Sylbee Kim: 'Thực hành nghệ thuật giống như đi tìm hòn sỏi ở bờ sông'
Nhận định trên được nghệ sĩ Sylbee Kim chia sẻ tại buổi trình bày và thảo luận 'Giáo dục Nghệ thuật Đương đại tại Hàn Quốc và Đức: Những trải nghiệm song song', tổ chức tại Hà Nội ngày 12.4. Tại đây, nữ nghệ sĩ chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong quá trình thực hành nghệ thuật tại Đức và Hàn Quốc và khơi mở hướng đi cho mô hình giáo dục phi truyền thống bền vững.

Tác phẩm “Trinity: Finance-Credo-Spirituality” được Sylbee Kim hoàn thành vào năm 2019. Trong ảnh là chiếc hộp với tên gọi “Sanctuary”, nơi Sylbee Kim coi là cái hang. Thiết kế trên hộp được chị sáng tạo từ biểu tượng tôn giáo và nhãn hiệu hàng hóa thương mại. Ảnh: Chulki Hong.
Công nghệ và mối liên hệ với tri thức cổ xưa
Trong thời đại công nghệ lên ngôi, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ song hành với cơ hội, thách thức về sự sáng tạo của con người. Với nghệ sĩ video Sylbee Kim, công nghệ luôn là công cụ để tái diễn giải quá khứ, sáng tạo tác phẩm, định hướng tương lai. Nghệ sĩ có những cảm hứng bất chợt trong quá trình thực hành nghệ thuật. Ví AI như “máy giặt”, cô cho rằng quá trình vận hành của nó, nếu nghệ sĩ cho thêm màu thay vì “giặt” thông thường, sẽ cho ra kết quả khác.
Điều đặc biệt, nghệ sĩ Sylbee Kim thấy mối tương đồng giữa công nghệ hiện đại và tri thức cổ xưa. Đó là khao khát kết nối của con người khi cô lập.
Liên tưởng tới nghệ thuật sơ khai, trong không gian tự cô lập, người tiền sử vẽ tranh hang động nhằm kết nối cộng đồng, Sylbee Kim nhận ra, con người thời nay cũng có nhu cầu chia sẻ, kết nối tương tự. Con người thời nay tìm cách chia sẻ trên không gian mạng, khi bị giới hạn về không gian vật lý: “Tôi luôn muốn thể hiện tầm quan trọng của sự “tồn tại cùng nhau” trong không gian như thế ở các tác phẩm. Tôi vẫn nghĩ còn hình thức nào đó cho bức tranh hang động trên môi trường mạng”.

Nghệ sĩ video Sylbee Kim. Ảnh: Heritage Art Space.
Nghệ sĩ Sylbee Kim còn nhận thấy phát minh ngày nay lại có dáng dấp từ ngàn xưa. Cô tìm thấy những điểm trùng khớp giữa cái cũ với cái mới trong trình diễn nghệ thuật. Trong tác phẩm sắp đặt video Trinity: Finance-Credo-Spirituality (2019), Sylbee Kim thể hiện 3 hiện vật: “Spiny Nodes” (tạm dịch: nút mạng gai), “Spiny Device” (tạm dịch: nút thiết bị) – là vật trung gian thầy cúng dùng để kết nối với thế giới tâm linh, theo Sylbee; “Spiny Face” (tạm dịch: nút mặt nạ) trong chiếc hộp hình vuông, gọi là “Sanctuary” (tạm dịch: thánh địa).

Trong hộp “Sanctuary”, Sylbee Kim sắp đặt hài hòa video và 3 hiện vật: “Tôi mời sự hiện diện của 3 người nữ trong video, với các hiện vật. Điều này biểu tượng cho sự linh thiêng và cân bằng rất mong manh.” Ảnh: Chulki Hong
Sự trùng khớp, giao thoa giữa cái cũ – cái mới ở đây phải kể đến mặt nạ hai chiều Spiny Face. Mặt thứ nhất, tác giả biểu hiện sự nhận dạng khuôn mặt con người của AI, đồng thời cũng là điểm huyệt của châm cứu cổ xưa. Mặt thứ hai là từ khóa về sự phát triển công nghệ.


Spiny Face – mặt nạ hai chiều. Ảnh: Hyunmoo Lee và Chulki Hong
Có thể thấy, sự kết nối là giá trị mà Sylbee Kim thể hiện toàn vẹn trong hình thức và nội dung. Do đó, nguồn cảm hứng cho tác phẩm sắp đặt video Trinity: Finance-Credo-Spirituality (2019) của cô cũng khởi nguồn từ hiện thực tiền ảo Hàn Quốc năm 2018, tại đây nữ nghệ sĩ tìm thấy sợi dây liên kết giữa tài chính và tâm linh: “Năm 2018, tiền ảo tại Hàn Quốc đình trệ, nhiều người trẻ tự tử vì bế tắc. Họ vay số tiền lớn từ ngân hàng với mong muốn làm giàu. Ai đó từng nói chúng ta chỉ có thể cầu nguyện”, Sylbee Kim tâm sự.
Đối với Sylbee Kim, quá trình thực hành nghệ thuật là “đi tìm hòn sỏi ở bờ sông”, như tháp đá cầu nguyện ở Hàn Quốc, tập hợp của những điều ước. Quá trình ấy của Sylbee cũng như vậy, cần mẫn thu thập những ước nguyện. Làm sao để thể hiện ước vọng khi cơ thể bị giới hạn bởi địa lý? Nghệ thuật giúp giải quyết vấn đề ấy.
Tại buổi trò chuyện, Sylbee Kim cũng trình bày nghệ thuật Hàn Quốc, dẫn ra bức tranh Save Han-yeol (1987) của Choi Byung Soo dưới thời nghệ thuật Minjung. Những năm 1980, người dân Hàn Quốc sống trong chế độ thiết quân luật, các phong trào phản đối sự độc tài chính trị nổ ra, nghệ thuật Minjung mang tính cổ động, đấu tranh chính trị. Đến những năm 1990, Hàn Quốc giỡ bỏ chế độ độc tài, các nghệ sĩ tự do tìm tiếng nói mới.
Cần phát triển không gian nghệ thuật phi truyền thống bền vững
“Giáo dục nghệ thuật cần được ưu tiên”, Sylbee Kim cho biết. Tại thành phố Berlin (Đức), Ban tổ chức bán bia hơi cho khách để chi trả cho vận hành không gian, sự kiện nghệ thuật. Còn ở Hàn Quốc, sinh viên còn cho thuê lại không gian vừa thuê với giá cao hơn. Hàng năm, hội đồng nghệ thuật ở Seoul sẽ chọn triển lãm để tài trợ. Với quỹ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân phải viết đơn tài trợ.

Sự kiện “Giáo dục Nghệ thuật Đương đại tại Hàn Quốc và Đức: Những trải nghiệm song song” thu hút giảng viên, sinh viên tại các trường Đại học quan tâm tới dự.
Theo Sylbee Kim, người trẻ ngày nay tổ chức nhiều buổi nói chuyện, triển lãm hơn. Cô cũng chia sẻ cách đây 3-4 năm, ở Seoul, Hàn Quốc có sự hỗ trợ nghệ thuật lớn, tạo cơ hội cho nghệ sĩ tiến thẳng vào môi trường nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ video gặp hạn chế hơn: “Tôi vẫn tìm con đường đi giữa thể chế và thị trường. Nghệ thuật không nên chỉ dành cho người nổi tiếng và giàu có”.
Khi được hỏi quan điểm về không gian nghệ thuật phi truyền thống thành lập tại trường đại học, cho phép nghệ sĩ hay công chúng đến thực hành nghệ thuật, Sylbee Kim hồi tưởng quãng thời gian học ở Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc (K-ARTS). Tại đây, Khoa Nghệ thuật của trường đã sử dụng tòa nhà cũ của an ninh, quân đội, nơi có cấu trúc kỳ lạ để biến thành không gian cho sinh viên triển lãm.
“Đến khi học năm thứ tư, chúng tôi kiến nghị triển lãm tại sân bóng rổ và đã được nhà trường chấp thuận. Chúng tôi tự dựng lên bức tường, vẽ và trang trí như gian hàng tại các hội chợ. Bây giờ nhà trường vẫn sử dụng mô hình tận dụng không gian cho sinh viên triển lãm như thế.
Trong môi trường Đại học, đó là nơi an toàn nhất để thử nghiệm, chúng ta có không gian phê bình, hỗ trợ lẫn nhau. Cần bắt đầu bằng những thứ ta có. Về Heritage Art Space, đây là mô hình giáo dục thay thế, giúp đa dạng hóa mô hình giáo dục nghệ thuật ở Hà Nội”, nghệ sĩ Sylbee Kim chia sẻ.

Một không gian sắp đặt tại triển lãm Bodies off Coordinates (2023) ở Hà Nội của nghệ sĩ Sylbee Kim. Ảnh: Ngô Trần Phương Uyên.
Bài giảng của nghệ sĩ Sylbee Kim đã diễn ra không không khí thân mật, thâm tình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Hiểu châu Á” của thư viện Heritage Art Space, nhằm mở rộng kiến thức châu Á, Đông Nam Á trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, xã hội.
Minh Trang
Nghệ sĩ video Sylbee Kim (sinh năm 1981 tại Seoul, Hàn Quốc) là thành viên hội đồng người châu Á đầu tiên của bbk berlin–Hiệp hội nghệ sĩ thị giác chuyên nghiệp Berlin. Từ năm 2005, cô sống và làm việc tại Berlin, Đức và Seoul, Hàn Quốc. Từ năm 2001-2005, Sylbee Kim học tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc, cử nhân nghệ thuật (ngành Lý thuyết nghệ thuật và ngành Nghệ thuật thị giác). Từ năm 2005-2010, cô học tại Trường Đại học Nghệ thuật, Berlin (ngành Truyền thông thực nghiệm).
Mối quan tâm của Sylbee Kim là vấn đề chính trị xã hội, thể hiện trong các tác phẩm sắp đặt video sản xuất bằng kỹ thuật số, ánh sáng và âm thanh. Bằng việc tác động tới ngôn ngữ nghe nhìn của công chúng, tác phẩm của chị tạo ra các cấu trúc hiển thị, biểu lộ một thực tế song song.
Kim đã tổ chức triển lãm cá nhân tại Mélange, Cologne; Nevan Contempo, Prague; Hapjungjigu, Insa Art Space và Project Space Sarubia, Seoul và tham gia triển lãm nhóm được tổ chức tại Gwanju Biennale, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và Đương đại Quốc gia Seoul, Bảo tàng Arko, Mediacity Seoul, Bảo tàng Nghệ thuật Seoul, Kunstverein Göttingen và Neuer Berliner Kunstverein cùng nhiều nơi khác…
Sylbee Kim tới Việt Nam vào đầu tháng 4.2025, đang nghiên cứu cộng đồng người thiểu số tại Việt Nam. Vào năm 2023, cô đã thực hiện triển lãm, nghệ thuật sắp đặt Bodies off Coordinates tại Hà Nội.