Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung: Hai tiếng Việt Nam luôn thân thương đối với tôi
Rời xa Việt Nam từ lúc 1 tuổi, thành danh ở Ba Lan, Nguyễn Việt Trung là người Việt Nam thứ hai, sau NSND Đặng Thái Sơn được vào vòng Chung kết cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin lần thứ 18. Sống và dịch chuyển ở nhiều quốc gia nhưng trong Nguyễn Việt Trung, dòng màu Việt Nam vẫn chảy mạnh.
Anh nói giỏi tiếng Việt (điều này khá hiếm với những người rời xa quê hương từ nhỏ), thích những món ăn Việt Nam và rất hiểu về văn hóa nguồn cội… Tôi gặp Trung vào những ngày cuối năm khi cái Tết đã chộn rộn ngoài cửa… Anh về Việt Nam biểu diễn theo lời mời của Ban Vận động Hội Nhạc cổ điển Việt Nam.
Trung chia sẻ câu chuyện âm nhạc, câu chuyện kết nối với cội nguồn gần gụi, xúc động…. Với Trung, hành trình đi xa là để trở về đóng góp cho quê hương mình.
Có những khoảnh khắc ta không thể gặp ở đâu ngoài piano
- Mỗi năm anh đều dành thời gian trở về Việt Nam biểu diễn. Lần này là một buổi hòa nhạc đặc biệt khi anh và người bạn thân của mình chơi 2 Conceto của Chopin. Anh có thể chia sẻ âm nhạc của Chopin có ảnh hưởng như thế nào đến con đường âm nhạc của anh?
+ Từ 5 tuổi tôi đã tiếp cận với âm nhạc của Chopin. Ông là nhà soạn nhạc cổ điển đầu tiên mà tôi nghe. Mẹ tôi mua các đĩa CD của ông và nghe trong những buổi tối chỉ có 2 mẹ con ở Ba Lan. Tôi sống và học tập ở Ba Lan, học và nghiên cứu về ông rất nhiều bởi âm nhạc của ông vang lên khắp nơi, từ trường học cho đến các buổi biểu diễn, khán giả luôn mong chờ tác phẩm của Chopin. Âm nhạc của ông đến với tôi một cách tự nhiên như thế. Sau này trưởng thành hơn, tôi nghiên cứu về cuộc đời của ông, xã hội những năm đầu thế kỷ 19 đã có ảnh hưởng đến âm nhạc của ông như thế nào…
Và thú thực, Chopin không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà cả gia đình, đặc biệt là mẹ tôi. Có những lúc hai mẹ con chia sẻ, hay là nghỉ một năm không nghe và chơi Chopin để một năm quay lại, mình có cảm nhận gì mới về ông hay không. Nhưng chỉ được 2 tuần, mẹ tôi đã nhắc, lâu lắm không nghe/chơi Chopin nhỉ. Có phải vì tôi nghe ông từ khi còn rất nhỏ, đã sống cùng âm nhạc của ông nên thiếu nó, tinh thần của tôi không ổn định lắm (cười).
- Điều gì ở âm nhạc Chopin ảnh hưởng đến anh nhiều thế?
+ Đó là chất thơ trong từng nốt nhạc của ông, sống ở Ba Lan, tôi hiểu những giai điệu, âm nhạc của ông chạm tới trái tim mọi người, rất gần gũi, nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khi chơi đàn.
- Nền âm nhạc cổ điển Việt Nam tự hào vì có một Nguyễn Việt Trung - người thứ hai được lọt vào Chung kết cuộc thi Piano quốc tế Frederic Chopin lần thứ 18, tại Ba Lan (phải sau 40 năm kể từ khi NSND Đặng Thái Sơn đạt giải thưởng Chopin). Còn với anh, dấu mốc đó, với hai tiếng Việt Nam vang lên ở một sân chơi đẳng cấp quốc tế có ý nghĩa như thế nào?
+ Cuộc thi Chopin là ước mơ lớn nhất của cuộc đời tôi. Và khi nghe tên Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam tôi rất xúc động. Càng lớn, tôi càng thấm thía hai chữ quê hương, vì thế, trong những chuyến biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, tôi đều tranh thủ cơ hội giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Tôi chơi “kèm” những bản nhạc Việt Nam tặng khán giả, như bài “Trống Cơm” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Họ đón nhận rất nồng nhiệt, nhiều người còn hỏi tôi có nốt nhạc của những bài này không, họ muốn thử chơi. Tôi rất vui vì âm nhạc của Việt Nam có những nét riêng. Tôi gửi cho nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nghe lại video đó, bác cũng rất hạnh phúc.
- Anh gắn bó với cây đàn piano từ 5 tuổi đến bây giờ, để có thành công chắc hẳn không chỉ là tài năng mà còn là một chặng đường dài khổ luyện. Vậy theo anh, điều gì để có một Nguyễn Việt Trung hôm nay?
+ Thú thực, ngày nhỏ tôi không thích học đàn, ban đầu phải có sự “can thiệp” của ba mẹ vì tôi vẫn ham chơi, thích đá bóng, tennis, chơi với bạn bè. Nhưng gia đình luôn ủng hộ và thầy cô giáo bảo tôi có năng khiếu nên đi theo con đường âm nhạc. Tôi cũng băn khoăn. Tôi nhớ, có một dấu mốc quan trọng, đó là năm 12 tuổi, tôi đến biểu diễn ở một thành phố nhỏ ở xa Ba Lan, khi chơi xong một bản nhạc của Chopin, những người Ba Lan lớn tuổi sinh sống ở thành phố đó xúc động rơi nước mắt. Âm nhạc của tôi đã chạm tới trái tim họ. Trước đó tôi không gặp được những cảm xúc như vậy.
Khoảnh khắc đó, cậu bé 12 tuổi không nghĩ nhiều, diễn xong và ra chào khán giả, nhìn thấy gương mặt của mọi người xúc động với âm nhạc và tiếng đàn của mình, tôi nghĩ, mình không thể gặp ở đâu ngoài piano. Khoảnh khắc đẹp đó tôi nhớ đến bây giờ và tôi quyết định đi theo âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi hiểu, âm nhạc đã thực sự có ý nghĩa và tôi muốn đi tiếp để khám phá những vẻ đẹp ấy. Sau đó là một hành trình dài, đôi lúc cũng khó khăn vì bị chấn thương tay, trồi sụt cảm xúc nhưng tôi luôn được nhận được tình yêu của gia đình và khán giả.
- Càng lớn âm nhạc và cây đàn piano có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của anh?
+Trên hành trình đó tôi khám phá thêm các tác giả khác, tôi cũng trưởng thành hơn, sâu sắc hơn. Âm nhạc phản chiếu cuộc sống, tâm hồn con người và khám phá thế giới theo một góc nhìn khác. Lúc tôi chơi đàn, tôi luyện được sự kiên nhẫn và được sống với thế giới nội tâm của mình, chỉ có một mình với cây đàn. Đó là thế giới của những giấc mơ, của những vui buồn, của những suy tưởng… Một mình đối diện với cây đàn, nó trở thành người bạn đồng hành của tôi, bởi những điều tôi không nói được bằng lời, tôi sẽ chuyển tải nó bằng âm nhạc. Có thể nói, đến bây giờ, cây đàn piano không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Nó trở thành quan trọng với cả những người thân yêu của tôi.
Màu sắc Việt Nam trong tiếng đàn của tôi là chất thơ
- Rời Việt Nam từ năm 1 tuổi, nhưng anh vẫn nói thành thạo tiếng Việt và luôn dành ưu tiên trở về Việt Nam trong các chuyến lưu diễn. Từ bao giờ anh có ý thức về cội nguồn như vậy?
+ Điều này được nuôi dưỡng một cách có ý thức trong gia đình tôi. Từ nhỏ, tôi học trường Pháp ở Ba Lan nên tôi chủ yếu nói tiếng Pháp và tiếng Ba Lan. Tôi sang đó từ lúc 1 tuổi nên tiếng Việt chưa sõi. Nhưng trong gia đình tôi, có một nguyên tắc giao tiếp là khi về nhà, cả nhà đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt và ăn những món ăn Việt Nam. Chưa đủ, mẹ còn cho tôi học thêm tiếng Việt vào mỗi sáng thứ Bảy. Hồi đó tôi không thích chút nào vì học vất vả, nhưng sau này, lớn lên tôi rất biết ơn mẹ và thấy mình may mắn vì có tiếng Việt để không bị ngắt nối với cội nguồn của mình. Tôi yêu tiếng Việt và đồ ăn Việt Nam, nó được trao truyền từ gia đình như vậy.
- Vì thế anh luôn muốn trở về đóng góp cho quê hương. Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong anh?
+ Mặc dù sống ở Ba Lan và hiện giờ tôi đang theo học tiến sĩ ở Mỹ nhưng có cơ hội tôi sẵn sàng về Việt Nam biểu diễn, ở đó có gia đình, có những khán giả của tôi. Tôi yêu không khí của Hà Nội, ấm cúng, giản dị và gần gụi. Khi tôi biểu diễn ở Việt Nam luôn có một cảm xúc đặc biệt khác những nơi khác, nó thật khó gọi tên nhưng luôn đặc biệt với tôi từ nhỏ đến bây giờ. Mỗi lần về Việt Nam tôi đều phải ra phố thưởng thức ngay những món ăn truyền thống như bún chả, phở… Đó là những món ăn mang mùi vị của quê nhà.
- Tôi cảm nhận những giá trị của nguồn cội trong tâm hồn của một nghệ sĩ quốc tế như Nguyễn Việt Trung. Vậy theo anh, chất Việt trong tiếng đàn của anh là gì?
+ Tôi theo học âm nhạc cổ điển từ nhỏ, ở một nơi được coi là cái nôi của âm nhạc cổ điển, tôi học các thầy cô nước ngoài, nhưng khi tôi biểu diễn, khán giả hay gặp tôi và nói, Trung chơi nhạc có chất Việt Nam. Tôi tự hỏi, chất Việt Nam trong âm nhạc của tôi là gì? Đó có lẽ chính là chất thơ trong tiếng đàn. Khi chơi nhạc, tôi quan tâm nhiều hơn đến âm thanh và ánh sáng trong từng nốt nhạc, nó thật huyền diệu, lung linh, nhiều sắc màu và rất sâu sắc. Với tôi, 90% là âm thanh, 10% là kỹ thuật.
- Anh có chia sẻ, tương lai anh muốn làm gì đó cho cộng đồng âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.
+ Tôi đang học năm thứ 2 tiến sĩ ở Mỹ và sau này tôi muốn phát triển thêm về sư phạm. Tôi được đào tạo ở nước ngoài nên sau này tôi muốn chia sẻ những điều tôi khám phá được trên thế giới với cộng đồng nhạc cổ điển ở Việt Nam. Tôi nghĩ, điều này sẽ trở thành một phần ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Cuộc sống của một nghệ sĩ dương cầm như chúng tôi khá yên tĩnh, hàng ngày thời gian của tôi chủ yếu là tập đàn, biểu diễn…Thế giới xoay quanh mình chủ yếu là âm nhạc, một mình nhưng không cô đơn vì tôi có cây đàn làm bạn.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.