Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Hành trình của âm nhạc là không có giới hạn

Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang trở về Việt Nam và dành tặng khán giả một concert mang tên 'Hành trình hồi sinh' tại phòng Hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bằng âm nhạc, anh muốn chia sẻ với công chúng tình cảm của mình trước những biến động của lịch sử, đời sống.

Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang.

Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang.

- Chúc mừng anh lại có một concert ở Hà Nội, vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Lần này anh sẽ mang đến cho khán giả điều gì?

+ Là một nghệ sĩ, tôi luôn mong muốn cống hiến những đóng góp ý nghĩa nhất qua âm nhạc. Đất nước chúng ta vừa trải qua thiên tai và mất mát. Rất nhiều sự kiện khiến tôi xúc động. Và tôi muốn chia sẻ cùng khán giả Thủ đô những cảm xúc của mình. Concert "Hành trình hồi sinh: Cùng Liszt, Schumann & Brahms” mang tới một hành trình âm nhạc độc đáo và cảm xúc, dẫn dắt khán giả trở về không gian âm nhạc cổ điển thời kỳ Lãng mạn. Mở đầu với không khí kịch tính, bi tráng từ Funérailles (Hành khúc tang lễ) của Franz Liszt. Tôi lựa chọn tác phẩm này vì đó là những giai điệu tưởng nhớ sự hy sinh của những người anh hùng. Nó không chỉ là sự buồn bã, thương nhớ, mềm yếu mà rất kiêu hùng, quả cảm.

Tác phẩm thứ 2 là một thế giới thanh bình, dịu êm và thơ mộng của vùng đất trẻ thơ trong Kinderszenen (Những hoạt cảnh từ tuổi thơ) của Robert Schumann. Đó là lăng kính của người trưởng thành nhìn lại tuổi thơ. Nó có ý nghĩa sau những khó khăn, chúng ta tưởng nhớ về quá khứ nhưng cũng phải hướng đến tương lai, hy vọng những điều tươi đẹp ở phía trước. Sự hồn nhiên, tự nhiên trong trẻo của trẻ thơ chính là niềm hy vọng cho tương lai. Tôi chọn tác phẩm này bởi nó có sự nối kết của mất mát và hồi sinh.

Và tác phẩm thứ 3 là một kiệt tác của trường phái âm nhạc Lãng mạn, phô bày kỹ thuật điêu luyện và chiều sâu cảm xúc từ hùng tráng, mãnh liệt đến hân hoan, khải hoàn của Johannes Brahms với Piano Sonata cung Fa thứ, Op. 5. Những thanh âm của piano không chỉ làm hồi sinh mỗi bước chuyển thời gian sống động của âm nhạc thời kỳ Lãng mạn mà còn truyền tải trong đó những hình ảnh, câu chuyện, hướng đến một lý tưởng cao đẹp. Điểm kết nối đó là hành trình từ bóng tối đi ra ánh sáng, nó là một mạch cảm xúc xuyên suốt của cả 3 tác phẩm mà tôi muốn dành tặng khán giả Hà Nội thời điểm này.

- Tôi theo dõi hành trình Lưu Hồng Quang và cảm nhận rõ tình yêu của anh dành cho âm nhạc cổ điển thời kỳ lãng mạn. Thời điểm này, anh muốn đi sâu vào thế giới của từng tác giả. Anh có thể chia sẻ về tình yêu đó của mình?

+ Âm nhạc cổ điển thời kỳ lãng mạn là những rung động gần gũi nhất, tự nhiên nhất của cảm xúc, bất cứ ai lắng nghe cũng sẽ cảm nhận được, nó gần với hơi thở của con người. Âm nhạc lãng mạn bày tỏ cảm xúc chân thành của con người ở nhiều sắc thái khác nhau và mỗi người đều cảm nhận theo cách riêng của họ. Nó không bị bó buộc vào những cấu trúc quá nghiêm khắc, mà có sự uyển chuyển, tự do cho cảm nhận. Âm nhạc lãng mạn của Đức mà tôi lựa chọn 2 tác giả biểu diễn lần này (Schumann & Brahms) là sự kết hợp hoàn hảo song song giữa trái tim và khối óc. Các tác giả người Đức luôn có những câu hỏi lớn về cuộc sống. Như Brahms, âm nhạc là sự đồng hành của những khúc ca khải hoàn và bóng tối, giữa ánh sáng và bóng đêm. Đó là sự đấu tranh trăn trở chứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng. Có những lúc âm nhạc gần như là bảo bối che chở tâm hồn mình trong những thử thách của số phận.

- Vậy với anh, âm nhạc có là một bảo bối giúp anh đi qua nỗi cô đơn và những biến động của đời sống?

+ Với tôi, âm nhạc không phải là một nghề mà là một lẽ sống. Âm nhạc len lỏi trong tâm hồn và hòa vào mình như hơi thở, nếu thiếu nó tôi không thể sống được. Theo đuổi con đường này rất khó khăn, nhiều thử thách, nhiều đánh đổi bởi cuộc đời của tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết bên cây đàn. Tôi phải luyện tập kiên trì, tập trong hạnh phúc, trong khổ đau, trong kiên nhẫn, buồn phiền, hy vọng, nhưng cuối cùng, khi mình cho đi nhiều thì âm nhạc cũng cho lại mình rất nhiều. Không những tôi được âm nhạc ưu ái mà tôi còn có đặc ân chia sẻ những vẻ đẹp của âm nhạc đến với mọi người, không nhiều thì ít cũng sẽ chạm vào tâm hồn con người.

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang trong một lần biểu diễn.

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang trong một lần biểu diễn.

- Anh đã chinh phục những đỉnh cao, giành những giải thưởng lớn ở nhiều cuộc thi âm nhạc danh tiếng trên thế giới, nhưng hiện anh vẫn tiếp tục theo học chương trình Tiến sĩ Nghệ thuật Âm nhạc với học bổng toàn phần tại Trường Âm nhạc New Zealand (Wellington). Âm nhạc, với anh là một hành trình khám phá và có vẻ như con đường ấy chưa dừng lại?

+ Hành trình đi đến chiều sâu của nghệ thuật là không có giới hạn. Năm nay, tôi có một dấu mốc rất quan trọng là xuất bản album mới giới thiệu 12 tác phẩm Transcendental Studies của Liszt mà tôi từng có dịp biểu diễn ở Hà Nội cách đây 2 năm. Album này được thu tại một phòng hòa nhạc ở bên cạnh ngôi nhà mà Liszt sinh ra ở Áo. Biểu diễn và thu âm 12 tác phẩm của Liszt là một hành trình dài, một dấu mốc trên hành trình nghệ thuật của tôi, một đóng góp nhỏ cho âm nhạc, của một nghệ sĩ Việt Nam cho kho tàng nghệ thuật vô biên của nhân loại.

Đây có lẽ cũng là album đầu tiên của người Việt Nam thực hiện chùm tác phẩm này. Tôi tự hào vì mình đã vượt qua giới hạn bản thân mình. Nhưng mọi giới hạn chưa dừng lại. Giáo sư Margaret Hair của tôi ở Úc lại mở ra cho tôi một cánh cửa khác, bà hỏi tôi, tại sao không tiếp tục nghiên cứu về Liszt. Tôi đã dùng bản full 12 tác phẩm gửi cho Trường Âm nhạc New Zealand (Wellington) cộng với đề xuất nghiên cứu của mình và tôi nhận được học bổng toàn phần cho bậc tiến sĩ.

- Vì sao lại là Liszt chứ không phải bất kỳ một tác giả nào khác, phải chăng anh có một sự đồng cảm nào đó với tác giả vĩ đại này?

+ Năm 2020, tôi đã từng tuyên bố không chơi tác phẩm của ông nữa, thể đủ rồi, tôi muốn mở rộng tới các tác giả khác. Nhưng thực ra, lúc đó, những hiểu biết của tôi về tác giả này mới chỉ là bề ngoài. Tôi phải cảm ơn bà giáo sư vì sự thúc đẩy không ngừng của bà, để tôi tiếp tục đi sâu vào hành trình của mình. Càng học lên cao, tôi thấy mình dần dần tách dần các lớp vỏ bên ngoài để chạm vào phần tinh túy của âm nhạc. Liszt có cuộc đời dài và họ hay mặc định tác phẩm của ông chỉ hào nhoáng, thiên về hiệu ứng sân khấu, không có nhiều chiều sâu về âm nhạc như các tác giả khác. Nhưng nếu chỉ hiểu Liszt như thế là một thiếu sót.

Thời gian đầu, cũng như mọi người, tôi bị sự hào nhoáng đó trong âm nhạc của ông hấp dẫn. Nhưng sau khi chạy marathon với 12 tác phẩm của ông, tôi được mở mang để thấy những giá trị vượt qua sự hào nhoáng, mang chiều sâu tâm hồn của ông. Vì thế, hành trình với âm nhạc là một hành trình không giới hạn. Ông là một nhân cách lớn, một con người hào hiệp. Tôi và nhiều người đồng cảm với chất âm nhạc của ông. Và khi nghiên cứu về ông, tôi không chỉ khâm phục các tác phẩm ông viết mà khâm phục con người, cuộc đời mà ông đã sống.

- Mỗi năm, dù bận rộn nhưng anh vẫn luôn dành thời gian trở về Việt Nam biểu diễn vào những dịp đặc biệt. Hai tiếng Tổ quốc vẫn luôn thiêng liêng dù bất cứ người nghệ sĩ sống ở đâu?

+ Tôi vẫn luôn tâm niệm “uống nước nhớ nguồn”. Đôi khi không biết mình có đóng góp được gì đáng kể hay không nhưng mình cứ có một mong muốn chân thành, đem chất lượng nghệ thuật chuyên nghiệp và tinh túy nhất đến với công chúng; không ít thì nhiều sẽ có người cảm nhận được. Tình yêu và đam mê của mình, biết đâu sẽ kích hoạt cho người yêu nhạc, phụ huynh, học sinh… Kể cả chỉ có một người đến nghe nhạc, tôi cũng phải làm tốt nhất, chuyên nghiệp nhất để phục vụ cho lý tưởng của nghệ thuật. Đối với tôi, ở đâu cũng phải làm hết mình, không được thỏa hiệp về chất lượng.

- Trò chuyện với anh, tôi cảm nhận thế giới của anh chỉ có cây đàn mà thôi. Vậy còn cuộc sống và tình yêu?

+ Tôi đang theo học tiến sĩ ở một thành phố bình yên ở New Zealand (Wellington)… Ở đó, tôi tập trung hoàn toàn vào âm nhạc và việc nghiên cứu. Với tôi, hiện tại thế là đủ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-piano-luu-hong-quang-hanh-trinh-cua-am-nhac-la-khong-co-gioi-han-i746070/
Zalo