Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang - Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan: Chuyện của 65 mùa xuân tình bạn

Tôi đến thăm Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ngọc Lan vào một ngày tháng Chạp, căn nhà của bà ngập tràn hoa, tranh và những lẵng hoa lan đủ sắc màu khoe sắc. Bà vừa có chuyến du ngoạn tại TP Hồ Chí Minh trở về, dù còn mệt vì chuyến đi dài này, nhưng gương mặt bà vẫn ánh lên những niềm vui vì chuyến đi đầy ý nghĩa ở tuổi 80, đây là dịp để bà gặp gỡ, tri ân những người bạn đã lâu không gặp, một trong những người bạn đó là NSND Trà Giang, người bạn thân thiết đã học cùng lớp điện ảnh khóa 1, đã có 60 mùa xuân bên nhau đầy tình nghĩa và gắn bó những kỷ niệm đẹp không bao giờ có thể phai mờ trong cuộc đời.

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan và Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan và Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang

NSND Ngọc Lan rưng rưng đọc bài thơ bà vừa làm xong tặng người bạn tri âm tri kỷ, NSND Trà Giang, bài thơ có tên là “Tình bạn”: Vượt ngàn vạn dặm đến thăm Giang/ Sáu mươi lăm lẻ vẫn thường nhớ nhau/ Vài tuần điện thoại đôi câu/ Hỏi han sức khỏe mong cầu yên vui/ Hôm nay ngày nắng đẹp trời/ Hết thu sang tiết hương đời mùa đông/ Mình vào thành phố thăm Giang/ Gặp nhau, cuộc gặp ngỡ ngàng lệ rơi/ Không gì ngăn nổi bạn ơi/ Ôm nhau cảm xúc bồi hồi trong tim/ Tuổi già ngọc thể bất an/ Qua cơn bi kịch mong Giang khỏe dần/ Gặp nhau còn được mấy lần/ Mắt trong đáy máy rân rân lệ trào/ Loáng thôi đã tuổi tám lăm/ Bao nhiêu ký ức trong lòng hiện lên/ Suốt đời canh cánh không quên”.

Trong ánh mắt rưng rưng dâng trào cảm xúc với người bạn thân, bạn diễn bao năm, NSND Ngọc Lan kể lại: “Tôi nghe tin NSND Trà Giang ốm khá nặng, vậy là theo nguyện vọng, các con tôi đã thu xếp cho mẹ một chuyến đi vào TP Hồ Chí Minh thăm Trà Giang, tuổi của chúng tôi đều đã ngoài 80, cái tuổi mà sức khỏe đôi khi là một vấn đề nan giải. Tôi vào Sài Gòn thăm Trà Giang khi Giang vừa từ viện trở về nhà, chỉ một thời gian nằm viện mà Giang gầy yếu đi quá, chúng tôi ôm nhau khóc ròng vì tình bạn và vì sự gặp gỡ quý giá. Lớp điện ảnh khóa 1 của chúng tôi còn có nhiều nhặn gì đâu, các bạn cũng đã lần lượt ra đi vì tuổi già, ốm đau, tật bệnh như lẽ thường của đời người… Nhưng mỗi lần gặp nhau chúng tôi lại như trẻ lại, vì được ôn lại tuổi hai mươi nồng nhiệt, yêu đời, yêu nghề, mọi thứ diễn ra chỉ như mới ngày hôm qua”.

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang hồi trẻ

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang hồi trẻ

Năm 1959, NSND Ngọc Lan và NSND Trà Giang thi đỗ vào lớp đầu tiên được đào tạo chính quy của điện ảnh cách mạng Việt Nam gồm 18 đạo diễn và 35 diễn viên, sau này lớp điện ảnh khóa 1 ấy đã trở thành những diễn viên tên tuổi của nền điện ảnh Việt Nam như: Lâm Tới, Tuệ Minh, Huy Thành, Hải Ninh, Long Vân, Bạch Diệp, Thụy Vân… NSND Ngọc Lan nhớ lại, bà vẫn vô cùng ấn tượng với Trà Giang vì tiểu phẩm “Con khỉ”, Giang đóng vai một con khỉ trong lồng sắt, người cho ăn chuối, gãi gãi… mà rất giống, giống và sinh động đến nỗi hồi đó có chuyên gia Liên Xô ngồi chấm đầu vào cũng phải thán phục trước tài năng bắt chước và diễn chân thực, sống động của Trà Giang, Giang đạt điểm tuyệt đối (5 điểm).

Còn NSND Ngọc Lan thì vào vai một cô gái thôn quê, bà diễn xong thì được nhận xét là một người có quan sát kỹ lưỡng và sẽ có những vai diễn rất bền, sẽ đi dài hơi với con đường nghệ thuật. Chỉ một năm sau khi vào trường, với vẻ đẹp trẻ trung, trong sáng, hồn nhiên, cô gái Ngọc Lan ngay lập tức đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Phạm Văn Khoa với phim “Lửa trung tuyến”. Đây là một vai diễn vừa tình tứ, vừa hồn nhiên, lạc quan với ý chí sắt đá để chống lại kẻ thù. Hình ảnh cô Nhàn với những cung bậc, tâm trạng khác nhau trong tình cảm, trong chiến đấu, đã tạo được dấu ấn cho người xem.

Hồi đó, dù mới 18 tuổi, song vì bà vốn sinh ra và lớn lên ở vùng tự do, từng có thời gian tham gia phục vụ dân công đào đường chữ chi để tránh địch càn quét nên khi vào vai Nhàn, bà vào vai rất ngọt. Đây cũng là bộ phim được chọn dự Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1961, tại đây, bà vinh dự được thay mặt Đoàn Điện ảnh Việt Nam kéo cờ khai mạc Liên hoan phim. Và cũng tại đây, trong dịp này, bà đã có duyên gặp người đàn ông của đời mình, là người họa sĩ tài năng Ngô Mạnh Lân.

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan hồi trẻ

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Lan hồi trẻ

Năm 1961, sau một năm khi Ngọc Lan đóng vai chính trong “Lửa trung tuyến” thì Trà Giang cũng bắt đầu được nhận phim đầu tay, chị Kiên trong phim “Một ngày đầu thu” (đạo diễn Huy Vân). Năm 1962, nữ diễn viên đóng chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, mang về cho bà Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim Quốc tế Moscow cùng danh tiếng trong làng điện ảnh. Hàng loạt phim sau đó lưu dấu ấn của Trà Giang như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (giải “Nữ diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow), “Em bé Hà Nội”, “Ngày lễ thánh”... Còn Ngọc Lan cũng đã tiếp tục xuất hiện với những phim điện ảnh nổi tiếng thời ấy như Y Mai trong “Lửa rừng” (đạo diễn Phạm Văn Khoa); vợ Bí thư Đảng ủy trong phim “Biển gọi” (đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Trung); người phụ trách bến phà trong phim “Một chiến công” (đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc); chủ nhiệm (cô Dự) trong phim “Quê nhà” (đạo diễn Ngọc Trung); bà Nghị Hách phim “Giông tố” (đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân)…

NSND Ngọc Lan chia sẻ, bà và NSND Trà Giang vào trường đã tiếp tục được đóng chung hai phim, cùng ăn cùng ở suốt nhiều tháng ngày, chẳng hạn như phim “Lửa rừng”, đóng chị em ruột người miền núi cùng làm cách mạng. Nhớ về những kỷ niệm cũ, NSND Ngọc Lan vẫn không quên những lúc đóng phim thiếu thốn, khó khăn, vất vả. Khi đi thực tế phim “Lửa rừng” tại bản Fa-lay-tả (Mường Xén - Keng Đu - Nghệ An) ở nhà vợ chồng cậu A Sông. Họ ưu tiên lắm mới cho hai nghệ sĩ ở phòng của hai vợ chồng, mà giường là 2 miếng ván ghép lại, nửa đêm Trà Giang ngửi thấy mùi gì khăm khẳm, lại có nước nhỏ xuống, nhìn lên thì thấy trên đầu mình họ treo lủng lẳng bao nhiêu là thịt lợn treo khô ăn dần. Tường nhà thì chỉ được che chắn bởi các tấm liếp, đêm mùa đông gió lùa lạnh cắt da cắt thịt, không tài nào ngủ được.

Cả đoàn làm phim đi thực tế vài tháng trong cảnh thiếu thốn và vất vả, nhưng chính vì sự kỹ lưỡng đó đã cho ra những thước phim đầy ấn tượng. Trong phim “Lửa rừng” có cảnh cưỡi ngựa, NSND Ngọc Lan vào vai cô du kích Y Mai trong bộ phim “Lửa rừng”. Để đóng được bộ phim này, cứ chiều chiều phải lên đèo tập đi ngựa, một con ngựa Mông Cổ rất to cao nên khó trèo. Sợ nhất là lúc tập làm quen dây cương, nếu vô tình ghì chặt cương quá thì con ngựa sẽ phi nhanh, mất đà là mình ngã. Giữa lưng chừng đèo, sương giăng đầy, một cô gái Hà Nội nhỏ thó phải tập cảnh phi ngựa, bị phỉ bắn và ngã. Không có người đóng thế như bây giờ đâu, khi quay cảnh đó xong về mà xương cột sống đau ê ẩm mất mấy ngày, nhưng bà vẫn phải cố gắng vì muốn vai diễn thành công.

Hồi đó, NSND Ngọc Lan đã lấy chồng và có con gái đầu lòng, vì đóng phim hơn một năm trời nên bà phải đưa con gái cùng mẹ già chăm ở bản Giềng (Lạng Sơn). Có lẽ vì được đi theo mẹ khắp nơi để đóng phim nên sau này chị cũng đã nối nghiệp điện ảnh của mẹ, chị là Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện tại chị là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Còn Trà Giang hồi đó chưa lấy chồng, Trà Giang thường xuyên chăm sóc con gái của Ngọc Lan như con của mình, bế ẵm cưng nựng mỗi khi được gặp con và tình bạn của hai người qua thời gian, càng bền chặt và gắn bó vì đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống, kể từ khi gian khổ đến khi thành công, từ thời con gái đến khi lấy chồng, sinh con, mỗi người một số phận, người Bắc người Nam, nhưng dường như tình cảm chân thành yêu thương nhau ấy không có gì thay đổi. Họ gắn bó và hiểu nhau ở lối sống, tình cảm chân thành nên mỗi lần ra Hà Nội, NSND Trà Giang dù bận rộn đến mấy cũng phải ghé đến thăm NSND Ngọc Lan và ngược lại, NSND Trà Giang ốm là NSND Ngọc Lan lại vào Nam thăm bạn để có dịp ôn lại những câu chuyện tuổi trẻ 65 năm về trước, những câu chuyện về nghề, về tình yêu dành cho nghệ thuật. Họ luôn cảm thấy đó là một tình cảm keo sơn gắn bó bền chặt không bao giờ có thể thay đổi, tình bạn ấy đi mãi cùng dòng chảy nghệ thuật và sống mãi cùng những vai diễn để đời của những người Nghệ sĩ nhân dân của nền điện ảnh nước nhà.

Bây giờ hai Nghệ sĩ nhân dân đã ở tuổi 83, cái tuổi biết được mệnh trời và cũng đã trải qua nhiều niềm vui nỗi buồn, chứng kiến những đổi thay của thế hệ, tiễn những người bạn cùng lớp ra đi, những diễn viên điện ảnh nổi tiếng của một thời đã làm nên thương hiệu cho nền điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới. Điều đặc biệt là bây giờ gặp nhau, hai Nghệ sĩ nhân dân vẫn bạn tớ đầy ấm áp, họ ôm nhau, kể cho nhau chuyện cũ chuyện mới, ôn lại những mùa xuân cuộc đời và mong cầu cho nhau sức khỏe bình an, để trọn vẹn bên nhau những mùa xuân ấm êm của dân tộc đang bước vào kỷ nguyên mới.

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghe-si-nhan-dan-tra-giang-nghe-si-nhan-dan-ngoc-lan-chuyen-cua-65-mua-xuan-tinh-ban-post601686.antd
Zalo