Nghệ sĩ múa đương đại Sùng A Lùng: Người rừng giữa phố

Bao năm ngược xuôi giữa phố thị phồn hoa, anh vẫn vậy. Vẫn ánh nhìn ngây ngô, hoang dại của cậu bé người Mông địu em đi nhặt thóc. Vẫn giấc mơ về tiếng khèn lá, bài hát ru dưới chiếc váy Mèo năm nào. Núi đồi chênh vênh, mùi hoa ban quyện vào giấc ngủ... Anh chắt chiu tất cả mà đem vào trong từng vũ đạo, từng vở múa đậm tinh thần đương đại.

- Sùng A Lùng là gương mặt nổi bật của làng múa đương đại với hàng loạt thành tích đáng nể. Ngoài những vai diễn độc đáo như Tú Bà trong vở "Ballet Kiều", các vai trong "Mái nhà", "Đi qua tình yêu", "Cà phê Sài Gòn", "Falling Angels"…, bạn còn khiến giới chuyên môn ngạc nhiên với tài biên đạo khi dựng vở "Ru đêm", "Cánh cửa", "Đuổi tà"… Đồng nghiệp thường bảo bạn là người ăn ngủ cùng vũ điệu, múa mà như không múa, mọi chuyển động rất bản năng. Bạn đến với múa từ bao giờ?

Nghệ sĩ Sùng A Lùng.

Nghệ sĩ Sùng A Lùng.

+ Tôi yêu múa từ khi còn nhỏ. Múa là cuộc sống, là hơi thở của tôi. Đôi lúc nó ảnh hưởng cả ngoài đời. Mọi người thường gọi tôi là thằng điên. Mình cứ tưng tưng. Đang đi chơi, tay chân bất giác múa may mà mình cũng không hay biết. Hồi học tiểu học ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, mấy năm liền tôi làm quản ca rồi tập văn nghệ cho các bạn. Những lần lớp thi múa, chỉ có mình tôi là thằng con trai duy nhất xung phong múa cùng mấy bạn nữ. Mình múa bản năng vậy thôi chứ không biết múa cụ thể là như thế nào. Đến năm lên lớp 9, ông ngoại động viên rồi đưa tôi đi thi múa ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại Hà Nội. Lúc đó tôi mới hiểu về múa. Tốt nghiệp, tôi trở thành diễn viên múa của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam.

- Tại sao sự nghiệp đang phát triển rất tốt tại Hà Nội, vậy mà ở tuổi 20, bạn lại chuyển vào TP Hồ Chí Minh để bắt đầu lại từ con số không?

+ Tính tôi không thích chôn chân một chỗ. Mình tự lập quen rồi. Bảy tuổi, tôi đã tự sống ngoài lán giữa đồng canh trâu. Lên lớp hai, đi học xa bản làng, tôi trèo đèo lội suối, tự nấu cơm trên đường đi học. Hồi mới ra trường, gia đình ai cũng kêu về làm ở phòng văn hóa xã. Nhưng tôi từ chối, một mình khăn gói xuống Hà Nội làm việc, chẳng sợ gì. Mọi người nói tôi sống theo kiểu rất hoang dã, bản năng. Mình đã quyết là mình làm. Mặc kệ lời gièm pha. Làm ở Hà Nội 3 năm, tôi lại muốn vào TP Hồ Chí Minh để thử thách mình, khám phá vùng đất mới. Vào đây rồi mới thấy quả thật, thành phố này là môi trường tuyệt vời để mình tha hồ sáng tạo nghệ thuật. Đầu quân vào Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh, tôi được giao những vai có tâm lý phức tạp mà Tú Bà trong "Ballet Kiều" là một ví dụ. Tôi cũng được anh chị đồng nghiệp dìu dắt để trưởng thành hơn trong nghề biên đạo.

- Càng đi xa bản làng, bạn càng phát tiết để tỏa sáng. Có khi nào bạn nghĩ đó là sự đánh đổi?

+ Nghề nào mà chẳng có sự đánh đổi. Nhưng với tôi, lập nghiệp ở vùng đất phương Nam này, đó là sự lựa chọn hoàn toàn tự nguyện. Nhiều người ở bản thấy tôi từ phố thị về, cứ tưởng người thành phố sung sướng lắm, kiểu như việc nhẹ lương cao. Tôi mới bảo nghề nào mà chẳng vất vả. Nghề múa đổ mồ hôi, thậm chí đổ máu, chấn thương là chuyện bình thường. Tôi nhớ mãi vết thương khi đang tập vai Tú Bà. Đứng trên những chiếc ghế cao lênh khênh, lại không thăng bằng nên một giây sơ sẩy khiến tôi ngã cú trời giáng. Bị toạc một miếng nơi khuỷu tay, máu chảy đầm đìa nhưng vì giờ diễn gần kề nên tôi chỉ băng qua loa, chờ diễn xong mới vào bệnh viện khâu. Buổi diễn thành công ngoài mong đợi. Tận hưởng tràng pháo tay kéo dài của khán giả khiến tôi hạnh phúc đến nỗi quên luôn cơn đau từ vết thương đang chảy máu ướt cả bông băng.

- Cái tên Sùng A Lùng bắt đầu được chú ý kể từ khi bạn đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2016" với vở "Ru đêm". Khi ấy, ban giám khảo lẫn khán giả không khỏi ngỡ ngàng bởi bạn vẫn là một diễn viên múa chưa qua trường lớp biên đạo nào. Vậy mà bạn có thể tự biên tự diễn một vở múa solo kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân gian và đương đại, với thủ pháp vô cùng dung dị nhưng lại chạm đến trái tim mọi người. Bạn có thể kể một chút về bước ngoặt để đời này?

+ Đó là một vở múa nội tâm. Cái váy Mông là ước muốn trong một đêm tôi khao khát trở thành một người con gái trong khi thân xác vẫn là con trai. Cái uất ức dồn nén chỉ xuất hiện trong một đêm đó. Một đêm mà có thể đại diện cho một cuộc đời. Trong cái đêm đó, tôi muốn cháy lên, bùng nổ, làm tất cả những gì mình thích, muốn được mặc váy nhưng cuối cùng mình vẫn không thể. Kết vở múa, dù không mặc được, tôi vẫn ôm cái váy như kiểu mình ôm chính giới tính của mình, ôm con người mình, nó vĩnh viễn theo mình suốt quãng đời còn lại. Trong vở, tôi còn thể hiện điệu hát ru của dân tộc Mông. Bài hát ru đó tôi học từ bố. Nó là bài hát cổ, tôi cũng không nhớ tên. Nội dung của nó như kiểu tôi đang tâm sự với một người chị nào đó rằng tôi cầm cây bút vạch ra cuộc đời mình. Và đã vạch ra con đường đấy thì dù có khó khăn vấp ngã thế nào thì mình cũng mãi đi theo. Giống như tôi chọn nghề múa thì sống chết với múa.

- Dòng máu Mông, cảm hứng về quê hương, bản quán là điểm khiến bạn tạo sự khác biệt trên sàn múa. Ngoài viên gạch mở đầu là "Ru đêm", dấu ấn và bản sắc Mông càng đậm đặc ở các vở diễn do bạn biên đạo sau này như "Đuổi tà", "Khía Súa"… Có vẻ như bạn không hề bị "đô thị hóa" như nhiều bạn trẻ vùng cao sinh sống ở thành phố?

Nghệ sĩ Sùng A Lùng gây ấn tượng với vai Tú Bà trong "Ballet Kiều".

Nghệ sĩ Sùng A Lùng gây ấn tượng với vai Tú Bà trong "Ballet Kiều".

+ Dù có sống giữa những tòa nhà cao tầng bao nhiêu năm thì tôi vẫn chỉ là thằng người rừng giữa phố. Tôi yêu mọi thứ cuồng dại, hoang dã nhưng vẫn đầy ngây ngô, ngu ngơ nên dễ bị lừa lắm (cười). Thời gian sống ở thành phố gần bằng thời gian ở bản làng nhưng đến tận bây giờ, mỗi khi lên sân khấu, xoay mình dưới ánh đèn vàng, tôi vẫn cảm thấy mình đang đi trên sườn núi Tây Bắc, đứng trên đỉnh đá tai mèo ngắm ánh bình minh phủ trên ngọn cỏ. Múa trong ảo giác ấy, tôi được là chính mình, mở tung hết mọi hoang dã trong con người. Tiếng gió reo, suối chảy, hình ảnh ruộng bậc thang lom khom người cày bừa… mãi theo từng bước chân tôi.

Tất cả những cảnh sắc, kỷ niệm ở bản làng heo hút, về những con người chân chất, thật thà, ngày ngày chỉ biết vác cuốc ra đồng, tối về nhắm mắt là ngủ, đều là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong tôi. Đưa hình ảnh bản làng lên sân khấu, tôi muốn múa đương đại Việt phải mang tâm hồn người Việt, mang cái gì đó đồng cảm với phương Đông nhưng lại không xa rời ngôn ngữ của thế giới. Ngoài ra, tôi muốn làm một điều gì đó cho quê hương, để đáp đền dòng máu tôi mang, đền đáp ông bà tôi.

- Như bạn kể, ông ngoại là người đưa bạn đi thi múa. Có phải ông là người ảnh hưởng đến bạn rất nhiều, là động lực để bạn phấn đấu?

+ Đúng thế. Ông ngoại là người định hướng tôi đến với múa. Từ tấm bé đến tận bây giờ, từng bước đường tôi đi luôn có sự sát cánh và dõi theo của ông bà. Mới một tuổi, tôi đã có em. Mẹ đẻ liền tù tì bốn đứa sau đó. Ông bà ngoại thay bố mẹ nuôi nấng tôi khôn lớn. Tuổi thơ tôi là những ngày trên lưng bà, lưng ông lên nương rẫy. Lớn hơn một chút, học đủ cái chữ, tôi tính bỏ học để ông bà, bố mẹ đỡ vất vả.

Nhà tôi nghèo lắm. Miếng ăn phải chạy từng bữa. Học được cái chữ là may lắm rồi. Nhưng ông ngoại lấy roi quát: "Mày mà không đi học tao cho mày ăn đòn". Còn bà thì như người mẹ thứ hai. Có chuyện gì buồn, tôi lại tâm sự với bà. Tuổi thơ vất vả nhưng đó cũng chính là năm tháng đẹp nhất của tôi. Bây giờ, mỗi lần thấy cháu mình múa trên tivi, ông bà mừng đến chảy nước mắt. Đưa câu chuyện của mình, của bản làng lên sân khấu, đó cũng là cách tôi báo hiếu ông bà ngoại thân yêu.

- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Sùng A Lùng sinh năm 1993. Anh đã giành nhiều giải thưởng như: Huy chương vàng cuộc thi "Tài năng biên đạo trẻ toàn quốc" năm 2016 với vở "Ru đêm", giải C Liên hoan nghệ thuật múa TP Hồ Chí Minh lần thứ 5- 2017 cho vở "Đuổi tà", giải A Liên hoan Nghệ thuật Múa TP Hồ Chí Minh mở rộng năm 2020, Huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022, giải A năm 2023 của Hội Nghệ sĩ múa TP Hồ Chí Minh cho vở "Khía Súa"…

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-mua-duong-dai-sung-a-lung-nguoi-rung-giua-pho-i739197/
Zalo