Nghệ sĩ 'đỏ mắt' tìm nhà tài trợ

Kinh tế khó khăn khiến việc hợp tác tài trợ của các nhãn hàng với nghệ sĩ, chương trình nghệ thuật cũng khác trước. Những doanh nghiệp lớn thậm chí chỉ ưu tiên rót vốn vào các dự án hot, các ngôi sao hạng A.

"Miếng bánh" bị chia nhỏ

Bà Chang Trần, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Giải pháp chuyển đổi số (THG), cựu giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam cho biết, thị trường quảng cáo trên nền tảng số, trong đó có mảng giải trí sở hữu lượng người theo dõi đông đảo, thông điệp dễ lan tỏa, đa dạng về hình thức. Vì thế, các nhãn hàng thường chủ động dành một phần lớn kinh phí quảng bá thông qua các sản phẩm nghệ thuật.

Sơn Tùng và Hải Tú ở hậu trường thực hiện MV Chúng ta của tương lai.

Sơn Tùng và Hải Tú ở hậu trường thực hiện MV Chúng ta của tương lai.

Tuy nhiên, giữa một "rừng" các gương mặt trong giới giải trí, những thương hiệu lớn thường nhắm tới những nghệ sĩ, chương trình có sự ảnh hưởng nhất định để hợp tác hoặc tài trợ sản xuất. Đó phải là những nghệ sĩ tiềm ẩn ít rủi ro gây khủng hoảng truyền thông, không scandal tiêu cực.

Bà Chang cho hay, phần tài trợ tùy thuộc vào quy mô dự án, danh tiếng nghệ sĩ. Thường mức tài trợ sẽ chiếm 30 - 50%, thậm chí có thể lên đến 80 - 90% kinh phí sản xuất, tùy độ lan tỏa của sản phẩm.

Quyền lợi của nhãn hàng nhận được là thương hiệu của họ được xuất hiện trong sản phẩm, có thể chỉ thoáng qua đến việc lồng cả hình ảnh, slogan doanh nghiệp vào nội dung, câu thoại, tùy theo hạng tài trợ (kim cương, vàng, bạc…).

Trong 5 năm qua, nhóm nhãn hàng rót tiền nhiều nhất cho các sản phẩm, chương trình nghệ thuật đến từ lĩnh vực đồ uống, sàn thương mại điện tử, bất động sản, ngân hàng. Có tới 40 - 50% ngân sách marketing của những nhãn hàng này được chi cho sản phẩm giải trí.

Ngoài ra, những người có sức ảnh hưởng lớn thường chỉ lựa chọn một số ít thương hiệu để hợp tác. Điều này dẫn đến sự giới hạn về số lượng thương hiệu mà họ hợp tác.

Chật vật tìm tài trợ

Cũng vì sự cạnh tranh khốc liệt trong con đường tìm nhà tài trợ, ca sĩ Thái Bảo Trâm - giọng ca đã lăn lộn qua nhiều cuộc thi, nổi bật là The Voice 2015 cũng phải "né" cuộc đua làm MV. Khoảng thời gian này, cô đang tập trung vào hoạt động giảng dạy.

Đạo diễn Dương Ngọc Bảo (áo đen) ở hậu trường sản xuất phim.

Đạo diễn Dương Ngọc Bảo (áo đen) ở hậu trường sản xuất phim.

"Để làm sản phẩm chất lượng, con số đầu tư thường ở ngưỡng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, bao gồm tiền mua bài, hòa âm phối khí và quay MV. Nếu không có nhà tài trợ, ca sĩ rất khó thực hiện. Hiện việc xin tài trợ cũng khó khăn hơn khi nhãn hàng thường ưu tiên ngôi sao giải trí lớn. Bởi thế, những sản phẩm của tôi hầu hết vẫn là tự bỏ tiền làm", ca sĩ nói.

Đạo diễn Dương Ngọc Bảo thừa nhận, những năm đầu đứng ra sản xuất các web-drama, anh phải tự bỏ tiền túi. Khi các thương hiệu phim đã có chỗ đứng nhất định, việc mời nhà tài trợ mới thuận lợi hơn.

"Từ năm ngoái đến nay, tình hình kinh tế suy thoái, chúng tôi chật vật đi xin tài trợ. Hiện chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm nhà tài trợ cho loạt dự án phim Tết 2025, nhưng vẫn chưa chốt hợp đồng. Có dự án lên đến cả 1 - 2 tỷ đồng nhưng cũng phải xác định tự chi ra 50%, còn lại tìm tài trợ. Đơn vị đồng hành có thể từ những mối quan hệ quen biết, đối tác cũ", đạo diễn Ngọc Bảo nói.

Làm nhân viên bán hàng "bất đắc dĩ"

Cũng vì sự cạnh tranh gay gắt giữa các nghệ sĩ, nhà sản xuất mà các nhà tài trợ làm giá, ở thế "kèo trên". Họ yêu cầu được tham gia vào khâu kịch bản, thêm thắt chi tiết tài trợ vào nội dung và nghệ sĩ đành ngậm ngùi chấp nhận.

Theo Influencer Marketing Hub, tỷ lệ thương hiệu sẵn sàng trả tiền quảng cáo cho người có sức ảnh hưởng đã tăng lên 40,8% trong đầu năm 2024. Song, đây vẫn là tỷ lệ tương tương đối thấp.

Theo Influencer Marketing Hub, tỷ lệ thương hiệu sẵn sàng trả tiền quảng cáo cho người có sức ảnh hưởng đã tăng lên 40,8% trong đầu năm 2024. Song, đây vẫn là tỷ lệ tương tương đối thấp.

Một số nhãn hàng muốn đạo diễn, nghệ sĩ phải đưa thật nhiều hình ảnh thương hiệu vào sản phẩm dù họ không am hiểu nghệ thuật, nội dung khiến sản phẩm nghệ thuật trở nên gượng gạo, nhuốm màu quảng cáo lộ liễu, gây cảm giác khó chịu cho người xem.

Đạo diễn Ngọc Bảo nói rằng, anh cũng gặp không ít nhà tài trợ như vậy. Tuy nhiên, quá trình thương thảo hợp đồng, nếu cảm thấy không phù hợp, anh buộc phải từ chối hợp tác. Nhiệm vụ của ê kíp là cân đo đong đếm sự xuất hiện của nhãn hàng sao cho hợp lý nhất, không phá vỡ tính nghệ thuật của sản phẩm.

"Việc cân đo đong đếm để trả quyền lợi cho nhà tài trợ cũng chưa phải là điều khiến tôi và ê kíp đau đầu. Có chuyện dở khóc dở cười là không ít nhãn hàng thanh toán bằng hiện vật thay vì tiền mặt.

Như vừa rồi, có hai đơn vị tài trợ sơn và đông trùng hạ thảo. Chúng tôi buộc trở thành nhân viên bán hàng bất đắc dĩ để lấy tiền làm phim. Sơn thì có thể tìm kiếm được đơn vị hợp tác phân phối, còn đông trùng hạ thảo, chúng tôi cũng phải chật vật thanh lý để có tiền", đạo diễn Ngọc Bảo kể.

Liveshow Ngày em thắp sao trời của "ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng tổ chức vào ngày 4 - 5/5 vừa qua có gần 20 nhà tài trợ. Trong khi đó, các liveshow trước của anh có đến trên dưới 30 nhãn hàng đứng sau.

Còn với Sơn Tùng M-TP, các MV trước đây của ca sĩ này tràn ngập hình ảnh của các nhãn hàng thì với MV "Chúng ta của tương lai" ra mắt hôm 8/3 cũng chỉ có hai thương hiệu đồng hành.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghe-si-do-mat-tim-nha-tai-tro-19224062509510585.htm
Zalo