Nghệ nhân làng đào Nhật Tân lần đầu tiết lộ nguồn gốc đào thất thốn

Đào thất thốn, hay còn gọi là đào tiến vua nổi danh đất Thăng Long cả hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, mới đây nghệ nhân làng đào Nhật Tân mới tiết lộ những phát hiện mới về nguồn gốc loại đào nổi tiếng này.

Phát hiện về nguồn gốc đào thất thốn

Những ngày cuối năm người dân trồng đào Nhật Tân - Hà Nội đang tất bật chăm bón mong có những cành đào đẹp phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Nhấp chén trà, Nghệ nhân Lê Hàm - người nổi tiếng trong cả nước với kỹ thuật trồng, chăm sóc đào thất thốn tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) chậm rãi nói: “Cơn bão số 3 vừa qua đã khiến hàng ngàn gốc đào phôi, đào trưởng thành bị chết với ước tính số tiền thiệt hại lên đến nhiều tỉ đồng. Số lượng đào còn lại không nhiều, trong khi tết đang đến gần nên phải đặc biệt quan tâm, chăm sóc để cuối năm có đào phục vụ những người dân, phục vụ những tín đồ chơi đào thất thốn nhiều năm nay".

Nghệ nhân Lê Hàm đang chăm sóc đào thất thốn để chuẩn bị phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán.

Nghệ nhân Lê Hàm đang chăm sóc đào thất thốn để chuẩn bị phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán.

Nghệ nhân Lê Hàm cho biết, ông là người say mê với giống đào thất thốn nên có thể ngắm, quan sát đào liên tục nhiều ngày không biết chán. Thậm chí nhiều đêm trắng ông lọ mọ bên những cây đào tiến vua để hiểu được những đặc tính của loại đào đặc biệt này.

"Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn ngốc của giống đào quý – đào thất thốn. Có ý kiến cho rằng, loại đào này có nguồn gốc từ Trung Quốc, lại có ý kiến nguồn gốc loại đào này ở một nơi khác. Tôi đã tìm tận nơi, mua đào thất thốn của Trung Quốc về để xem, so sánh với đào thất thốn người dân trồng tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cả hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, đào thất thốn tôi mua từ Trung Quốc không có những đặc điểm hết sức đặc biệt như đào thất thốn mà người dân Nhật Tân đang trồng", Nghệ nhân Lê Hàm cho biết.

Hoa đào thất thốn to, cánh hoa dày, màu đỏ thẩm tươi, hoa ra cả ở thân cây, thậm chí đến tận gốc cây

Hoa đào thất thốn to, cánh hoa dày, màu đỏ thẩm tươi, hoa ra cả ở thân cây, thậm chí đến tận gốc cây

Theo đó, ngoài đặc điểm chồi non, lá sắc xanh mượt, hoa to, nhiều cánh, dáng xù xì rất kỳ lạ, vững chãi nhưng thanh thoát, mềm mại thì đào thất thốn Nhật Tân còn có những đặc điểm đặc biệt mà đào thất thốn của Trung Quốc không có.

Theo nghệ nhân đào Nhật Tân, đào thất thốn có màu sắc thẩm đỏ như phần thịt của quả mận từ da vào đến thân gỗ thậm chí đến cả rễ. Tiếp đến, hoa đào đỏ thẩm tươi, cánh hoa dày, hoa ra cả ở thân cây, thậm chí đến tận gốc cây. Đặc biệt, chồi non khi mới nhú sắc nhọn có màu hổ phách giống như bộ gai ở chân của dế mèn rất mạnh mẽ, khi lá lớn lên thì chuyển màu xanh mỡn đầy sức sống.

Nghệ nhân Lê Hàm bên bức ảnh có hoa đào thất thốn được chụp cách đây hơn 100 năm.

Nghệ nhân Lê Hàm bên bức ảnh có hoa đào thất thốn được chụp cách đây hơn 100 năm.

Bức ảnh vị lý trưởng ở làng Xa La, tỉnh Hà Đông (nay là phường Xa La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) ngồi giữa 2 cây đào thất thốn được chụp từ năm 1915.

Bức ảnh vị lý trưởng ở làng Xa La, tỉnh Hà Đông (nay là phường Xa La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) ngồi giữa 2 cây đào thất thốn được chụp từ năm 1915.

Nghệ nhân Lê Hàm kể: “Người dân trồng đào chúng tôi đa phần cha truyền con nối, và đã trồng loại đào này cả hàng ngàn năm nên tôi biết rõ về nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, có một vài ý kiến tranh cãi về nguồn gốc loại đào đặc biệt này, đó là quyền của họ. Tôi trồng đào, say mê với loại đào đặc biệt này nên những ý kiến đó luôn ở trong tâm trí, luôn thôi thúc tôi tìm được câu trả lời cho họ về loại đào tiến vua mà tôi rất đam mê và dành cả tâm lực để hiểu, gìn giữ giống đào quý này".

Nghệ nhân Lê Hàm kể lại, trong một lần lang thang trên mạng với mong muốn tìm được thêm thông tin về loại đào quý, ông bắt gặp bức ảnh của người Pháp chụp cách đây hơn 100 năm về một lý trưởng ở Xa La, tỉnh Hà Đông (hay là quận Hà Đông, TP. Hà Nội) ngồi giữa 2 cây đào thất thốn. Đây là một tư liệu hết sức quý báu về nguồn ngốc của cây đào thất thốn.

Ngày xưa dân gian truyền miệng rằng, “vua chơi lan, quan chơi trà”, thế nhưng trong bức ảnh vị lý trưởng đó ngồi giữa, và bên cạnh là 2 cây đào thất thốn được trồng trong chiếc bình cổ, còn phía sau là chậu hoa lan. Bức ảnh không chỉ có ý nghĩa về lịch sử nguồn gốc của cây đào thất thốn mà bức ảnh cũng nói lên loại hoa đặc biệt này có vị trí hết sức đặc biệt đối với giới chơi cây cảnh từ xa xưa.

“Bức ảnh vị lý trưởng chụp cùng hoa đào thất thốn từ năm 1915 tôi mới biết từ đầu năm nay (2024). Thế nhưng, từ xưa tới nay người dân trồng đào Nhật Tân và người dân trồng đào ở Xa La (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã kết nghĩa và cứ đến ngày 8/2 hàng năm hai làng lại tổ chức lễ hội rước thánh Linh Lang (Thời nhà Trần từ 226 đến năm 1400) hết sức linh đình vì cùng thờ chung một vị thánh, hay còn gọi là thành hoàng làng, là người lập ra làng, truyền dạy nghề cho dân làng chúng tôi.

Là đời thứ 3 nối nghiệp cha ông trồng đào thất thốn, cùng với những thông tin mà chúng tôi có, tôi tự tin rằng đào thất thốn là loại đào quý và có nguồn gốc tại Việt Nam chúng ta”, Nghệ nhân Lê Hàm cho biết.

Hoàng Sơn

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nghe-nhan-lang-dao-nhat-tan-lan-dau-tiet-lo-nguon-goc-dao-that-thon-d202985.html
Zalo