Nghe Đài phát thanh biết Sài Gòn đã được giải phóng
50 năm đã trôi qua, những người thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn đã trở thành những nhân chứng đặc biệt. Chương trình phát thanh đầu tiên trong ngày thống nhất non sông được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn chiều ngày 30/4 năm ấy như một bản giao hưởng chiến thắng của dân tộc Việt Nam được truyền đi khắp thế giới.
Biết Sài Gòn được giải phóng qua Đài Phát thanh.
9h sáng ngày 30/4/1975, Sài Gòn vắng lặng. Không có những cuộc tắm máu, không có cảnh đổ nát, cướp bóc, hôi của, như lời tuyên truyền trước đó của chính quyền VNCH khi các cánh quân của bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tất cả đang chuẩn bị cho việc đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và chuyển giao chính quyền cho quân cách mạng. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nhân chứng lịch sử của ngày hôm ấy kể lại việc ông cùng đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để tuyến bố đầu hàng.
“Tôi nhớ xe đại úy Thệ chở ông Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đi trước. Tôi tháp tùng đi cùng xe với Chính ủy Bùi Văn Tùng đi sau với nhà báo Tây Đức cùng ra Đài Phát thanh Sài Gòn. Ở Đài phát thanh ta thấy có bức ảnh luôn có mấy anh bộ đội đứng xung quanh, có ông Dương Văn Minh, có hình ảnh nhà báo Tây Đức mà nhiều người lầm tưởng là cố vấn Mỹ. Ông nhà báo này có vai trò quan trọng là hôm đó không có ai có máy thu âm cả, chính nhà báo này đã cho chúng tôi mượn máy cassette để thu băng”, ông Nguyễn Hữu Thái kể.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (người cầm tập tài liệu) tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Qua Đài Phát thanh, người dân Sài Gòn và cả miền Nam nghe được lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và biết được Sài Gòn đã được giải phóng. Chiều ngày 30/4, cả Sài Gòn bắt đầu nhộn nhịp với từng dòng người và xe cộ túa ra đường đón chào quân giải phóng.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái bồi hồi: “Khi Đài phát thanh phát tiếng nói đầu hàng quân giải phóng của ông Dương Văn Minh và Chính ủy Bùi Văn Tùng, thay mặt chính quyền cách mạng chấp nhận lời đầu hàng, cả Sài Gòn náo động trở lại với niềm vui mừng. Khắp nơi xuất hiện bộ đội. Dân chúng Sài Gòn yên lòng vì không có tình trạng cướp bóc, hôi của. Dân chúng vui mừng, nhất là lớp trẻ hòa mình vào với bộ đội rất nhanh. Như một ngày hội lớn. Dinh Độc Lập trở thành tụ quân của các cánh quân. Sài Gòn nơi nào cũng có bộ đội. Chúng tôi có cảm tưởng không giống như như một ngày giải phóng kiểu quân sự mà gần như một cuộc họp mặt của gia đình lớn sau mấy chục năm xa cách”
Chương trình phát thanh trực tiếp đầu tiên tại Sài Gòn trong ngày giải phóng
Sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và lời tiếp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, một chương trình phát thanh trực tiếp được diễn ra do sinh viên các trường đại học, các nhân sĩ, trí thức của Sài Gòn đảm nhiệm.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trở thành người dẫn chương trình phát thanh trực tiếp này. Ông cũng là người đứng ra tổ chức, sắp xếp các nội dung, mời gọi sinh viên, học sinh, trí thức thành phố cùng tham gia chương trình.
Cũng ngay chiều hôm đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đến Đài Phát thanh với bạn bè của mình theo lời kêu gọi của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cùng tham gia trò chuyện, phát biểu trực tiếp trên sóng phát thanh.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trong một lần thăm lại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chia sẻ với chúng tôi nội dung một đoạn băng của chương trình phát thanh trực tiếp cách đây 50 năm, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái không giấu được cảm xúc. Đó là đoạn băng có lời phát biểu kêu gọi các nhạc sĩ, trí thức ở lại xây dựng thành phố và đất nước của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau lời kêu gọi ấy, nhạc sĩ còn bắt nhịp cùng mọi người hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn của mình.
“Hiện tại chúng tôi đang ở Đài phát thanh Sài Gòn và tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng đến đây để góp tiếng nói lên tiếng để tất cả mọi người yên tâm và tôi xin tất cả các anh em sinh viên học sinh của miền Nam Việt Nam này kết hợp lại với nhau. Khóm phường kết hợp chặt chẽ để chuẩn bị đón chờ Ủy ban cách mạng lâm thời đến. Và tôi xin hát một bài, hiện tại trên đài thì không có đàn ghi ta, tôi xin hát lại bài nối vòng tay lớn của, hôm nay thật sự vòng tay lớn đã được nối kết:
Rừng núi giang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam….”
Khoảng 5h chiều, Kiến trúc sư Nguyến Hữu Thái giao chương trình lại cho lực lượng sinh viên để đến Bộ Chỉ huy chiến dịch do ông Mai Chí Thọ đứng đầu đang đóng tại Trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Ông Mai Chí Thọ mời ông cùng anh em Thành đoàn chuẩn bị phân công lực lượng sinh viên, học sinh, thanh niên cùng tham gia các hoạt động với chính quyền cách mạng vào ngày hôm sau 1/5/1975.
Chương trình phát thanh hôm đó tiếp tục được phát trực tiếp theo kiểu tự biên, tự diễn và kéo dài tới 19h00 tối, cho đến khi lực lượng của Đài Phát thanh giải phóng vào tiếp quản.
35 năm đi tìm lại Chương trình phát thanh ngày 30/4 lịch sử
Sau ngày miền Nam giải phóng, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã ra sức tìm kiếm băng ghi âm ghi lại Chương trình liveshow đặc biệt của ngày 30/4/1975 nhưng dường như vô vọng. Hàng chục năm, bằng các mối quan hệ thân thiết của mình, ông nhờ tìm trong các kho tư liệu của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, cả Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi ra bạn bè nước ngoài nhưng không tìm ra vì dường như không có ai ghi âm lại toàn bộ chương trình trực tiếp ngày hôm đó.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. - Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.
Ông cũng không biết rằng, ngày 30/4 năm ấy có một nhà nghiên cứu sử học trong lúc đi lánh nạn đã mở radio nghe tin tức mới biết Sài Gòn được giải phóng và ghi lại toàn bộ phần đầu của chương trình phát thanh này bằng máy cassette hiệu Hitachi.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã kể lại: “Tôi đã ghi âm toàn bộ những gì phát trên đài phát thanh lúc đó. Không chỉ là những tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh mà là tất cả những âm thanh, những lời trao đổi đầu tiên trong giờ phút quan trọng đó. Tiếp đó, sau lời kêu gọi của KTS Nguyễn Hữu Thái rất nhiều người đã đến Đài Phát thanh để nói lên tiếng nói của các thành phần xã hội lúc bấy giờ”
Câu chuyện đi tìm chương trình phát thanh đặc biệt chiều 30/4 sau hàng chục năm phát sóng trực tiếp là một hành trình dài 35 năm của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái. Ông phải vất vả tìm kiếm cuốn băng này từ trong nước đến nước ngoài.
“Sau giải phóng, 20 năm sau tôi tìm mãi mà không tìm ra chương trình phát thanh chiều 30/4/1975. Sau đó tình cờ tôi gặp ông tiến sĩ Nguyễn Nhã, tôi than phiền với ổng về vụ không tìm ra Chương trình này, vì ngay ở Đài phát thanh cũng không giữ luôn. Năm 2002, ông Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho tôi băng cassette ổng thu được phần đầu, nhưng lại không có phần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cho tới năm 2009-2010, một người bạn của tôi ở Pháp có chuyển cho tôi đoạn băng có khả năng là do người Mỹ thu được. Đoạn này mới có phần lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phát biểu và hát bài Nối vòng tay lớn, có cả lời dẫn chương trình của tôi. Bây giờ hai đoạn băng kết hợp lại là mình có đủ chương trình của ngày 30/4/1975”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nói.
Chương trình phát thanh của ngày 30/4 năm ấy giờ đã trở thành một minh chứng đặc biệt cho chiến thắng lịch sử của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Từ chương trình phát thanh đặc biệt này mà cả thế giới biết được miền Nam Việt Nam đã được giải phóng. Bắc Nam sum họp một nhà. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.