Nghề bắt và buôn bán rắn ở miền Tây
Nhiều năm trước, vùng biên giới An Giang và Campuchia, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), và khu vực rừng U Minh là nơi có nhiều rắn. Ở đây còn có nghề bắt rắn và nghề mua bán rắn rất sôi động. Do giá trị của rắn quá lớn so với nhiều động vật khác nên nghề này mang đến cho người dân nguồn thu nhập dồi dào. Thế nhưng, đây cũng là công việc ẩn chứa nhiều rủi ro.
Sinh nghề tử nghiệp
Người nông dân miền Tây, ngoài nghề làm ruộng rẫy còn có thêm nghề đánh bắt cá trên đồng hay trên sông, bắt chuột trên đồng. Trước đây, nhiều người làm nghề đánh bắt cá và bắt chuột đã tập trung vào công việc bắt rắn. Lý do vì rắn độc như hổ mang, mái gầm bán được tiền nhiều hơn các loại khác. Đương nhiên, những người chuyên bắt rắn ở miền Tây không có tổ nghề, hay phương pháp gì thần bí như các "thầy rắn" ở Ấn Độ và Thái Lan. Họ biết cách bắt rắn dựa vào sự gan lì và kinh nghiệm.
Tôi gặp Tư Nô vào một chiều tháng 11.2024 tại nhà ngôi nhà sàn của anh trên bờ sông Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, giáp thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Năm nay Tư Nô 48 tuổi. Trước đây, anh từng là một người nông dân bắt rắn chuyên nghiệp trên các cánh đồng Campuchia và cả đồng Việt, thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Anh cho biết: “Điều đầu tiên làm nghề bắt rắn là không sợ rắn. Từ nhỏ đến lớn, tôi đi theo cha, ông đi bắt cá thường hay bắt được rắn nên tôi quen, nhìn rắn không sợ như những đứa trẻ khác. Bước vô nghề này, chúng tôi không được trang bị thứ gì khác ngoài máu liều và hiểu biết chút ít về thuộc tính của từng loài rắn. Chúng tôi có một vài phương pháp giải độc nọc rắn dân gian nhưng hiếm khi dùng. Nhiều người không hiểu cho rằng người làm nghề bắt rắn thiên nhiên có một loại bùa, hoặc thuốc gì đó đặc biệt, nhưng kỳ thực là không”.
Hai mươi năm trước, người Việt Nam rất ưa chuộng rắn nên tỷ lệ tiêu thụ rất lớn. Người ta xem đây là món quà biếu giá trị dùng làm món ăn đặc sản, hoặc làm thuốc đặc trị. Chính vì thế, lực lượng săn bắt rắn đông đảo. Tư Nô nói thêm "Biết là thợ bắt rắn không sợ chết nhưng rất nhiều người đánh đổi cả sinh mạng. Không chỉ người mới vô nghề non tay, mà nhiều người làm thợ lâu năm kinh nghiệm vẫn bị rắn cắn và không kịp cứu chữa. Nhiều gia đình cha và con đều ra đi vì bị rắn độc cắn. Ngẫm lại thấy những người như tôi chấp nhận sinh nghề tử nghiệp hơi dại, đánh đổi miếng cơm với sinh mạng là cái giá quá đắt. Chính vì vậy, tôi "giải nghệ”'.
Thoái trào
Tại thành phố Châu Đốc có một địa danh tên Xóm Bắp. Tại đây, có hai gia đình mua bán rắn lâu đời. Nghị là người mua bán rắn thuộc thế hệ thứ ba của một trong hai gia đình trên và gia đình này có tuổi nghề lâu hơn gia đình kia. Người khởi đầu công việc này chính là bà nội của anh. Bà truyền sang cho người cô và chú, tới anh chị họ và Nghị. Công việc mua bán rắn giúp cho gia đình Nghị có cuộc sống sung túc nhưng một người cô và người chị họ của Nghị đã không may mắn ra đi vì rắn cắn. Tôi hỏi Nghị rằng anh có sợ khi chứng kiến hai mất mát đó không, anh trả lời điềm nhiên rằng có buồn nhưng đây là công việc quen thuộc rồi. Bản thân anh đã lớn lên trong hình ảnh rắn rùa nên gắn bó với nó.
Nghị cho biết: “Chúng tôi thu mua rắn hiền và cả rắn độc từ những người thợ bắt rắn. Nhiều năm trước, có khi buổi sáng gom hàng buổi chiều đã bán hết. Có người hỏi việc sống chung với rắn độc như thế có phải thủ sẵn thuốc giải nọc độc không. Chúng tôi không mang theo bên mình và giữ trong nhà vì mỗi khi thủ sẵn như thế sẽ bị “thử” ngay lập tức. Thà không chuẩn bị gì thì không sao, chứ mang vô nhà là y như sẽ bị cắn. Tuy nhiên, việc không thủ thuốc giải bên mình cũng rủi ro là không cấp cứu kịp. Vài người khi bị rắn cắn vào đầu ngón tay đã chọn giải pháp lấy dao chặt lìa ngón tay ấy để nọc độc không lan ra, chạy đến tim. Đó là lý do nhiều thợ bắt rắn bị cụt một hay vài ngón tay”.
Theo Nghị, giờ thu nhập từ nghề bán rắn đã suy giảm rất nhiều. Bản thân anh giờ đây đã làm thêm công việc kinh doanh nhà hàng để cải thiện thu nhập. Các chợ rắn dọc các xã biên giới tỉnh An Giang cũng thưa thớt và không còn tấp nập như xưa. Lý do chính không phải người ta sợ cái chết mà là khu vực tập trung rắn nhiều nhất thuộc những cánh đồng bên đất Campuchia.
Những cánh đồng ấy ngày xưa cây cối rậm rạp nên rắn nhiều, còn bây giờ được phát hoang nên rắn không còn chỗ ẩn nấp. Còn trên những cánh đồng Việt, làm lúa 3 vụ khiến người nông dân thường xuyên cày xới đất và sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên rắn cũng dần tản đi mất. Hơn nữa, mùa nước nổi bây giờ cũng không còn mang sản vật về như trước. Thế nên, ngày nay không còn nghề bắt rắn chuyên nghiệp mà người nông dân đi bắt cá, may mắn bắt được ít rắn, thường là rắn không độc như rắn nước, di voi. Họ mang xuống chợ bán xen lẫn với cá tôm.
Tình hình này cũng xảy ra tương tự ở khu vực Đồng Tháp Mười, rừng U Minh. Trên tuyến quốc lộ từ Sài Gòn về Long An, Đồng Tháp, An Giang thỉnh thoảng người dân ngồi bên chiếc lồng rắn nhưng không nhiều như ngày xưa. Không biết sự suy giảm này là nên vui hay buồn, nhưng trong góc nhìn bảo vệ thiên nhiên việc người dân không tiếp tục săn lùng đánh bắt rắn lớn là điều rất đáng khích lệ.
Theo những người am hiểu và làm nghề bắt rắn, rắn không chủ động tấn công con người, trừ khi con người vì vô tình hay cố ý có hành động đe dọa chúng. Ngẫm cũng lạ, có đến 70% con người sợ rắn nhưng ở nhiều quốc gia, rắn là món ăn khoái khẩu.