Nghệ An: Thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn

Sáng 30/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 12 đã thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã cho ý kiến về đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định Nghĩa Đàn là huyện nông thôn mới, có nền kinh tế hàng hóa và dịch vụ gắn với thị xã Thái Hòa, trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây Bắc tỉnh Nghệ An và vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Là khu vực kinh tế năng động, có nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc, có xã hội ổn định và phát triển.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp thường kỳ tháng 12 (Ảnh: CTTĐT Nghệ An)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp thường kỳ tháng 12 (Ảnh: CTTĐT Nghệ An)

Phân thành 3 vùng theo hướng khai thác hiệu quả các tiềm năng của khu vực

Theo quy hoạch, Phân vùng 1 (Phân vùng phát triển phía Đông Bắc - vùng trung tâm) gồm thị trấn Nghĩa Đàn và các xã: Nghĩa Hội, Nghĩa Bình, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thọ với diện tích đất khoảng 15.914 ha (bằng 26,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng động lực của huyện lấy thị trấn huyện lỵ Nghĩa Đàn làm trung tâm, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng phát triển Khu Kinh tế Đông Nam; tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ; hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ và của tỉnh. Hạt nhân phát triển là thị trấn Nghĩa Đàn (đô thị loại V) là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và kinh tế tổng hợp.

Phân vùng 2 (Phân vùng phía Tây Bắc) gồm các xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng với diện tích đất khoảng 31.788 ha (bằng 51,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng trung tâm sản xuất nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc gắn với trang trại TH, kết hợp kinh tế rừng. Hạt nhân phát triển là đô thị Nghĩa Sơn (đô thị loại V).

Phân vùng 3 (Phân vùng phía Nam) gồm các xã: Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Đức. Diện tích đất khoảng 14.083 ha (bằng 23,0% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện). Đây là vùng phát triển mở rộng cụm công nghiệp Nghĩa Long và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trồng rừng hồ Khe Đá và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hạt nhân phát triển là đô thị Nghĩa Long (đô thị loại V). Định hướng phát triển đô thị, dịch vụ gắn với định hướng phát triển thị xã Thái Hòa, phát triển mạnh theo các tuyến đường chính gồm đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 48, Quốc lộ 48D.

Bản đồ quy hoạch xây dựng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bản đồ quy hoạch xây dựng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thực hiện cơ bản; quá trình thực hiện xây dựng đồ án theo đúng quy định. Trong đồ án đã xác định rõ các dự báo, chỉ tiêu của huyện Nghĩa Đàn trong thời gian tới; xác định rõ các định hướng chính của huyện. Dự kiến mở rộng không gian đô thị thị xã Thái Hòa, xây dựng Thái Hòa trở thành đô thị loại 3 vào năm 2030, vì vậy trong quy hoạch này đã tính đến yếu tố này để đảm bảo đủ điều kiện mở rộng không gian đô thị nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí về mặt diện tích cho huyện Nghĩa Đàn.

Bên cạnh đó, huyện Nghĩa Đàn phải phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An hoàn thiện, phê duyệt Đồ án theo đúng quy định.

Việt Hoàng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nghe-an--thong-qua-do-an-quy-hoach-xay-dung-vung-huyen-nghia-dan-131826.htm
Zalo