Nghệ An tăng cường triển khai tiêm chủng ngoại trạm
Trong những năm qua, Nghệ An luôn chú trọng công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã, đặc biệt là việc tiêm chủng ngoại trạm, giúp nhiều trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, được tiêm 'đúng mũi, đủ liều' theo khuyến nghị.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai hỗ trợ các điểm tiêm chủng ngoại trạm. Tại huyện Quế Phong, bác sĩ Vi Văn Kim, Trưởng trạm Y tế xã Tiền Phong, cho biết trạm y tế đã thiết lập một điểm tiêm ở khu vực cách xa từ 25-30 km tại các bản xa. Một số trẻ ở đây đã tiêm đầy đủ, nhưng cũng có trường hợp chưa tiêm đủ do bố mẹ đi làm xa, để trẻ ở lại với ông bà, không thể đưa trẻ đến trạm tiêm.
"May mắn, nhờ vào dự án tiêm chủng ngoại trạm 7, trạm y tế đã tổ chức các điểm tiêm tại 5 bản tái định cư thuộc khu vực thủy điện Hủa Na, Na Sành, Piếng Cu, Phương Tiến 1, bản Đan và Lâm trường. Mỗi tháng, đội tiêm chủng sẽ đến các điểm này một lần. Tuy nhiên, công tác tiêm gặp rất nhiều khó khăn do khoảng cách xa giữa các điểm, khiến người dân ít tham gia. Ngoài ra, có trường hợp người dân tiêm ở các cơ sở ngoài trạm y tế mà không thông báo lại cho trạm. Dự kiến, đến tháng 10/2024, tỷ lệ tiêm chủng tại các điểm này sẽ đạt 78,4%, và cuối năm, con số này có thể đạt trên 95%", bác sĩ Vi Văn Kim chia sẻ.
Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có tổng cộng 570 cơ sở tiêm chủng, trong đó có 520 cơ sở tiêm chủng công lập, bao gồm 460 Trạm Y tế, 21 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố, thị xã, và 29 cơ sở y tế có phòng sinh tiêm chủng. Ngoài ra, còn có 60 cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên tại 100% xã, phường, thị trấn từ ngày 10 đến ngày 29 hàng tháng, trong đó có 83 điểm tiêm lưu động trực thuộc các Trạm Y tế. Bên cạnh đó, hoạt động tiêm vaccine Viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện đã được triển khai tại tất cả 29 cơ sở có phòng sinh trên toàn tỉnh.
Nghệ An có 4 huyện, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông có điểm tiêm ngoại trạm thuộc dự án 7. 4 huyện này có 31 xã có 82 điểm tiêm lưu động. Các điểm tiêm này thường được tổ chức tại các thôn bản, trường học, nhà văn hóa… cách xa trạm y tế. Nhờ vậy, nhiều trẻ em ở các địa bàn khó khăn có cơ hội được tiếp cận và tiêm chủng đầy đủ các mũi phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: bại liệt, ho gà, uốn ván... Tất cả những người dân vùng sâu, vùng xa, các khu vực ở trên địa bàn tỉnh đều tích cực hưởng ứng các hoạt động tiêm chủng. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ứng vaccine trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung ứng vaccin tương đối khó khăn.
Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Nghệ An), hiện nay vẫn còn một số tồn tại và hạn chế trong công tác tiêm chủng. Cụ thể, một số vaccine cung cấp chưa đủ so với nhu cầu đề xuất của tỉnh, như vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai, vaccine phòng lao, và vaccine phòng viêm não Nhật Bản.
Ngoài ra, hệ số hao phí vaccine tại các điểm tiêm ngoại trạm hiện đang ở mức cao, do vaccine được đóng trong lọ đa liều (10 hoặc 20 liều mỗi lọ), và sau khi mở nắp, vaccine chỉ có thể sử dụng trong vòng 6 giờ. Một vấn đề khác là thiếu kinh phí để triển khai hoạt động giám sát các điểm tiêm lưu động tại các tuyến tỉnh và huyện.
Hoạt động tiêm chủng nói chung, và tiêm chủng mở rộng nói riêng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo thông tin từ CDC Nghệ An, trong những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hàng tháng cơ bản đạt đúng tiến độ đề ra.
Để làm tốt hơn nữa công tác tiêm chủng, Sở Y tế Nghệ An đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh ban hành nhiều văn bản đề xuất Cục Y tế Dự phòng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cấp vaccine trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng mở rộng để triển khai công tác tiêm chủng. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị và địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng giai đoạn 2024-2025 trên toàn tỉnh.
Cùng với đó, công tác rà soát đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi theo quy định cũng được thực hiện, nhằm có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét ngay khi có vắc xin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Các địa phương cũng đã cập nhật số lượng vaccine thiếu để gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đảm bảo việc bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã đề xuất nhu cầu vaccine dự kiến cho năm 2024, 2025 và 6 tháng đầu năm 2026 gửi Cục Y tế Dự phòng, nhằm đảm bảo quyền lợi tiêm chủng cho người dân.
Trong khuôn khổ Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, các điểm tiêm chủng ngoại trạm được hỗ trợ các nội dung sau: chi phí đi lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng; chi phí vận chuyển và bảo quản vaccine tiêm chủng mở rộng; hỗ trợ cán bộ tiêm chủng với mức 50.000 đồng/người/buổi ngoài chế độ công tác phí hiện hành; và hỗ trợ các chi phí phát sinh khác trong quá trình tổ chức tiêm chủng ngoại trạm (nếu có), căn cứ vào thực tế phát sinh và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", ngành y tế tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng đầy đủ. Mục tiêu là đạt tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều từ 95% trở lên trong năm nay, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em và tăng cường khả năng miễn dịch trong cộng đồng.