Nghệ An: Sạt lở núi nghiêm trọng, giao thông ở nhiều xã miền núi gặp khó khăn
Mưa lớn, kéo dài từ chiều 23 đến sáng 24/5 khiến tuyến đường từ trung tâm thị trấn Mường Xén đi các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra nhiều điểm sạt lở núi nghiêm trọng.

Nhiều tuyến đường ở tỉnh Nghệ An bị sạt lở núi Ảnh minh họa: TTXVN phát
Tại các điểm sạt lở, lượng lớn đất đá từ sườn núi, vách ta-luy dương ở độ cao khác nhau trượt sạt, đổ xuống phủ lấp, chắn ngang mặt đường khiến giao thông chia cắt cục bộ, người dân di chuyển qua lại rất khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; riêng các loại ô tô không thể di chuyển qua.
Chiều 24/5, ông Hạ Bá Thái, Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho biết, trên tuyến đường từ thị trấn Mường Xén đi các xã Tà Cạ, Mường Típ và Mường Ải xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu vực giáp ranh giữa bản Xốp Típ và bản Xốp Khăm (xã Tà Cạ) gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và giao thông của người dân. Hiện tại, tuyến đường đi vào các xã Mường Típ, Mường Ải được đặt trong tình trạng cảnh báo nguy hiểm. Chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo và khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua các điểm sạt lở, nhất là vào ban đêm vì nguy cơ đất đá trượt sạt còn rất cao.
Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho biết thêm, nguy cơ tiếp diễn sạt lở tại các điểm xảy ra sạt lở là rất lớn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy địa phương đang theo dõi sát sao tình hình để có phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân. Lực lượng chức năng cũng xây dựng phương án, kế hoạch xử lý sạt lở và phân luồng giao thông. Tuy nhiên, việc khắc phục gặp nhiều khó khăn do thời tiết tiếp tục diễn biến xấu và địa hình đồi núi phức tạp.
Hiện, chính quyền địa phương đang huy động lực lượng tại chỗ, sẵn sàng phương án sơ tán dân, di dời đồ đạc, nhà cửa nếu mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng. Đồng thời kêu gọi người dân chủ động nâng cao ý thức ứng phó, phòng tránh trước tình hình diễn biến thiên tai cực đoan; khẩn trương phối hợp với chính quyền trong các tình huống khẩn cấp.
Kỳ Sơn là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Nghệ An, có diện tích hơn 2.000km2 nhưng chỉ có 1% diện tích đất bằng phẳng có thể sinh sống và canh tác, còn lại là đồi núi dốc, sông suối chia cắt và hàng chục điểm sạt lở có quy mô, cấp độ khác nhau.
Hằng năm, ngay từ trước mùa mưa, chính quyền địa phương chỉ đạo các xã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, rà soát các điểm xung yếu, đặc biệt là các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; chủ động phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, do địa hình đặc thù đồi núi dốc, kết cấu địa tầng không ổn định và mưa lớn xảy ra với hình thái diễn biến bất thường, nhiều điểm sạt lở vẫn khó kiểm soát kịp thời.