Nghệ An phát động 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025'
Ngày14.4, tại Trường Tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025'.
Với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố”, tháng hành động năm nay diễn ra từ ngày 15.4 đến 15.5.2025.
Các hoạt động trong tháng hành động nhằm siết chặt kiểm soát các "điểm nóng" về an toàn thực phẩm, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, nhất là đối tượng học sinh, người lao động và người thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát ngày càng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi lễ, TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nhấn mạnh: “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là hoạt động thường niên mang ý nghĩa thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công cuộc đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân.”

Toàn cảnh buổi lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025.
Theo Giám đốc Sở Y tế, bà Lê Thị Hoài Chung, đây cũng là dịp để các ngành, các cấp cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, đồng thời nhận diện rõ những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, kiểm soát thực phẩm. Từ đó, tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, hướng đến xây dựng nền thực phẩm sạch, an toàn, phát triển bền vững.
Để triển khai hiệu quả Tháng hành động năm nay, Sở Y tế đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng, thay đổi hành vi tiêu dùng, khuyến khích sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Song song với đó, tỉnh cũng đặt trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo kết nối từ tỉnh đến cơ sở. Công tác giám sát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm sẽ tiếp tục được tăng cường, chủ động phát hiện sớm và xử lý triệt để các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Với quyết tâm “không để thực phẩm bẩn lọt vào bữa ăn”, Nghệ An hướng tới kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh và phát triển bền vững.